Bài 3: Xứng đáng với niềm tin của Nhân dân 

(ĐCSVN) – Tính đến nay, 100% tổ chức cơ sở Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Kết quả đại hội cấp cơ sở đã tạo niềm tin trong Đảng và trong nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, về một nhiệm kỳ mới với những kỳ vọng mới tốt đẹp hơn. 

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội về những kết quả đạt được cũng như những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại buổi làm việc của đồng chí Vương Đình Huệ,
Ủy viên Bộ Chính trị làm việc với Ban Tổ chức Thành ủy.

 

Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật Đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó điểm nhấn là Đại hội điểm cấp trên cơ sở?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 đảng bộ trực thuộc, gồm: 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã, 20 đảng bộ trực thuộc với 2.310 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), 17.118 chi bộ, 449.299 đảng viên, chiếm trên 10% đảng viên cả nước.

Công tác chuẩn bị tổ chức đại hội các cấp của Hà Nội được triển khai rất sớm, bài bản, có lộ trình, đặc biệt nghiên cứu rất kỹ các điểm mới của đại hội năm nay như: Chương trình hành động; quy trình 5 bước trong công tác nhân sự, khảo sát nhân sự trước đại hội; đặc biệt cập nhật những vấn đề mới trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước để định hướng cho Hà Nội 5 năm tới…

Với đặc điểm trên, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã triển khai đồng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Hà Nội; tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, xác định trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong việc tập trung tổ chức thành công đại hội đảng các cấp. Đồng thời, xây dựng lộ trình tiến độ phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ đảng ủy trực tiếp tham gia 16 đoàn công tác có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đại hội các cơ sở và cấp trên cơ sở.

Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã tổ chức chỉ đạo đại hội điểm 03 đại hội cấp trên cơ sở đó là: Quận Ba Đình, Huyện Gia Lâm và Bộ Tư lệnh Thủ đô.   Qua tập trung chỉ đạo đại hội của chi bộ cơ sở và đại hội điểm thì có thể rút ra một số kết quả nổi bật: Thứ nhất, Hà Nội đã quán triệt đầy đủ những chỉ đạo mới của Trung ương trong Chỉ thị 35 và cụ thể hóa thành kế hoạch chi tiết của Ban Thường vụ Thành ủy; trong đó xây dựng lộ trình, phân công trách nhiệm, đặc biệt nhấn mạnh điểm mới trong Chỉ thị.

Thứ hai, công tác chuẩn bị đại hội được triển khai sớm theo tinh thần rõ việc, trách nhiệm và tập trung vào hai nội dung chính là văn kiện đại hội và nhân sự. Do vậy, dù Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch COVID-19 nên tiến độ có phần chững lại, nhưng khi Trung ương có chủ trương mới về tiếp tục cho chỉ đạo thì Hà Nội đã tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đến giờ phút này, tiến độ đại hội cơ bản hoàn thành.

Về văn kiện đại hội, Hà Nội đã quán triệt đầy đủ đến các đồng chí từ chi bộ đến cơ sở, đặc biệt là cấp trên cơ sở những vấn đề cần quan tâm. Riêng Hà Nội, có chương trình 20 là chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội. Những nội dung, kết quả chương trình này là những sản phẩm rất cụ thể để tổ chức cơ sở đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở nghiên cứu trong việc đánh giá tình hình nhiệm kỳ 5 năm qua, trong tổng kết kinh nghiệm bài học, những tồn tại, đặc biệt là định hướng trong nhiệm kỳ mới. Do vậy, năm nay chúng tôi cho rằng, chất lượng văn kiện được nâng lên, sát thực tiễn hơn.

