Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng hợp tác xã kiểu mới quy mô thôn, xã
Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) phát huy hiệu quả nhờ chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học kết hợp với chế biến (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong 718 hợp tác xã kiểu mới quy mô thôn, xã, thì số hoạt động trung bình, yếu là 261, trong đó có 234 hợp tác xã hoạt động trung bình. Trình độ cán bộ trực tiếp quản lý ở những hợp tác xã này có tỷ lệ học đại học, cao đẳng rất thấp, chỉ chiếm 3%; sơ cấp, trung cấp cũng chỉ chiếm 9,9%. Doanh thu bình quân của những hợp tác xã này cũng thấp, chỉ đạt khoảng 724 triệu đồng/hợp tác xã/năm (bằng 1/3,47 lần hợp tác xã hoạt động tốt, khá); thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/lao động/ năm (bằng 1/5,25 lần hợp tác xã tốt, khá).

Các hợp tác xã kiểu mới quy mô thôn, xã này hoạt động chưa hiệu quả vì chủ yếu thực hiện các dịch vụ công truyền thống, như: bảo vệ thực vật; bảo vệ đồng ruộng; thủy lợi, khuyến nông; làm đất. Sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012, người đứng đầu (Giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị) nhiều tuổi; còn bị ảnh hưởng tư duy kiểu cũ (tư duy bao cấp) nên thiếu chủ động, ngại đổi mới, không mạnh dạn. Trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn cũng rất hạn chế; sự gắn kết lợi ích giữa hợp tác xã và thành viên mờ nhạt, chưa thực sự mang tinh thần hợp tác; lợi ích kinh tế trực tiếp do hợp tác xã mang lại cho thành viên thấp. Nhiều hợp tác xã hoạt động còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường.

Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém hoạt động có hiệu quả, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố tập trung hướng dẫn hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở lợi thế của địa phương. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, kiến thức tiếp cận thị trường và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý hợp tác xã và thành viên thông qua đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề; hỗ trợ đưa cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn kỹ thuật về làm việc tại hợp tác xã; quan tâm đến các cán bộ thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật tại cơ sở; sinh viên người địa phương quan tâm và muốn cống hiến đến sự phát triển tại địa phương…

Hỗ trợ các hợp tác xã này tiếp cận các chính sách của Nhà nước như liên kết sản xuất theo Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ hợp tác xã theo Quyết định 1840/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Chính phủ.

Hỗ trợ để các hợp tác xã vay vốn tín dụng và tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước nhất là tiếp cận Quỹ phát triển hợp tác xã và Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế của Hội Nông dân, Quỹ Khuyến nông,... để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất.

Tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia hoạt động một số dịch vụ phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới như: Quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nước sinh hoạt nông thôn, dịch vụ môi trường, chợ nông thôn, ngành nghề nông thôn để các hợp tác xã tăng thêm việc làm và thu nhập cho các thành viên…

 

Phản hồi

Các tin khác