Các kỳ Hội nghị Đại hội V của Đảng: Xóa bỏ quan liêu bao cấp trong giá – lương – tiền
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V họp từ ngày 27 - 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Báo Nhân dân)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V họp từ ngày 27 - 31/3/1982 tại Thủ đô Hà Nội .(Ảnh: Báo Nhân dân)


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1033 đại biểu, thay mặt cho hơn 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm có 116 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm có 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Lê Duẩn.

*Tháng 7-1982, Hội nghị lần thứ hai BCHTW Đảng họp quyết định chương trình công tác toàn khoá và quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội lần thứ V. 

*Tháng 12-1982, Hội nghị lần thứ ba BCHTW Đảng họp xác định phương hướng nhiệm vụ kinh tế - xã hội và mức phấn đấu cụ thể từ năm 1983 đến năm 1985. Hội nghị còn quyết định một số vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông, về phân cấp quản lý kinh tế, về công tác xây dựng và tăng cường cấp huyện. Đối với vấn đề lưu thông phân phối, Trung ương chủ trương phải thiết lập cho được trật tự trong lĩnh vực này, nhanh chóng ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, trước hết là đời sống của công nhân, cán bộ, các lực lượng vũ trang. Trước mắt cần phải nắm và tập trung nguồn hàng, quản lý chặt chẽ tài chính, tiền tệ và giá cả; mở rộng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý thị trường... 

Một đoạn đường Giải Phóng (Hà Nội) vừa hoàn thành năm 1985. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)

Hà Nội năm 1983 vẫn rất nghèo nàn, lạc hậu. (Ảnh: Michel Blanchard.)

*Tháng 6/1983, Hội nghị lần thứ tư họp bàn về công tác tư tưởng và tổ chức. Hội nghị đã kiểm điểm, đánh giá những khuyết điểm về công tác tư tưởng và tổ chức là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vạch ra các nhiệm vụ về công tác tư tưởng và tổ chức cấp bách cần tập trung giải quyết. 

*Tháng 12/1983, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và quyết định những chủ trương và biện pháp chấn chỉnh mặt trận lưu thông phân phối. Hội nghị chủ trương phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải tạo xã hội chủ nghĩa; nhà nước phải nắm hàng, nắm tiền, xóa bỏ thị trường tự do về lương thực, thống nhất quản lý giá; bảo đảm cung cấp đủ 9 mặt hàng theo đúng định lượng cho người ăn lương; lập cửa hàng cung cấp…

Người dân xếp hàng mua đồ thời bao cấp.  

Các kỳ hội nghị khóa V đưa ra nhiều biện pháp

chấn chỉnh hoạt động phân phối lưu thông do

những hạn chế, bất cập của nền kinh tế quan

liêu bao cấp. 

Ảnh: Cảnh chen lấn, xô đẩy tại một cửa hàng

mậu dich quốc doanh những năm 1980.

* Tháng 7/1984, thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội của những năm 80 là lĩnh vực khó khăn nhất và còn nhiều khuyết điểm, BCHTW Đảng đã họp Hội nghị lần thứ sáu quyết định: phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tính chủ động, sáng tạo và mọi khả năng của cơ sở; tổ chức lại sản xuất, từng bước xây dựng cơ chế quản lý mới, phân công, phân cấp quản lý đúng đắn; giải quyết một số vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông, đặc biệt là các lĩnh vực thị trường, giá, lương, tiền nhằm phục vụ tốt cơ sở, đồng thời giải quyết đúng mối quan hệ phân phối trong nền kinh tế quốc dân. 

*Tháng 12/1984, Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1985 và công tác xây dựng huyện, tăng cường cấp huyện. 

Hội nghị nhận định, kinh tế nước ta đứng trước tình hình nhiều mặt mất cân đối lớn, năm 1984 kinh tế kém phát triển hơn giai đoạn 1981-1983, lạm phát năm 1984 bằng 4,7 lần cuối năm 1981.

