|
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
|
* Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ 27 đến 31/3/1935 tại nhà số 2 Quan Công Lộ, Ma Cao, Trung Quốc. Dự Đại hội có 13 đảng viên thay mặt cho 600 đảng viên cả nước. Đại hội đã bầu ra Tổng Bí thư là đồng chí Lê Hồng Phong với nhiệm vụ củng cố hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến nước ngoài.
|
Đồng chí Lê Hồng Phong - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng
|
* Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản, căn cứ vào tình hình quốc tế và nhiệm vụ của cách mạng, ngày 26/7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài họp ở Thượng Hải (Trung Quốc). Nghị quyết Hội nghị khẳng định mục tiêu chiến lược vẫn là chống đế quốc và chống phong kiến, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày; mục tiêu trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.
Hội nghị đã cử đồng chí Hà Huy Tập về nước lập lại Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Lê Hồng Phong ở lại Thượng Hải để giữ mối liên lạc với Quốc tế Cộng sản. Hội nghị đã đánh dấu việc mở đầu thời kỳ cao trào Mặt trận Dân chủ ở Đông Dương(1).
* Từ ngày 25/8 đến ngày 4/9/1937, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đưa ra một số nhiệm vụ cần kíp của Đảng là mở rộng và củng cố các đảng bộ đã có, gây cơ sở ở tỉnh lỵ; tổ chức hội công khai để quần chúng giác ngộ quyền lợi, giác ngộ giai cấp; công khai hóa công tác tuyên truyền cổ động, tranh đấu chống các xu hướng sai lầm; thực hiện Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương, chống phát xít và chống đế quốc chiến tranh.
* Ngày 12/10/1937, tại Hóc Môn - Gia Định, đồng chí Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để tổ chức Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư(2).
* Ngày 29 đến ngày 30/3/1938, Hội nghị toàn thể của Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm (Hóc Môn) và ra Nghị quyết chuyển hướng hoạt động của Đảng trong thời kỳ mới, Nghị quyết về phòng thủ Đông Dương và chống bắt lính. Hội nghị quyết định lập Mặt trận thống nhất dân chủ. Bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư thay đồng chí Hà Huy Tập (Tổng Bí thư giai đoạn 1936-1938).
* Từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, quyết định các chủ trương và biện pháp để củng cố Đảng về mọi mặt. Hội nghị đánh dấu bước phát triển quan trọng về lý luận và đường lối, phương pháp cách mạng của Đảng, thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của Đảng.
|
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh
tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.
|
* Từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh). Hội nghị xác định kẻ thù của cách mạng Đông Dương là phát xít Pháp – Nhật. Hội nghị thảo luận và quyết định 2 vấn đề: 1. Duy trì lực lược vũ trang Bắc Sơn, phát triển cơ sở cách mạng; 2. Xứ ủy Nam Kỳ hoãn ngay cuộc khởi nghĩa vì chưa đủ điều kiện đảm bảo cho khởi nghĩa thắng lợi. Hội nghị phân công đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư Trung ương Đảng; quyết định chắp nối liên lạc với Quốc tế cộng sản và bộ phận của Đảng ở ngoài nước.
* Từ ngày 10-19/5/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Pắc Bó (Cao Bằng). Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc; quyết định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện thời. Hội nghị đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh).
* Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn Đảng đã họp ở Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, gồm có đại biểu các đảng bộ trong nước và một số đại biểu của Đảng hoạt động ở nước ngoài.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng Minh kéo vào Đông Dương. Khẩu hiệu đấu tranh lúc này là: phản đối xâm lược, hoàn toàn độc lập, chính quyền nhân dân. Hội nghị cũng quyết định những vấn đề quan trọng: thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh, thực hiện chính sách thêm bạn bớt thù, bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số uỷ viên: Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Vũ Anh, và Võ Nguyên Giáp.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập,
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
|
Ngày 15/8, Hội nghị bế mạc, các đại biểu trở về địa phương và kịp thời phát động và lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã thành công. Ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
* Từ ngày 31/7 đến 1/8/1946, Hội nghị Cán bộ Trung ương Đảng họp. Hội nghị kiểm điểm các mặt công tác trong nước, nêu chính sách cơ bản của Đảng là thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài. Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Hội nghị nêu lên những biện pháp sửa chữa để củng cố và phát triển Đảng; đẩy mạnh công tác dân vận; tổ chức các hợp tác xã sản xuất và ngân hàng thương mại; chấn chỉnh Văn hóa Cứu quốc đoàn, xây dựng nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng.
* Ngày 19/12/1946 cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 22/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến.
Từ năm 1947 trở đi, Trung ương đã triệu tập nhiều hội nghị cán bộ trung ương cũng như hội nghị cán bộ quân sự để triển khai chỉ đạo kháng chiến.
* Từ ngày 15 đến ngày 17/1/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp mở rộng ở Việt Bắc đề ra nhiều biện pháp về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và xây dựng đảng nhằm thúc đẩy kháng chiến tiến lên giai đoạn mới.
Hội nghị chú trọng đến việc phát triển và củng cố Đảng để Đảng đủ năng lực gánh vác những nhiệm vụ lịch sử mới: gây dựng cơ sở; củng cố chi bộ, chấn chỉnh bộ máy chỉ đạo và chuyên môn; tăng cường giáo dục ý thức giai cấp, tinh thần kỷ luật và đạo đức cách mạng; bầu lại cấp ủy Đảng bộ huyện, tỉnh, khu chính thức bằng Hội nghị đại biểu; chuẩn bị Đại hội toàn quốc của Đảng.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Nam bộ từ chiến trường miền Nam ra chiến khu Việt Bắc báo cáo với Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ về quyết định kháng chiến của đồng bào và chiến sĩ miền Nam (10/1949) (Ảnh: hochiminh.vn)
|
* Tháng 1/1950, trước những biến chuyển của tình hình quốc tế, nhất là thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng. Ngày 21/1 đến ngày 3/2/1950, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Việt Bắc. Do bận công tác đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dự Hội nghị, Người gửi thư “có vài ý kiến” tới Hội nghị, trong đó giao nhiệm vụ của năm mới là: hoàn thành việc chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công.
Hội nghị thông qua Nghị quyết về việc chuyển mạnh sang tổng phản công, đề ra chương trình công tác gồm 10 điểm. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược chuyển sang tổng phản công, Hội nghị quyết định phải thực hiện nhiệm vụ quân sự, trước mắt là chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, gấp rút bồi dưỡng và xây dựng quân đội nhân dân; củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất và công tác dân vận; củng cố chính quyền nhân dân; tổng động viên toàn lực, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng!". Hội nghị toàn quốc lần này đã kiểm điểm lực lượng của ta và của địch, kiểm thảo mọi mặt công tác và sự lãnh đạo của Đảng, vạch những khuyết điểm và đề ra những phương châm và nhiệm vụ mới và triệu tập Đại hội lần thứ II của Đảng.
-----
Nguồn: Văn kiện Đảng toàn tập; Đảng Cộng sản Việt Nam - chặng đường qua hai thế kỷ, Nxb Chính trị quốc gia.
1. Lê Hồng Phong tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2007.
2. Hà Huy Tập tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2007.