Mặt khác, năm nay có điểm mới là việc xây dựng chương trình hành động trong khi đại hội. Đây là một chủ trương rất đúng đắn của Trung ương. Chúng tôi đã hướng dẫn các cấp xây dựng những công việc cụ thể của từng năm, từng lĩnh vực. Vì vậy, sau nghị quyết đại hội thì những công việc lớn mà đại hội đã ra nghị quyết thì bắt tay triển khai ngay trong thực tiễn. Tuy chưa đạt được kết quả cao nhưng tôi cho rằng, chủ trương này rất thiết thực hiệu quả, buộc các đại hội tập trung thảo luận, thống nhất những các vấn đề lớn trong nghị quyết, có tính chất cụ thể theo nguyên tắc, thời gian làm, ai làm, làm như thế nào? Như vậy, nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Thứ ba, về nhân sự đại hội, đến giờ phút này cơ bản thành công. Điều đặc biệt là chúng tôi có Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15, tập trung củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém trong nhiều năm vừa qua. Do vậy, một trong những nguyên nhân nhân sự đại hội không thành công là do tổ chức cơ sở đảng có vấn đề đoàn kết nội bộ, vấn đề sai phạm, có những vấn đề chưa thật thống nhất, đặc biệt là những sai phạm của cán bộ.

Vì thế, trước đại hội, chúng tôi đã xác định có 83 tổ chức cơ sở đảng, tập trung là xã, phường, thị trấn có nhiều vấn đề trong sai phạm, mất đoàn kết thì đã tập trung giải quyết các vấn đề đơn thư, tập trung xử lý thay thế cán bộ, tập trung vào những vấn đề đảng viên quan tâm ở địa phương... 

Do vậy, rất mừng là 83/83 tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức thành công đại hội. Còn đại hội ở xã, phường cũng có một số đơn vị không nhiều là một số nhân sự chủ chốt không trúng cử Ban chấp hành. Còn đại hội đảng bộ của 3 đơn vị làm điểm thì đến giờ phút này thành công, trong đó 2 đơn vị bầu trực tiếp Bí thư.

Phóng viên: Thưa đồng chí, được biết, Hà Nội là một trong những đảng bộ dự kiến bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cấp trên cơ sở cao trong cả nước. Vậy công tác chuẩn bị được các cấp ủy tiến hành như thế nào?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Về bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội thì Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo theo tinh thần là chủ động. Theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị thì khuyến khích những nơi đoàn kết, ổn định và có điều kiện thì bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội. Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng có chủ trương khuyến khích các đơn vị đăng ký và Ban Thường vụ Thành ủy duyệt. 

Tôi cho rằng, quan điểm bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội trong tình hình hiện nay là rất tốt. Một là, phát huy dân chủ trong Đảng; hai là, để các đồng chí Bí thư, người đứng đầu cấp ủy khẳng định được uy tín của mình trước đại hội; Ba là, để cho cấp trên đánh giá cán bộ và cũng khuyến khích tính chủ động cao của các đồng chí được bầu, thay đổi phương thức để đảm bảo ngày càng dân chủ của Đảng. Từ quan điểm đó, trong công tác chuẩn bị bầu cử tại đại hội, chúng tôi xác định trước tiên thì Ban thường vụ các cấp đó phải chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là vị trí chủ chốt Bí thư xem là có năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín hay không? Điểm mới của đại hội lần này là đại biểu, cán bộ, đảng viên nhìn vào kết quả công việc để đánh giá. Điều đó rất quan trọng bởi kết quả chính là thể hiện qua những công việc cụ thể của cả nhiệm kỳ. Cùng với đó, chúng tôi cũng thực hiện đầy đủ quy trình theo hướng dẫn 24/HD-BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm chủ trương Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư để lấy phiếu tín nhiệm, giới thiệu thông qua Ban Chấp hành và bầu trực tiếp.

Kinh nghiệm ở đây những nơi nào chuẩn bị kỹ, tốt, tập trung thì đại hội sẽ bầu trực tiếp Bí thư. Một không khí cởi mở, dân chủ, xây dựng đóng góp, tôi cho là rất tốt. Vừa rồi, Hà Nội đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ 1 quận, 1 huyện và một số đảng bộ trực thuộc cũng đã tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội. Theo dự kiến của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, gần 50% đảng bộ trực thuộc sẽ tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội. Đến nay, chúng tôi đã nhận được đăng ký của các đảng bộ và cũng đang tích cực chuẩn bị nội dung này.

