Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986). Ảnh: tuyengiao.vn

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI họp từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu, thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong cả nước, trong số đó có 925 đại biểu của 40 tỉnh, thành, đặc khu; 172 đại biểu các đảng bộ trực thuộc Trung ương; 153 đại biểu nữ; 115 đại biểu các dân tộc thiểu số; 50 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động; 72 đại biểu là công nhân trực tiếp sản xuất;... Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội là 124 uỷ viên. Từ ngày 5 đến 14 tháng 12/1986 Đại hội họp nội bộ. Từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, Đại hội họp công khai. 

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

* Tháng 4/1987, Hội nghị lần thứ hai BCHTW Đảng họp quyết định phương hướng giải quyết vấn đề lưu thông phân phối (vấn đề nóng bỏng và cấp bách nhất) là phải nắm vững mục tiêu giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân trên cơ sở xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh XHCN, nâng cao vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc doanh, phát huy khả năng tích cực của các thành phần kinh tế khác, mở rộng giao lưu hàng hoá, giải phóng sức sản xuất.

* Tháng 8/1987, Hội nghị lần thứ ba BCHTW Đảng đã quyết nghị: "Chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế". Hội nghị nhấn mạnh mục đích của đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là phải tạo ra động lực mạnh mẽ giải phóng mọi năng lực sản xuất, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển kinh tế hàng hoá theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, trước mắt nhằm phục vụ ba chương trình kinh tế lớn, từng bước thực hiện "bốn giảm", thiết lập trật tự kỷ cương trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để tiến lên.  

Các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI

* Tháng 12/1987, Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng họp để quyết định về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 3 năm (1988-1990). Mục tiêu phấn đấu của kế hoạch ba năm còn lại là phải thực hiện cho bằng được việc ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội. Điều kiện quyết định là phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, trước hết tập trung sức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, đặc biệt là chương trình lương thực - thực phẩm. 

* Tháng 6/1988, Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng đã đưa ra quyết định về công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức, cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Công tác xây dựng Đảng theo phương hướng Đại hội VI của Đảng là phải đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và nâng cao giác ngộ, bồi dưỡng lý tưởng, kiến thức và năng lực lãnh đạo; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật trong Đảng.

Đại hội VI đã cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” nên rất chú trọng nghiên cứu chính sách quản lý nông nghiệp. Và Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo (1,4 triệu tấn) năm 1989. Ảnh: TTXVN

* Tháng 3/1989, Hội nghị lần thứ sáu BCHTW Đảng đã phân tích những nguyên nhân làm cho tình hình kinh tế - xã hội chậm được khắc phục, và quyết định phương hướng lớn chỉ đạo công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu và nêu lên sáu nguyên tắc cơ bản phải được quán triệt trong quá trình đổi mới.   

* Tháng 8/1989, tại TP Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng đã kịp thời quyết nghị Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay là: 

1. Khẳng định tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội và những thành tựu vĩ đại của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.  

2. Khẳng định tính khách quan và phương hướng xã hội chủ nghĩa của quá trình cải tổ, cải cách và đổi mới.   

3. Nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế.  

4. Giáo dục trong Đảng và trong nhân dân lòng kiên trì với mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở quán triệt những nguyên tắc và chính sách đổi mới của Đảng.   

5. Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự thống nhất ý chí và hành động trong xã hội, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực.


Một nhà máy quốc doanh sản xuất hàng điện tử ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1990. Ảnh được ghi lại do Nhiếp ảnh gia người Bỉ John Vink. Ảnh: vietnamnet.vn

*Tháng 3/1990, Hội nghị lần thứ tám BCHTW Đảng đã tập trung bàn chuyên đề về Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân nhằm giải quyết một vấn đề có tính chất cơ bản và cấp bách, vừa phục vụ trực tiếp sự nghiệp đổi mới ở nước ta, vừa góp phần bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Hội nghị cũng đã thảo luận và Nghị quyết về Tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta. Hội nghị cũng đã quyết định cách chức một ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu. 

* Tháng 8/1990, Hội nghị lần thứ chín BCHTW Đảng thảo luận về bản Dự thảo Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ và bản Dự thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2000 và phương hướng chủ yếu kế hoạch năm năm (1991 - 1995). Hội nghị quyết định công bố Dự thảo các văn kiện đó để lấy ý kiến toàn Đảng và toàn dân trước khi trình Đại hội lần thứ VII của Đảng. Hội nghị bàn Một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách, với tư tưởng chỉ đạo là kiên định thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế; xây dựng ý chí làm cho dân giàu, nước mạnh, chủ động có những phương án khác nhau để thích ứng với tình hình mới; nêu cao ý thức tiết kiệm xây dựng đất nước; thống nhất ý chí và hành động, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ vững kỷ cương, tôn trọng luật pháp trong các hoạt động kinh tế - xã hội. 

 

 

Các nữ công nhân trong nhà máy sản xuất xe đạp và công nhân sản xuất hàng may mặc tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1990.  Ảnh được ghi lại do Nhiếp ảnh gia người Bỉ John Vink. Ảnh: vietnamnet.vn

 

 

* Tháng 11/1990, Hội nghị lần thứ mười BCHTW Đảng đã họp, thảo luận và thông qua nghị quyết về Phương hướng chỉ đạo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1991, và nghị quyết về Dự thảo báo cáo xây dựng đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng và Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) để trình Đại hội lần thứ VII của Đảng. Hội nghị nêu rõ: "Việc thực hiện kế hoạch năm 1991 diễn ra trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp, mọi hoạt động kinh tế của ta với nước ngoài phải thanh toán bằng ngoại tệ mạnh và theo giá cả thị trường quốc tế.  

* Tháng 1/1991, Hội nghị lần thứ mười một BCHTW Đảng họp để góp ý kiến về Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Hội nghị thảo luận và nhất trí với nhiều nhận định và chủ trương lớn được nêu trong Dự thảo và góp nhiều ý kiến quan trọng để nâng cao chất lượng bản Dự thảo. Hội nghị quyết định giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban dự thảo hoàn chỉnh bản Dự thảo Báo cáo chính trị để đưa ra lấy ý kiến trong toàn Đảng, toàn dân.  

* Tháng 5/1991, Hội nghị lần thứ mười hai BCHTW Đảng họp bàn những công việc chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ thứ VII của Đảng. Hội nghị lần thứ mười hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp tháng 6/1991.  * Ngày 16/6/1991, Hội nghị lần thứ mười ba BCHTW Đảng họp để hoàn tất công việc chuẩn bị nhân sự và các vấn đề đưa ra trình Đại hội VII.

Phản hồi