Bài 1: Người có uy tín là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” 

Bài 2: Những cánh chim đầu đàn 

Bài 3: Bất cập trong quan niệm lựa chọn người có uy tín

Bài 4: Những khó khăn, bất cập về thể chế và chính sách

(ĐCSVN): Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số yêu cầu: “Đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào”. Chủ trương đã có nhưng xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số không đơn giản, do còn nhiều vướng mắc về thể chế, chính sách, chế độ đãi ngộ. 

 

Thiếu tiêu chí xác định, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín và quy chế phối hợp giữa người có uy tín với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận hiện đang là những rào cản gây ảnh hưởng nhất tới chất lượng hoạt động của người có uy tín.

Người có uy tín trong dân tộc thiểu số thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Có người là già làng, trưởng bản, có người là cán bộ hưu trí, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu, có người là nhà giáo, thầy thuốc, trẻ tuổi… Vì thế, mỗi người sẽ có mức độ ảnh hưởng, chi phối quần chúng trong phạm vi rộng, hẹp khác nhau, ở từng lĩnh vực khác nhau, có thế mạnh và hạn chế riêng. Sẽ có người có phạm vi ảnh hưởng chỉ trong một thôn, có người thì trong phạm vi vùng, có người có tiếng nói trọng lượng với cả một dân tộc…

Thứ còn thiếu hiện nay là các cấp, các cơ quan chức năng chưa xây dựng được tiêu chí xác định, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín nên chưa có sự phân định cụ thể về cấp độ mật, công khai đối với người có uy tín. Người có uy tín hiện nay, dù có phạm vi ảnh hưởng chỉ trong dòng họ hay vùng, quốc gia, dân tộc thì cũng đều phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận là chưa phù hợp.

Tại Hội thảo chuyên đề “Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức (tháng 5 năm 2020), bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác nhận: Ở một số địa phương, việc phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín còn lúng túng, có tình trạng chồng chéo giữa cơ quan Mặt trận, Dân vận, Dân tộc, Công an dẫn đến trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng người có uy tín cần vận động, tranh thủ. Do chưa đánh giá được mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín; thiếu cơ chế, chính sách nên chưa phát huy hết hiệu quả phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín cũng như thu hút, vận động người có uy tín tham gia xây dựng hệ thống chính trị. 

 

Thôn, bản không phải là cấp chính quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước 4 cấp ở nước ta song đây là nơi tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì thế, lượng văn bản hướng dẫn thi hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đều dồn xuống đây. Theo anh Lộc Văn Hai, Trưởng ban công tác Mặt trận - người có uy tín thôn Long Giang, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn phản ánh thì một năm anh tiếp nhận khoảng 20 văn bản của Mặt trận Tổ quốc, không kể các văn bản chuyển xuống cho Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản mà anh cần tiếp cận để nắm, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện. Khối lượng văn bản quá lớn, bản thân anh không thể nhớ hết, cộng với trình độ văn hóa thấp (9/12) nên dù là đảng viên thì với anh, việc tiếp thu chủ trương, đường lối của cấp trên là rất khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù một năm anh Hai được tham gia 3 - 4 lần các lớp tập huấn nhưng nội dung theo anh nhận xét là quá chung chung, hiệu quả không cao. 

Ở những nơi mà mối quan hệ giữa bí thư chi bộ, trưởng thôn bản với người có uy tín có sự đồng thuận thì việc được tiếp cận các văn bản gửi trực tiếp cho bí thư, trưởng thôn còn thuận lợi; ngược lại thì rất khó khăn. 

Do vậy, việc đến thời điểm này vẫn còn thiếu một quy chế phối hợp giữa người có uy tín với cấp ủy, trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể dẫn đến việc thực hiện vừa thiếu thống nhất trên phạm vi toàn quốc, vừa khiến người có uy tín gặp khó trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân, giảm hiệu quả công tác giám sát của cấp ủy, đại diện thôn bản trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách tới người dân.  

 

Người có uy tín hiện nay gồm hai nhóm. 

Nhóm 1 là những người tham gia các thiết chế quản lý ở thôn bản kiêm nhiệm làm người có uy tín. 

Nhóm 2 là những người không tham gia thiết chế quản lý ở thôn bản, đơn thuần chỉ là có ảnh hưởng với cộng đồng, được suy tôn làm người có uy tín. 

Với nhóm 1: Trong trường hợp họ là bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thì có phụ cấp trách nhiệm tùy theo quy định của địa phương. Mức phụ cấp này, như bà Lê Thị Tâm, người có uy tín, đồng thời là Trưởng làng Giàn, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An chia sẻ, phần nào chỉ mang tính động viên. Bởi vì sau chủ trương sáp nhập thôn bản của Trung ương thì rất nhiều thôn, bản mới được hình thành từ 3 - 4 thôn, bản khác. Địa hình miền núi rộng lớn, từ đầu làng đến cuối làng có khi dài tới 6 - 7 km, dân cư sống thưa thớt nên nếu đến nhà dân bằng xe máy cũng tốn kha khá tiền xăng. Với những người trên 70 tuổi, xe máy không biết đi, đường làng ngõ xóm chưa được bê tông hóa sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Trong điều kiện như thế, phương thức liên lạc bằng điện thoại được nhiều người có uy tín lựa chọn. Nhưng như anh Lộc Văn Hai tâm sự, mỗi tháng cũng “ngốn” hàng trăm nghìn đồng tiền điện thoại trong số tiền phụ cấp ít ỏi chỉ bằng 0,8 mức lương tối thiểu.  

