Thời gian: Từ 5 đến 10-9-1960
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đảng viên trong cả nước: 500.000
Số lượng tham dự Đại hội: 525 đại biểu
Chủ tịch Đảng được bầu tại Đại hội: Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bí thư Thứ nhất được bầu tại Đại hội: Đồng chí Lê Duẩn
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 47 uỷ viên.
Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 11 uỷ viên
Nhiệm vụ chính: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.
Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam,
ngày 5-9-1960. Ảnh: baotanglichsu.vn
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến 12-9-1960.
Có 525 đại biểu chính thức, 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên cả nước. Trong số đó 50% là đảng viên tham gia cách mạng từ khi Đảng còn hoạt động bí mật. Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 47 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức và hai uỷ viên dự khuyết. Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969 Hồ Chí Minh qua đời, Người để lại một bản Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân.
Tháng 5 năm 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối.
Ngày 25-4-1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá VI thành công. Quốc hội long trọng tuyên bố hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt nhà nước và quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã họp 25 lần để quyết định các vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có vấn đề nhiệm vụ quốc tế của đảng ta bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, các kế hoạch 3 năm và 5 năm để xây dựng cơ sở vật chất của CNXH ở miền Bắc, Tổng tiến công và chiến thắng đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Giữa lúc công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế ở miền Bắc đang giành được những kết quả to lớn và cách mạng ở miền Nam đã tiến lên một bước phát triển mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã họp tại Hà Nội. Sau những ngày họp nội bộ, Đại hội đã họp công khai từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960. Dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước, trong đó 50% số đại biểu là các đảng viên đã tham gia cách mạng từ khi Đảng còn hoạt động bí mật. Tất cả các đại biểu đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Nhiều đại biểu là anh hùng và chiến sĩ thi đua, là đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số, là nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà khoa học. Dự đại hội còn có đại biểu của Đảng xã hội, Đảng dân chủ và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội.
Hồ Chí Minh đọc Lời khai mạc Đại hội. Người nói, lịch sử 30 năm đấu tranh của Đảng đã dạy chúng ta rằng: "Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và của dân tộc, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản, giữa các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho cách mạng thắng lợi".
Người nêu khái quát nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam và nói rõ: "Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà". Để bảo đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là "phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng ta, phát huy hơn nữa tác dụng lãnh đạo của Đảng ta trên mọi mặt công tác. Từ trước tới nay, Đảng ta đã cố gắng liên hệ chặt chẽ chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tế cách mạng Việt Nam. Cán bộ và đảng viên ta nói chung đều có phẩm chất cách mạng tốt đẹp. Nhưng chúng ta còn khuyết điểm như: bệnh chủ quan, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, tác phong quan liêu, chủ nghĩa cá nhân... Chúng ta phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tăng cường giáo dục tư tưởng trong Đảng, đấu tranh khắc phục những khuyết điểm... Phải nâng cao hơn nữa tính giai cấp và tính tiên phong của Đảng, tăng cường không ngừng mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, phải biết đoàn kết mọi người yêu nước và tiến bộ để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà".
Đại hội đã nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Lê Duẩn đọc; Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng do Lê Đức Thọ đọc; Báo cáo về phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch năm năm lần thứ nhất do Nguyễn Duy Trinh đọc và nhiều tham luận khác.
Bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương đã kiểm điểm lại sự lãnh đạo của Đảng từ Đại hội lần thứ II đến Đại hội lần thứ III, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954. Báo cáo viết: "Trong quá trình kháng chiến Đảng ta dựa trên cơ sở liên minh công nông và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đã ra sức mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện phương châm toàn dân đoàn kết, kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh, giết giặc cứu nước. Làm cho phương châm kháng chiến lâu dài được thấu suốt là một quá trình giáo dục và đấu tranh tư tưởng bền bỉ trong toàn Đảng và toàn dân, chống khuynh hướng sai lầm đã từng nảy ra trong những năm kháng chiến".
"Đi đôi với kháng chiến và để bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, Đảng ta và Nhà nước dân chủ nhân dân đã tiến hành từng bước những cải cách dân chủ, đi đến thực hiện cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến, nhằm hạn chế rồi xoá bỏ sự bóc lột của giai cấp địa chủ, cải thiện đời sống cho nhân dân lao động, chủ yếu cho nông dân là lực lượng to lớn nhất của kháng chiến". "Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Thắng lợi đó chứng tỏ rằng trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính đảng Mác - Lênin để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi đó cũng chứng tỏ rằng chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu, chỉ có đường lối cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc lập".
Phân tích tình hình đất nước ta tạm thời chia làm hai miền có hai chế độ khác nhau, bản báo cáo xác định: "Nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay là: tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình ở Đông - Nam Á và thế giới".
Hai nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và ở miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, song hai nhiệm vụ đó trước mắt đều có một mục tiêu chung là thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, đều nhằm giải quyết mâu thuẫn chung của cả nước là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai của chúng. Giải quyết mâu thuẫn chung ấy là trách nhiệm của cả nước, song mỗi miền có nhiệm vụ chiến lược riêng và có vị trí khác nhau.
"Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc... là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta". Còn "cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng. Nó có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước".
