Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng diễn ra từ ngày 19 đến 22/4/2001 tại Hà Nội.

(Ảnh: Báo điện tử Nhân dân)

Thời gian: Từ 19-22/4/2001

Địa điểm: Thủ đô Hà Nội

Số lượng đảng viên trong cả nước: 2.479.719

Số lượng tham dự Đại hội: 1.168 đại biểu

Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Nông Đức Mạnh

Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 150  uỷ viên

Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 15 uỷ viên

Nhiệm vụ chính: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dự Đại hội có 1.168 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Có 34 đoàn đại biểu quốc tế tham dự đại hội.

Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội "Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới”, là Đại hội có ý nghĩa lịch sử trọng đại, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của cả dân tộc Việt Nam vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội đánh dấu chặng đường 15 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 1991-2000, là Đại hội đầu tiên của Đảng trong thế kỷ XXI.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 150 uỷ viên. Bộ Chính trị gồm có 15 uỷ viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã họp 14 lần để bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó có vấn đề tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và đến 2010; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII về công tác tổ chức cán bộ; Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010; Về đổi mới và nâng cao hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX diễn ra trong bối cảnh loài người đã kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI, dân tộc ta đứng trước những thời cơ lớn đan xen với nhiều thách thức lớn.

Đại hội nhận định: Khả năng duy trì hoà bình ổn định trên thế giới và khu vực cho phép chúng ta tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, đồng thời đòi hỏi phải đề cao cảnh giác, chủ động đối phó với các tình huống bất trắc, phức tạp có thể xảy ra.

Cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt và công nghệ thông tin và công nghệ sinh học tiếp tục có bước phát triển nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tri thức và sở hữu trí tuệ có vai trò ngày càng quan trọng.

Toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Đây là xu thế khách quan, lôi cuốn các nước, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Quan hệ song phương, đa phương giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng cả trong kinh tế, văn hoá và bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, thiên tai và các đại dịch...

Tình hình đất nước ta sau 15 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thế và lực để thúc đẩy công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối phó với những thách thức: tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng quan liêu, “diễn biến hoà bình” do các thế lực thù địch gây ra.

Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng và nhân dân ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX diễn ra trong hoàn cảnh đó, phải hoạch định đường lối đúng đắn cho sự phát triển của đất nước trong những năm 2001- 2005 và 2001-2010.

Dự Đại hội có 1.168 đại biểu đại diện cho hơn hai triệu đảng viên ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau từ mọi miền của đất nước và đang công tác ở nước ngoài.

Đến dự Đại hội còn có đoàn đại biểu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Liên Xô, đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đoàn đại biểu của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Cuba, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp…, các vị trong đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc gia và quốc tế, đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội.

Đồng chí Trần Đức Lương, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị đọc diễn văn khai mạc. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII về các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.

Đại hội IX của Đảng đã đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đại hội IX có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ta ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới.

Báo cáo Chính trị “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” đã trình bày 10 vấn đề:

- Việt Nam trong thế kỷ XX và triển vọng trong thế kỷ XXI;

- Tình hình đất nước 5 năm qua và những bài học chủ yếu của 15 năm đổi mới;

 

- Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta;

- Đường lối và chính sách phát triển kinh tế - xã hội;

- Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

- Tăng cường quốc phòng và an ninh;

- Mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế;

- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân;

- Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế;

- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đánh giá về nước ta trong thế kỷ XX, Đại hội IX khẳng định: Thế kỷ XX là thế kỷ của những biến đổi to lớn, thế kỷ đấu tranh oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

“Với những thắng lợi giành được trong thế kỷ XX, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Về triển vọng trong thế kỷ XXI: Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi, nhân dân ta có cả cơ hội lớn và thách thức lớn.

Về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của 5 năm (1996-2000), Báo cáo Chính trị khẳng định 5 nhóm thành tựu quan trọng sau: kinh tế tăng trưởng khá; văn hoá, xã hội có những tiến bộ; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; hệ thống chính trị được củng cố; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, hội nhập kinh tế quốc tế được tiến hành chủ động và đạt nhiều kết quả tốt.

Bên cạnh khẳng định những thành tựu đó, Đại hội IX đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII còn bộc lộ những yếu kém, khuyết điển: Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; Một số vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết; Cơ chế, chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh để phát triển; Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng.

Tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”. Đại hội đánh giá tổng quát: phần lớn các mục tiêu chủ yếu đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000 đã được thực hiện. Nền kinh tế có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, văn hoá xã hội không ngừng tiến bộ; thế và lực của đất nước hơn hẳn 10 năm trước, khả năng độc lập tự chủ được nâng lên, tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đại hội IX khẳng định những kinh nghiệm, bài học đổi mới mà các Đại hội VI, VII, VIII của Đảng đã đúc rút vẫn có giá trị lớn, nhất là các bài học chủ yếu sau:

Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo.

Ba là, đổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Bốn là, đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới.