Tôi nghĩ rằng, các đồng chí đứng đầu có uy tín, năng lực, trình độ, phẩm chất và đặc biệt có hiệu quả công việc trong điều hành thì cách thức bầu trực tiếp tại đại hội là tốt nhất, cũng là cách trả lời tín nhiệm nhất. Hà Nội khuyến khích các đảng bộ trực thuộc thực hiện chủ trương này.

Hy vọng sau đại hội này, những người đứng đầu cấp uỷ được bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội sẽ phát huy được những ưu điểm, đồng thời nhìn nhận được những khuyết điểm, hạn chế và có những giải pháp hiệu quả để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế; từ đó ngày càng hoàn thiện để lãnh đạo tốt hơn trong nhiệm kỳ tới, khẳng định uy tín trước đại hội.

Phóng viên: Thưa đồng chí, một trong những điểm mới của Đại hội lần này là bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội. Đồng chí đánh giá như thế nào về nội dung đổi mới này, nhất là trong việc phát huy tinh thần dân chủ?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội không phải là chủ trương mới với nhiệm kỳ này. Trong tinh thần Chỉ thị 35 đã nhấn mạnh, phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường khuyến khích những nơi có điều kiện thì bầu trực tiếp Bí thư. Trước tiên, tôi khẳng định, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn theo đúng tinh thần Chỉ thị 35. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chủ động và chuẩn bị để làm thật tốt bầu bí thư trực tiếp tại đại hội, vừa đảm bảo được yêu cầu của Trung ương đặt ra, vừa đảm bảo được thực tế của Hà Nội.

Như các đồng chí đã biết, Hà Nội là một đảng bộ lớn nên những vấn đề mới khi lựa chọn thực hiện cần phải chuẩn bị kỹ, bởi tác dụng của nó tốt cũng có, chưa tốt cũng có, điều này sẽ có ảnh hưởng đến đại hội. Từ quan điểm đó, theo tôi: Thứ nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc triển khai thực hiện chủ trương này từ khâu rà soát các đảng bộ, xem xét một cách khách quan nhất và thậm chí đi vào cụ thể những đồng chí sẽ là nhân sự để bầu trực tiếp bí thư đại hội, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, ổn định và phát triển.

Từ đó, chúng tôi xác định trước tiên phải thống nhất chủ trương này trong Ban Thường vụ các cấp, có nên hay không nên bầu trực tiếp Bí thư và tập thể Ban Thường vụ đó phải thống nhất và quyết định. Đối với cá nhân đồng chí bí thư, theo tôi cho rằng, lúc đầu còn e ngại, chưa dám đề xuất mặc dù cá nhân rất muốn; do đó, cần thông qua tập thể Ban Chấp hành để khẳng định sự đoàn kết, thống nhất, đồng thời tập thể đó khẳng định đồng chí đó có đủ năng lực, trình độ và uy tín. Điều này rất quan trọng.

Thứ hai, phải quán triệt trong Đảng ủy trên tinh thần xây dựng, đóng góp. Thật ra, tâm lý các đồng chí bí thư trước thềm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội thì có phần nào lo lắng, hồi hộp… Nhưng rõ ràng, việc xác định trách nhiệm, uy tín của các đồng chí trước đại hội và tinh thần xây dựng của các đại biểu dự đại hội trên nguyên tắc cái chung, căn cứ hiệu quả của cấp ủy và năng lực của đồng chí bí thư để sáng suốt lựa chọn. Quan trọng là phải hết sức khách quan, công tâm vì cái chung chứ không có bè cánh, lôi kéo… 

Thứ ba, về quy trình bầu trực tiếp bí thư tại đại hội là rất kỹ càng, từ việc lấy tín nhiệm, thông qua ban chấp hành rồi bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Nội dung này trong công tác điều hành chuẩn bị đại hội phải làm rất chu đáo, chuẩn chỉ và đồng chí Bí thư khi trình bày chương trình hành động của mình  phải có sức thuyết phục, tạo được niềm tin của đại hội.

