Bài 1: Người có uy tín là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” 

Bài 2: Những cánh chim đầu đàn 

Bài 3: Bất cập trong quan niệm lựa chọn người có uy tín

(ĐCSVN) - Phát huy vai trò của người có uy tín - những cánh chim đầu đàn trong cộng đồng có ý nghĩa to lớn trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Tuy vậy, việc này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ chính quan niệm về lựa chọn người có uy tín trong cộng đồng.

Theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận ngươi có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì đối tượng có thể được bình bầu là người có uy tín khá rộng, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật hiện hành có quá trình công tác lâu năm, có cống hiến cho dân tộc, đất nước đã nghỉ công tác; Già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ hoặc những người thường được đồng bào dân tộc thiểu số mời thực hiện các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, bản làng; Chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số (Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành, Công giáo,...); Nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, nhà giáo, người hành nghề chữa bệnh giỏi hoặc người có điều kiện kinh tế thường giúp đỡ và được đồng bào tín nhiệm.

Mặc dù vậy, trên thực tế, dường như có một sự mặc định ngầm rằng người có uy tín nên được bầu từ người cao tuổi - tức là những người từ 60 tuổi trở lên. Đơn cử, tại Lạng Sơn - tỉnh có số lượng người có uy tín cao nhất cả nước (1.810 người) thì có tới 1.148 người sinh từ năm 1961 trở về trước, chiếm 64%. Cá biệt có những người đã rất già, sinh từ năm 1927 đến 1934, nghĩa là tới nay đã từ 86 đến 93 tuổi…

Tại tỉnh Quảng Trị, năm 2019, trong tổng số 253 người có uy tín thì cũng có tới 103 người từ 70 tuổi trở lên.

 Người có uy tín có nhất thiết là người cao tuổi?

Người cao tuổi có ưu điểm là “cây cao bóng cả”, thường có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm sống phong phú, hiểu lịch sử, biết rõ mọi người, mọi nhà trong thôn, bản nên lời nói có trọng lượng cao, có ảnh hưởng rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, người có uy tín nếu là người cao tuổi thì cũng dễ dẫn đến tình trạng “chủ nghĩa kinh nghiệm”, vốn hiểu biết hạn chế, khó cập nhật thông tin mới, đi lại, tham gia sinh hoạt khó khăn… phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. 

 

Phân tích từ số liệu người có uy tín tỉnh Lạng Sơn cho thấy, có tới 76% người có uy tín có trình độ văn hóa cấp II trở xuống, 214 người chỉ có trình độ văn hóa tiểu học, có người còn không biết chữ và họ đều rơi vào nhóm sinh từ 1961 trở về trước.

Còn theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện thì tính đến 1/4/2019, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên theo trình độ giáo dục cao nhất đạt được ở nam giới như sau: Dưới tiểu học 20,4%; tiểu học 27,4%, trung học cơ sở 30,5%; tỷ lệ có trình độ từ sơ cấp đến đại học chỉ có 9,5%.

Đối với nữ người dân tộc thiểu số: Tỷ lệ có trình độ dưới tiểu học là 30,8%; tiểu học 24,8%, trung học cơ sở 25,5%; trình độ từ sơ cấp đến đại học chiếm tỷ lệ 8,8%.

Những con số ghi nhận ở Lạng Sơn, Quảng Trị và kết quả điều tra thông tin 53 dân tộc thiểu số đã phản ánh thực tế trình độ của nhóm người có uy tín cao tuổi trong bức tranh chung trình độ của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên.

Trình độ không cao nên chắc chắn tiếp cận thông tin, công nghệ, kỹ thuật mới của lớp người có uy tín cao tuổi khó nhanh nhạy bằng người trẻ tuổi đảm nhận cương vị này. Vì thế, khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục của người cao tuổi so với người trẻ tuổi sẽ có phần hạn chế, nhất là những chủ đề liên quan đến giới trẻ, đời sống mới…  

 

Cũng vì già hóa nên nhiều người có uy tín ngại vào Đảng. Bà Trương Thị Hợi, dân tộc Thổ, người có uy tín xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An tâm sự: Để đi học cảm tình Đảng phải xuống tận trung tâm huyện, cách nhà hàng chục km. Khi còn trẻ, nhiều người vướng bận con nhỏ nên không đi học. Nay con lớn thì tuổi cao, càng không muốn đi học nữa.