Xuất phát từ những nhiệm vụ cơ bản của nhân dân miền Bắc, mà đặc điểm lớn nhất là đi từ một nền kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa trên cơ sở sản xuất nhỏ cá thể, cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa hết sức kém cỏi tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, cho nên "công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải là một quá trình cải biến cách mạng về mọi mặt nhằm đưa miền Bắc từ nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, từ chế độ sản xuất nhỏ tiến lên chế độ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, từ tình trạng kinh tế rời rạc và lạc hậu, xây dựng thành một nền kinh tế cân đối và hiện đại, làm cho miền Bắc tiến bộ mau chóng, thành cơ sở ngày càng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà".
Quá trình cải biến cách mạng ở miền Bắc là một quá trình kết hợp cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, là quá trình đấu tranh gay go và phức tạp giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá và kỹ thuật.
Từ sự phân tích đó, Đại hội đã xác định đường lối chung của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là "đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình ở Đông - Nam Á và thế giới".
"Muốn đạt mục tiêu ấy phải sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh; phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hoá và kỹ thuật; biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học tiên tiến".
Để thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa làm cho nền kinh tế miền Bắc nước ta thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, Đại hội xác định những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch năm năm lần thứ nhất:
- Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện một bước việc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ...
- Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản tư doanh, củng cố và tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh, mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
- Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân, đẩy mạnh đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý kinh tế của cán bộ, xúc tiến công tác khoa học và kỹ thuật.
- Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, mở mang phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị.
- Ra sức củng cố quốc phòng, trật tự an ninh xã hội.
Các nhiệm vụ đó mật thiết liên hệ với nhau.
Đại hội cũng quyết định các chủ trương tăng cường nhà nước dân chủ nhân dân, củng cố sự nhất trí về chính trị và tinh thần của nhân dân miền Bắc, đoàn kết quốc tế và đẩy mạnh xây dựng Đảng.
Tổng kết 30 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đại hội đã nêu lên những bài học kinh nghiệm lớn:
- Xây dựng được một chính đảng Mác-Lênin, đoàn kết nhất trí, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, luôn luôn giữ vững quyền lãnh đạo cách mạng.
- Vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, đề ra đường lối, phương châm cách mạng kết hợp đúng đắn nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến, coi nhiệm vụ chống đế quốc và bè lũ tay sai của chúng là nhiệm vụ chủ yếu nhất và nhiệm vụ phản phong kiến phải tiến hành từng bước, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ phản đế.
- Giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân... thực hiện được khối liên minh công nông vững chắc.
- Dựa trên cơ sở khối liên minh công nông vững mạnh, tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ thành một mặt trận thống nhất rộng rãi dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Lấy việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng làm cơ bản,... khéo phối hợp hoạt động không hợp pháp với hoạt động hợp pháp..., kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kết hợp lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị.
- Xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân.
- Tăng cường nhà nước dân chủ nhân dân, củng cố nền tảng liên minh công nông của nó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
- Khéo lợi dụng những mâu thuẫn cục bộ và tạm thời trong nội bộ kẻ thù.
- Tăng cường đoàn kết quốc tế.
Kinh nghiệm cách mạng trong 30 năm qua chứng tỏ rằng sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện cơ bản quyết định mọi thắng lợi của nhân dân ta. Muốn cho Đảng làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn mới, vấn đề mấu chốt vẫn là không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tức là "phải nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, cụ thể là phải tăng cường tính chất giai cấp và tính tiên phong của Đảng, phải củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, phải cải tiến công tác lãnh đạo của Đảng, phải nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, phải làm cho chi bộ trở thành hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở cơ sở".
Đại hội nhất trí thông qua nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch năm năm lần thứ nhất, thông qua Điều lệ sửa đổi của Đảng. Bản Điều lệ của Đảng gồm có phần cương lĩnh chung, 12 chương với 62 điều. Cương lĩnh chung ghi rõ: Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân... Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng,... Đảng đi đường lối quần chúng trong mọi hoạt động của mình, tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có kỷ luật nghiêm minh, lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển của Đảng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng gồm 47 uỷ viên chính thức: Hồ Chí Minh, Hoàng Anh, Lê Quảng Ba, Nguyễn Lương Bằng, Trần Tử Bình, Nguyễn Côn, Võ Chí Công, Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Trần Hữu Dực, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Đồng, Võ Thúc Đồng, Hà Huy Giáp, Võ Nguyên Giáp, Song Hào, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, Tố Hữu, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Khang, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Lam, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Trần Lương, Lê Hiến Mai, Chu Huy Mân, Đỗ Mười, Lê Thanh Nghị, Hà Thị Quế, Bùi Quang Tạo, Chu Văn Tấn, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Thập, Lê Quốc Thân, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Xô, và 31 uỷ viên dự khuyết: Lý Ban, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Thái Bường, Đinh Thị Cẩn, Nguyễn Thọ Chân, Lê Quang Đạo, Trần Độ, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Lê Hoàng, Trần Quang Huy, Võ Văn Kiệt, Hoàng Văn Kiểu, Nguyễn Khai, Nguyễn Hữu Khiếu, Lê Liêm, Ngô Minh Loan, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Hữu Mai, Hà Kế Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Tùng, Trần Danh Tuyên, Lê Thành, Đinh Đức Thiện, Ngô Thuyền, Lê Toàn Thư, Trần Văn Trà, Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Trọng Vĩnh.
Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, và hai uỷ viên dự khuyết là Trần Quốc Hoàn và Văn Tiến Dũng.
Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội lần thứ III của Đảng thành công tốt đẹp là cơ sở cho "toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên".
.