Đại hội xác định mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức, do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội ở tất cả các cấp, các ngành, thu hút trí tuệ và sức lực của toàn dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối kinh tế của Đảng được Đại hội thông qua là: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Cùng với lĩnh vực kinh tế, Đại hội IX đã xác định đường lối lãnh đạo đối với các lĩnh vực khác: “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Tăng cường quốc phòng và an ninh”; “Mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”; “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”; “Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế”; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Đại hội khẳng định phải coi xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Đảng ta, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đại hội IX đã hoạch định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 với mục tiêu tổng quát là: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đi đôi với hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Đại hội IX đã thông qua Phướng hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2001-2005.

Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và Phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII trình Đại hội. Đại hội đã thông qua toàn văn Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá IX gồm 150 uỷ viên là: Nguyễn Văn An, Lê Hồng Anh, Lê Thị Bân, Trịnh Long Biên, Đào Đình Bình, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Chi, Trần Thị Trung Chiến, Vũ Tiến Chiến, Nguyễn Văn Chiến, Hoàng Xuân Cừ, Nguyễn Quốc Cường, Phan Diễn, Nguyễn Thị Loan, Ngô Văn Thụ, Lê Văn Dũng, Hồ Nghĩa Dũng, Nguyễn Tấn Dũng, Đỗ Bình Dương, Mai Thế Dương, Huỳnh Đảm, Phan Tất Đạt, Nguyễn Văn Đẳng, Nguyễn Khoa Điềm, Chama Léa Điêu, Nguyễn Văn Được, Trương Quang Được, Lê Nam Giới, Hoàng Trung Hải, Lê Thanh Hải, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Thị Hằng, Cù Thị Hậu, Hà Văn Hiền, Vũ Văn Hiền, Vũ Văn Hiến, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Huy Hiệu, Trương Mỹ Hoa, Trần Hòa, Trần Đình Hoan, Hoàng Công Hoan, Hoàng Văn Hon, Nguyễn Thị Kim Hồng, Lê Doãn Hợp, Bùi Văn Huấn, Nguyễn Sinh Hùng, Vũ Quốc Hùng, Bùi Quang Huy, Bùi Quốc Huy, Võ Đức Huy, Đinh Thế Huynh, Lê Minh Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Huỳnh Hữu Kha, Phan Văn Khải, Nguyễn Tuấn Khanh, Phạm Gia Khiêm, Hà Thị Khiết, Vũ Khoan, Nguyễn Đức Kiên, Phan Trung Kiên, Vũ Trọng Kim, Hoàng Kỳ, Vũ Ngọc Kỳ, Phạm Văn Long, Nguyễn Hữu Luật, Trần Đức Lương, Uông Chu Lưu, Hồ Xuân Mãn, Nông Đức Mạnh, Vũ Mão, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Ánh Minh, Nguyễn Tuấn Minh, Đỗ Hoài Nam, Mai Văn Năm, Nguyễn Thị Kim Nhân, Hồ Tiến Nghị, Phạm Quang Nghị, Lê Hữu Nghĩa, Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Khắc Nghiên, Lê Huy Ngọ, Tạ Quang Ngọc, Nguyễn Duy Niên, Tráng A Pao, Nguyễn Tấn Phát, Hoàng Văn Phong, Tòng Thị Phóng, Phạm Đình Phú, Phùng Hữu Phú, Võ Hồng Phúc, Giàng Seo Phử, Ksor Phước, Đỗ Nguyên Phương, Lê Hoàng Quân, Hoàng Bình Quân, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Tấn Quyên, Trịnh Trọng Quyền, Nguyễn Văn Rinh, Tô Huy Rứa, Trương Tấn Sang, Nguyễn Văn Son, Khuất Hữu Sơn, Sơn Song Sơn, Đỗ Trung Tá, Lê Thanh Tâm, Lê Bình Thanh, Nguyễn Phúc Thanh, Phùng Quang Thanh, Quách Lê Thanh, Tạ Hữu Thanh, Nguyễn Thế Thảo, Dương Mạc Thăng, Võ Thị Thắng, Đào Trọng Thi, Phạm Văn Thọ, Nguyễn Thị Hoài Hoài Thu, Niê Thuật, Lê Đức Thúy, Lê Thế Tiệm, Bùi Sĩ Tiếu, Nguyễn Văn Tình, Ma Thanh Toàn, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Văn Trà, Hà Mạnh Trí, Nguyễn Thế Trị, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Đức Triều, Nguyễn Phú Trọng, Trương Vĩnh Trọng, Đỗ Quang Trung, Mai Thế Trung, Trần Văn Truyền, Mai Ái Trực, Trần Văn Tuấn, Phạm Minh Tuyên, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Văn Tự, Y Vêng, Hồ Đức Việt, Lâm Chí Việt, Hồng Vinh (Nguyễn Duy Lự), Nguyễn Văn Yểu.

Phản hồi

Các tin khác