Hội nghị đưa ra một số chủ trương cơ bản: kế hoạch năm 1985 phải tiếp tục xem sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, trước hết là sản xuất lương thực, thực phẩm; ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân; chuyển hẳn từ cách quản lý quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thực hiện bằng được năm 1985 Nhà nước làm chủ thị trường, thống nhất quản lý lương thực, các vật tư chiến lược và hàng hóa thiết yếu, giải quyết đồng bộ, vững chắc những vấn đề cấp bách về giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ.

* Tháng 6-1985, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tám để bàn về vấn đề giá, lương, tiền với mong muốn đưa giá cả các mặt hàng theo sát với chi phí sản xuất, sát với giá thực tế trên thị trường  do tình hình kinh tế, nhất là thị trường, giá cả vẫn tiếp tục diễn biến xấu, tiền lương thực tế liên tục bị giảm sút. Hội nghị quyết định: "Phải dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa thì mới đẩy mạnh được sản xuất, kinh doanh có hiệu quả". Nội dung cụ thể nhằm xóa bảo quan liêu bao cấp là: Tính đủ chi phí hợp lý trong giá thành sản phẩm; thực hiện cơ chế một giá; tiền lương thực tế phải thực sự bảo đảm cho người ăn lương sống chủ yếu bằng lương, tái sản xuất được sức lao động và phù hợp với khả năng của nền kinh tế quốc dân; xác lập quyền tự chủ về tài chính của các ngành kinh tế - kỹ thuật, các địa phương và đơn vị cơ sở gắn liền với sửa đổi cơ chế kế hoạch hóa và quản lý; chuyển hẳn công tác ngân hàng sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy hiệu quả kinh tế của đồng vốn làm tiêu chuẩn hàng đầu trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.

 Theo các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V của Đảng, cải cách giá - lương - tiền thực chất là việc tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất; thực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả. Người ăn lương trong xã hội được đảm bảo có thể sống chủ yếu bằng tiền lương, có thể tái sản xuất được sức lao động. Cải cách cũng nhằm xác lập quyền tự chủ về tài chính của các ngành và các cơ sở kinh tế.

Hội nghị này được coi là “bước đột phá thứ hai” về tư duy lý luận trên lĩnh vực lưu thông, phân phối với nét nổi bật là thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa.

* Tháng 12/1985, Hội nghị lần thứ chín BCHTW Đảng đã kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1985 và đề ra nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1986 nhằm tạo nên một chuyển biến mạnh trong việc thực hiện cơ chế mới, quản lý kinh tế - xã hội, sử dụng lao động, đất đai và những cơ sở vật chất - kỹ thuật đã có, đổi mới kế hoạch hoá... 

* Cuối tháng 5/1986, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phân tích những khuyết điểm, sai lầm trong việc chỉ đạo công tác giá lương tiền, khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và quyết tâm chiến lược xoá bỏ tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Hội nghị còn thảo luận và góp ý bản Báo cáo chính trị để trình bày tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. 

Những tư tưởng đổi mới tuy không mang lại kết quả như mong đợi nhưng là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới toàn diện sau này. Ảnh: Cuộc đổi tiền năm 1985 vẫn hằn sâu trong ký ức nhiều người. Ảnh tư liệu.

Những tư tưởng đổi mới tuy không mang lại kết quả như mong đợi nhưng là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế sau này. Ảnh: Cuộc đổi tiền năm 1985 vẫn hằn sâu trong ký ức nhiều người. (Ảnh tư liệu)

* Ngày 14/7/1986, BCHTW họp phiên đặc biệt. Đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thay đồng chí Lê Duẩn đã từ trần ngày 10-7-1986. 

* Ngày 17/11/1986, Hội nghị lần thứ mười một BCHTW kiểm điểm, hoàn thiện công việc chuẩn bị Đại hội VI và quyết định triệu tập Đại hội VI sẽ họp công khai vào tháng 12-1986. Hội nghị đưa ra các tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ: đổi mới tư duy, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; đồng thời nhấn mạnh công tác cán bộ phải đảm bảo đủ quy trình.

* Đầu tháng 12/1986, Hội nghị lần thứ mười hai của BCHTW Đảng họp tiếp tục thảo luận vấn đề nhân sự và thông qua danh sách giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương mới để trình Đại hội VI.

Phản hồi

Các tin khác