Với những người có uy tín thuộc nhóm 2, vì không tham gia các thiết chế quản lý ở thôn, bản nên không có phụ cấp. Toàn bộ chi phí xăng xe, điện thoại… họ phải tự bỏ ra. Nếu họ có lương hưu thì đỡ khó khăn. Không có lương hưu hoặc điều kiện gia đình chưa thực sự khá giả, quả thật chẳng khác nào “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ảnh hưởng đến sự nhiệt tình, hiệu quả hoạt động 

 

Theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, “người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng. Tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương, người có uy tín được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc do địa phương xác định, thực hiện”.

Tuy nhiên, việc thiếu một quy định cụ thể, chẳng hạn như một năm tối thiểu các địa phương phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền vận động cho người có uy tín mấy lần; cộng với một thực tế là đại đa số các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều nghèo, phụ thuộc vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương nên không có nhiều điều kiện để quân tâm bố trí thỏa đáng ngân sách chăm lo cho công tác bồi dưỡng, tập huấn đối với người có uy tín.

Mặt khác, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín dù đã được thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; các cấp, các ngành thường xuyên mở lớp. Tuy nhiên, cách làm, nội dung truyền đạt chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc do thiếu bộ tài liệu chính thống, khoa học để bù khuyết kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín. Trong khi đó, tuyên truyền, vận động là khâu quyết định đến kết quả thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vấn đề đáng quan tâm là kỹ năng tuyên truyền, vận động, nhất là tuyên truyền miệng - phương pháp phổ biến hiện nay của người có uy tín chưa thực sự được quan tâm tập huấn. Trong khi đó, đây cũng chính là phương thức mà các đối tượng thù địch đang sử dụng, được đánh giá là phổ biến, nguy hiểm nhất do phù hợp với đặc điểm địa bàn và nhận thức, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện có tình trạng các thế lực thù địch một mặt lợi dụng, lôi kéo, kích động để tà đạo xâm nhập, phát triển vào các dân tộc thiểu số, thông qua các ràng buộc bằng giáo lý, thần quyền để nắm, khống chế quần chúng, chi phối các địa bàn chiến lược; mặt khác, tìm cách nắm, chi phối, lợi dụng tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền chia rẽ dân tộc, tập hợp lực lượng, tiến hành các hoạt động chống phá hoặc lợi dụng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc để lừa bịp, lôi kéo, kích động quần chúng gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, người có uy tín được hưởng một số chính sách hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần như thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số; thăm hỏi, hỗ trợ khi bị ốm đau hoặc gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn.

Tuy vậy, định mức thăm hỏi, tặng quà… do địa phương căn cứ vào khả năng ngân sách quy định. Thế nên, với những tỉnh rộng, dân cư thưa nhưng nghèo, khó khăn về ngân sách thì chưa chắc người có uy tín được nhận chế độ hỗ trợ cao hơn địa bàn khác, trong khi rõ ràng họ mất nhiều công sức, thời gian bám nắm địa bàn hơn so với người có uy tín hoạt động ở địa bàn hẹp nhưng tỉnh đó có điều kiện ngân sách khá hơn.   

 
 

Theo GS. TSKH. Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong tổ chức bộ máy Nhà nước, xã, phường là cấp cơ sở nhưng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mọi vấn đề đều được giải quyết ở thôn, bản. Không nắm được thôn, bản và người có uy tín trong thôn, bản là không nắm được dân. Những sự kiện xảy ra ở Tây Nguyên và Mường Nhé (Điện Biên) đã cho thấy rõ điều đó. 

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm can thiệp, thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh, chia rẽ các dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước và chế độ, phá vỡ sự ổn định chính trị - xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Người có uy tín là đối tượng mà các thế lực thù địch sẽ tập trung tác động, tìm cách móc nối, lôi kéo, nhất là ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tạo dựng “ngọn cờ” lập “nhà nước tự trị”, kích động ly khai, tự trị dân tộc, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

GS. TSKH. Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nguồn: vov.vn)

 

PGS. TS. Trần Xuân Dung, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an cảnh báo, chất lượng cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc còn thấp, trong khi các chức sắc, cốt cán tổ chức tôn giáo, nhất là đạo Tin lành ở cơ sở có trình độ, điều kiện kinh tế cao hơn, dễ tạo ra sự “lấn lướt” đối với cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở ở những nơi này.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và thông tin sẽ đem lại nhiều cơ hội cho vùng dân tộc thiểu số nói chung và người có uy tín nói riêng trong các hoạt động giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các vùng miền trong nước, khu vực và trên thế giới, nhất là các mối quan hệ đồng tộc mang tính quốc tế sẽ xích lại gần nhau hơn. Nhưng nếu ta không quản lý tốt thì đó sẽ là kẽ hở để các thế lực thù địch từ bên ngoài lợi dụng thâm nhập, chống phá.

Bên cạnh thời cơ luôn là những thách thức tác động, chi phối đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý dân tộc, các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của vùng dân tộc thiểu số, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải luôn thấu suốt nội hàm quan điểm và có tiếp tục có thêm nhiều giải pháp để chăm lo, phát huy vai trò của người có uy tín.

Trên vai mỗi người có uy tín vùng dân tộc thiểu số đang gánh vác nhiều trách nhiệm và kỳ vọng, vì họ là đầu mối ở cơ sở của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Họ còn là niềm trông đợi, điểm tựa tinh thần của người dân. Chính vì vậy, đánh giá đúng vị trí, vai trò chức năng của người có uy tín, đồng thời có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế sẽ góp phần rất quan trong trong việc tạo điều kiện để người có uy tín phát huy cao hơn nữa khả năng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số./.  

Bài cuối: Một số giải pháp phát huy vai trò người có uy tín

Phản hồi