PHÁT HUY NGUỒN LỰC, TIỀM NĂNG CỦA TRÍ THỨC KIỀU BÀO
Phóng viên: Theo Giáo sư, chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước?
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Tôi nghĩ việc đầu tiên là cần làm tốt nhất công việc chính của mình, đề án mình làm càng có sự ảnh hưởng bao nhiêu thì tiềm năng của mình để đóng góp cho đất nước càng tốt bấy nhiêu.
Về phía các cơ quan trong nước, tôi nghĩ cần tạo nhiều điều kiện để giới trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ và trao đổi nhiều hơn với các đối tác ở Việt Nam. Chúng ta cũng cần có cơ chế mở rộng và thoáng hơn trong việc đồng tài trợ với nước ngoài và trong nước.
Thêm vào đó, cần xây dựng những tổ chức để tập hợp sức mạnh của tập thể NVNONN trong những đóng góp lớn và có tính chiến lược cho Việt Nam thay vì qua những cá nhân đơn lẻ. Chúng ta cũng nên tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam và có các điều khoản ưu tiên cho trí thức kiều bào để khuyến khích họ tham gia; đồng thời thành lập các hội nhóm trí thức người Việt theo từng chủ đề riêng (ví dụ như Hội Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu khoa học, Hội Các nhà sinh vật học Việt Nam…)
Các cơ quan chức năng trong nước cũng cần làm cầu nối thông tin để kết nối các dự án hoặc các vấn đề cần giải quyết trong nước với trí thức kiều bào như: đăng các thông tin về dự án, vấn đề cần giải quyết trong nước lên các trang tin của tổ chức, kêu gọi trí thức trong nước tham dự hội nghị quốc tế và trình bày vấn đề cần giải quyết,...
Chúng ta cũng cần tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác thông qua các dự án nghiên cứu quốc tế, đa quốc gia cũng như chủ động cập nhật kiến thức trong nước và ngoài nước để có đủ kiến thức hội nhập.
Phóng viên: Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm tới công tác đối với NVNONN. Là một Việt kiều hiện đang sinh sống ở Anh, Giáo sư đánh giá thế nào về các chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào? Theo Giáo sư, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục huy động tinh thần đoàn kết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới?
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh: Tại Vương quốc Anh nơi tôi đang làm việc và sinh sống, Đại sứ quán Việt Nam tại đây rất quan tâm và tạo điều kiện để tôi có thể kết nối với các cơ quan trong nước như: Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nên việc tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ 4 vừa qua tại Đà Nẵng cũng thuận lợi hơn. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài rất có giá trị đối với Việt Nam và việc thành lập Hội đồng cố vấn cho chính phủ là rất thiết thực.
Việt Nam hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ lớn để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước. Ví dụ như việc mở các Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hay việc hỗ trợ tạo Hệ thống sinh thái cho các startups từ nước ngoài về, các đề án mang tính toàn cầu như sức khỏe và môi trường.
Thêm vào đó, thông qua Đại sứ quán Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan trong nước cho các trí thức NVNONN như tôi, cũng như cho những tổ chức trí thức như VYA.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều NVNONN như tôi còn thiếu thông tin về các cơ chế, chính sách cụ thể của đất nước, gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình trở về làm việc và hợp tác với quê hương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền đối với cộng đồng NVNONN cần được chú trọng và cải thiện hiệu quả hơn, nhằm thu hút được đông đảo bà con kiều bào, đặc biệt là các trí thức NVNONN, về nước, đóng góp xây dựng quê hương.
Đặc biệt, theo tôi, Đảng và Nhà nước ta cần chú ý quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài bởi đây chính là một nguồn lực to lớn và đầy tiềm năng có thể góp trí góp tài cho quê hương, đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!