Tôi cho rằng, bước đầu Hà Nội đã tổ chức thành công một số đại hội cơ sở và đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, mà cấp trên cơ sở thì đặc biệt là cấp quận, huyện, số lượng đại biểu đông, rất nhiều các cơ quan địa phương trong đại hội. Vì công tác chuẩn bị kỹ như vậy nên cơ bản đã thành công. Và từ kinh nghiệm này thì chúng tôi cho rằng, tới đây đồng loạt một số quận huyện, một số đảng bộ trực thuộc đã đăng ký việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội.

Với kinh nghiệm bước đầu, chúng tôi sẽ trao đổi, chia sẻ, đặc biệt là sự quan tâm sự lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá đúng tình hình để làm sao tạo được sự đồng thuận của các đại biểu tại đại hội. Những việc còn lại của Hà Nội là bầu trực tiếp bí thư tại đại hội, đặc biệt cấp trên cơ sở và trong cấp trên cơ sở, đặc biệt là cấp quận huyện thì sẽ thành công. Vấn đề thành công ở đây không phải chỉ là tỷ lệ số phiếu bầu cao, tỷ lệ tập trung, mà là sau đại hội, đồng chí bí thư cấp uỷ có thể phát huy được khả năng của mình, nhìn nhận những vấn đề hiện còn tồn tại để có khắc phục, uốn nắn.

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, chúng ta đang quan tâm vai trò người đứng đầu. Nếu chúng ta lựa chọn đúng người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín chắc chắn địa phương đó sẽ phát triển. 

Kinh nghiệm này sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Và chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục theo  dõi, góp ý với Hà Nội, Chúng tôi xin sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp để Hà Nội triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, có lộ trình từng bước, thận trọng, đạt kết quả như mong muốn.

 

Phóng viên: Trong công tác chuẩn bị nhân sự, theo yêu cầu của Chỉ thị 35-CT/TW và của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cần phải kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội cục bộ, bè phải, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền… Vấn đề này, Hà Nội đã giải quyết như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Đức Bảo: Về vấn đề này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 15 về tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém.   Thành ủy Hà Nội có 83 tổ chức cơ sở đảng tạm gọi là yếu kém và 9 quận, huyện được Ban Thường vụ đưa vào diện theo dõi. Để đại hội không còn hiện tượng bè cánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo thì cần giải quyết tận gốc những vấn đề này. Trước tiên là phải công bố công khai các sai phạm của các cán bộ có vi phạm, đồng thời nơi nào năng lực cán bộ hạn chế, nơi nào cán bộ mất đoàn kết thì phải thay thế …

Vừa qua, Hà Nội đã tăng cường một số các đồng chí là giám đốc các sở, ngành, các đồng chí thành ủy viên trẻ xuống làm bí thư một số quận, huyện và cũng xem xét kỷ luật một số cán bộ vi phạm… Và những nơi nào mất đoàn kết, nơi nào năng lực cán bộ yếu kém thì Ban Thường vụ các cấp phải kiên quyết giải quyết, nhất là đoàn kết nội bộ. Với các giải pháp như vậy đã tạo không khí thật sự cởi mở, tin tưởng trước thềm đại hội.

Những vấn đề liên quan đến đơn thư tố cáo, khiếu nại đã được giải quyết từ trước, đặc biệt là vấn đề đoàn kết nội bộ. Do vậy, trong các đại hội cấp cơ sở vừa qua, tình trạng bè cánh, mất đoàn kết, vận động đã gần như không còn. Điều này thể hiện cụ thể là ở 83 tổ chức cơ sở đảng diện yếu kém cần củng cố thì tỷ lệ trúng cử cấp ủy đều cao. Vì thế, có thể khẳng định, điểm nổi bật của Hà Nội nhiệm kỳ vừa rồi chính là tinh thần đoàn kết, thực sự cởi mở, dân chủ.

Phản hồi