Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng. Ảnh tư liệu
Thời gian: từ 28-6 đến 1-7-1996.
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội.
Số lượng Đảng viên trong cả nước: 2.130.000.
Số lượng tham dự Đại hội: 1198 đại biểu.
Tổng Bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Đỗ Mười.
Ban Chấp hành Trung ương: 170 uỷ viên.
Bộ Chính trị: 19 uỷ viên.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khoá VIII, tháng 12-1997) bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhiệm vụ chính: Thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã họp nội bộ từ ngày 22 đến 26-6-1996 và họp công khai từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tại Hà Nội.
Dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên cùng các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí đại diện lão thành cách mạng, đại diện các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng toàn dân. Dự Đại hội còn có gần 40 đoàn đại biểu quốc tế đại diện các đảng anh em và bầu bạn trên thế giới.
Đại hội VIII đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII gồm có 170 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 19 uỷ viên. Tổng Bí thư là đồng chí Đỗ Mười. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công được giao nhiệm vụ Cố vấn cho Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đến tháng 11 năm 1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã họp 8 lần để quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước: Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; về Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh và chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước; về xây dựng và chỉnh đốn đảng. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã chấp nhận đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư; các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được kết thúc nhiệm vụ Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt rút khỏi Bộ Chính trị, và được suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.Đại hội đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu, giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu bổ sung bốn uỷ viên Trung ương Đảng vào Bộ Chính trị.
Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (12-1986) đến Đại hội lần thứ VIII, nhân dân ta đã trải qua 10 năm thực hiện đường lối đổi mới.
Mười năm trước, nước ta ở trong một tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng. Sau năm năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi bước đầu rất quan trọng về cả kinh tế, xã hội, chính trị đối nội, đối ngoại. Kiên trì đường lối đổi mới, quyết tâm thực hiện nghị quyết của Đại hội VII và các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách, tiếp tục vươn lên giành nhiều thắng lợi to lớn trên nhiều mặt. Nhiệm vụ do Đại hội lần thứ VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã hoàn thành về cơ bản. Đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân được cải thiện. Dân chủ được phát huy. Lòng tin của nhân dân đối với chế độ và tiền đồ của đất nước, với Đảng và Nhà nước được khẳng định. ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Quốc phòng, an ninh được củng cố. Quan hệ đối ngoại phát triển mạnh mẽ; phá được thế bị bao vây, cô lập; tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta còn những khuyết điểm, yếu kém.
Trong bối cảnh lịch sử đó của đất nước, Đại hội lần thứ VIII của Đảng được triệu tập.
Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội VII, đi sâu tổng kết 10 năm đổi mới, đề ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2000 và 2020. Đại hội cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, vạch ra phương hướng xây dựng Đảng, sửa đổi điều lệ Đảng và bầu Ban chấp hành Trung ương mới.
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, đảng bộ các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và đông đảo nhân dân trong cả nước và đồng bào sinh sống ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu để bổ sung vào các văn kiện của Đại hội. Các văn kiện trình ra Đại hội là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã họp nội bộ từ ngày 22 đến 26-6-1996 và đã họp công khai từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho hơn hai triệu đảng viên cùng các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí đại diện lão thành cách mạng, đại diện các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng toàn dân.
Dự Đại hội còn có gần 40 đoàn đại biểu quốc tế đại diện các đảng anh em và bầu bạn trên thế giới.
Đồng chí Lê Đức Anh, uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương khoá VII đọc diễn văn khai mạc.
Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư đọc Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về các văn kiện trình Đại hội VIII. Bản Báo cáo nhan đề Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) và Nghị quyết Đại hội.
Kiểm điểm, đánh giá kết quả của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và tổng kết 10 năm đổi mới, Đại hội đã kết luận tổng quát như sau:
"Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, đất nước đã vượt qua một giai đoạn thử thách gay go. Trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp, khó khăn, nhân dân ta không những đã đứng vững mà còn vươn lên, đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt.
Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã hoàn thành về cơ bản.
Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.
Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu cuả thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Những thành tựu đã đạt được trên đây là kết quả của một quá trình tìm tòi, đổi mới; bám sát thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc; phê phán những lệnh lạc về tư tưởng chính trị đa nguyên chớm nở trong nội bộ đảng; sự phấn đấu gian khổ của toàn Đảng và toàn dân ta. Tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, có thể rút ra sáu bài học chủ yếu sau:
1. Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị.
3. Xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân phát huy sức mạnh của cả dân tộc
5. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại
6. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.
Để đề ra mục tiêu đến năm 2000 và năm 2020, Đại hội đã phân tích bối cảnh chung, đặc điểm tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường tác động sâu sắc đến các mặt đời sống xã hội nước ta, đưa đến những thuận lợi đồng thời cũng xuất hiện những thách thức lớn.
Căn cứ tình hình nêu trên và Cương lĩnh của Đảng, Đại hội khẳng định cần "Tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng đất nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp".
Đại hội cũng đã nêu lên các định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Về phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, Đại hội nêu các quan điểm về công nghiệp hoá như sau:
1. Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Xây dựng một nền kinh tế mới hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả.
2. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo.
3. Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Động viên toàn dân cần kiệm xây dựng đất nước, không ngừng tăng tích luỹ cho đầu tư phát triển. Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hoá, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
4. Khoa học và công nghệ là động lực của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại; tranh thủ đi nhanh vào hiện đại ở những khâu quyết định.
5. Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ. Đầu tư chiều sâu để khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có. Trong phát triển mới, ưu tiên quy mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến, tạo nhiều việc làm, thu hồi vốn nhanh; đồng thời xây dựng một số công trình quy mô lớn thật cần thiết và có hiệu quả. Tạo ra những mũi nhọn trong từng bước phát triển. Tập trung thích đáng nguồn lực cho các lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm; đồng thời quan tâm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của mọi vùng trong nước; có chính sách hỗ trợ những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các vùng đều phát triển.
6. Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.
Đại hội đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1996 - 2000, nêu nhiệm vụ tổng quát, những tư tưởng chỉ đạo, các chương trình và lĩnh vực phát triển.
Xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới là một vấn đề có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng trên con đường đổi mới - Đảng phải tiếp tục sự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình, khắc phục cho được các biểu hiện tiêu cực và yếu kém. Trong công tác xây dựng Đảng, phải thường xuyên nắm vững và tập trung làm tốt những điều cơ bản sau đây:
1. Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
2. Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên.
3. Củng cố Đảng về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
4. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ.
5. Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở.
6. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
7. Đổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng.
Đại hội đã thảo luận và thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII gồm có 170 uỷ viên chính thức là: Đỗ Mười, Nguyễn Văn An, Lê Đức Anh, Đỗ Văn Ân, Võ Đông Ba, Nguyễn Bá, Nguyễn Đình Bin, Đào Đình Bình, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Văn Chi, Trần Thị Trung Chiến, Đặng Vũ Chư, Vũ Đình Cự, Võ Văn Cương, Phan Diễn, Nguyễn Cảnh Dinh, Nguyễn Thị Doan, Hồ Nghĩa Dũng, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Văn Dũng, Phạm Thế Duyệt, Hà Quang Dự, Đỗ Bình Dương, Nguyễn Khắc Dương, Lê Văn Dỹ, Trần Văn Đăng, Nguyễn Văn Đăng, Nguyễn Khoa Điềm, Lư Văn Điền, Chamaléa Điêu, Lương Công Đoan, Trương Quang Được, Trần Xuân Giá, Nguyễn Bình Giang, Phạm Minh Hạc, Nguyễn Ngô Hai, Bùi Hữu Hải, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Thị Hằng, Cù Thị Hậu, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyễn Văn Hiệu, Trương Mỹ Hoa, Trần Hoà, Trần Đình Hoan, Nguyễn Đức Hoan, Trần Thị Minh Hoàng, Vũ Tuyên Hoàng, Đặng Thành Học, Hoàng Văn Hon, Nguyễn Thị Kim Hồng, Võ Nhân Huân, Bùi Văn Huấn, Vũ Quốc Hùng, Nguyễn Sinh Hùng, Phan Thế Hùng, Võ Đức Huy, Bùi Quang Huy, Lê Minh Hương, Đặng Hữu, Phan Văn Khải, Phạm Gia Khiêm, Hà Thị Khiết, Vũ Khoan, Đinh Hữu Khoá, Đoàn Khuê, Cao Sỹ Kiêm, Phan Trung Kiên, Đoàn Văn Kiển, Võ Văn Kiệt, Vũ Trọng Kim, Hoàng Kỳ, Vũ Ngọc Kỳ, Mai Thúc Lân, Đào Trọng Lịch, Mai Kiều Liên, Ngô Xuân Lộc, Trần Đức Lương, Bùi Danh Lưu, Nông Đức Mạnh, Vũ Mão, Nguyễn ánh Minh, Nguyễn Thị Minh, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Đỗ Hoài Nam, Mai Văn Năm, Thái Phụng Nê, Phạm Thanh Ngân, Hoàng Đức Nghi, Phạm Quang Nghị, Hồ Tiến Nghị, Hoàng Văn Nghiên, Lê Huy Ngọ, Tạ Quang Ngọc, Trần Minh Ngọc, Võ Hồng Nhân, Nguyễn Dy Niên, Tráng A Pao, Nguyễn Tấn Phát, Lê Khả Phiêu, Phạm Thanh Phong, Tòng Thị Phóng, Lâm Phủ, Võ Hồng Phúc, Ksor Phước, Đỗ Nguyên Phương, Lò Văn Puốn, Trần Hồng Quân, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Văn Rinh, Nguyễn Văn Rốp, Tô Huy Rứa, Chu Văn Rỵ, Trương Tấn Sang, Nguyễn Văn Son, Phạm Thị Sơn, Bùi Xuân Sơn, Đỗ Trung Tá, Nguyễn Công Tạn, Hoàng Tanh, Sôlây Tăng, Nguyễn Văn Tâm, Nông Hồng Thái, Tạ Hữu Thanh, Nguyễn Phúc Thanh, Trần Thị Thanh Thanh, Tổ Tử Thanh, Võ Thị Thắng, Trương Công Thận, Đào Trọng Thi, Ngô Yên Thi, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Thọ, Nguyễn Văn Thới, Nguyễn Thị Hoài Thu, Hoàng Thừa, Lê Thế Tiệm, Nguyễn Khánh Toàn, Tô Xuân Toàn, Phạm Văn Trà, Hà Mạnh Trí, Nguyễn Thi Trị, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Đức Triều, Đỗ Ngọc Trinh, Nguyễn Tấn Trịnh, Nguyễn Phú Trọng, Trương Vĩnh Trọng, Đinh Trung, Đỗ Quang Trung, Vũ Xuân Trường, Lê Văn Tu, Trần Văn Tuấn, Lê Xuân Tùng, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Thị Hồng Vân, Hồ Đức Việt, Hồng Vinh (Nguyễn Duy Lự), Trần Văn Vụ, Lê Danh Xương, Nguyễn Văn Yểu.
Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Đoàn Khuê, Phan Văn Khải, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Văn An, Phạm Văn Trà, Trần Đức Lương, Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Trương Tấn Sang, Lê Xuân Tùng, Lê Minh Hương, Nguyễn Đình Tứ, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí thư là Đỗ Mười.
Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân ta, vì tình hữu nghị và sự hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới. Đại hội có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc và tương lai của đất nước vào lúc chúng ta sắp bước vào thế kỷ XXI.
.