Người có uy tín không phải là đảng viên chắc chắn có “sự kênh” với bí thư chi bộ, trưởng bản, Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở thôn. Nếu là đảng viên thì sẽ có nhiều người do tuổi cao, sức yếu được miễn sinh hoạt Đảng. Trong cả hai trường hợp này, việc nắm chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của người có uy tín cao tuổi sẽ khó có hệ thống, dẫn đến giảm hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục.

Già làng A Biêng, 64 tuổi, người dân tộc Xơ Đăng là người có úy tín thôn Kon Lung, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Ngày trẻ, ông A Biêng đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Phục viên về làng, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã và được người dân địa phương suy tôn làm người có uy tín. Dù đã nhiều lần đi học cảm tình Đảng, nhưng ông rất ngại vào Đảng, vì một lý do là khi vào Đảng thì phải chịu sự quản lý, chỉ đạo của chi bộ, làm việc gì cũng phải báo cáo, trong khi cấp ủy chi bộ đều là thế hệ con, cháu. Ngại ngần đó của ông A Biêng là tâm lý chung của những người có uy tín đã cao tuổi. 

Già làng A Biêng tâm sự, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 
(Ảnh: Thương Huyền)

 

Già hóa độ tuổi còn làm cho đội ngũ người có uy tín thường xuyên biến động. Có tình trạng một số địa phương đang trong thời gian trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận danh sách người uy tín thì phải thực hiện xét chọn lại do người được đề nghị đã qua đời bởi tuổi cao, sức yếu hoặc ốm đau.

Tại tỉnh Quảng Trị, năm 2019, trong nhóm người có uy tín tuổi đời cao là già làng, trưởng dòng họ thì có tới 64% được đề nghị thay thế do sức khỏe yếu.

Người trẻ có thể đảm nhận vai trò này?

Năm nay 38 tuổi nhưng anh Lộc Văn Hai, thôn Long Giang, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có thâm niên làm người có uy tín của thôn được 5 năm. Thôn anh Hai sinh sống có 100% đồng bào dân tộc Nùng, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cách đây 7 năm, anh Hai thuộc nhóm những hộ đầu tiên của thôn trồng gừng, bí xanh, thu nhập khoảng 30 - 35 triệu đồng/năm. Từ nguồn hoa lợi này, anh đã có điều kiện sửa chữa nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi.

Theo cách làm của anh Hai, nhiều hộ khác trong thôn cũng thoát nghèo bằng trồng bí xanh và gừng. Hiện nay, toàn thôn đã có 10 ha gừng với 57/94 hộ của thôn tham gia. Riêng từ gừng, có nhà thu nhập tới 60 triệu đồng/năm; từ bí xanh thì cũng khoảng 10 - 15 triệu đồng/hộ/năm.

Có năng lực dẫn dắt cộng đồng nên anh Hai được cấp ủy tiến cử và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã công nhận là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Đáng lưu ý, thôn Long Giang của anh Lộc Văn Hai được hình thành từ sự sáp nhập với 4 thôn khác. Sau sáp nhập, anh Hai vẫn được bầu chọn là người có uy tín của thôn cho thấy người trẻ sẽ được cộng đồng tín nhiệm nếu họ thực sự hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.

Năm 2017, khi vừa tròn 25 tuổi, Vàng A Tùng được bầu là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngải Thầu (nay là xã A Lù) huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sau đó, do sáp nhập thôn, Vàng A Tùng được nhân dân thôn Ngải Thầu Thượng bầu là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Vàng A Tùng không phải là người có uy tín, nhưng trên thực tế, anh có ảnh hưởng như một người có uy tín, cả thôn nhất nhất học và làm theo anh. Điều gì khiến người trẻ như Tùng sớm nhận được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương?

Câu trả lời là: Vàng A Tùng sinh năm 1992, lớn lên ở thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Gia đình Tùng là một trong 38 hộ nghèo của thôn. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Tùng chọn con đường vừa học, vừa làm để theo học Trường Đại học Lâm nghiệp với khát vọng khi học xong, trở về cống hiến, phục vụ nhân dân ngay trên mảnh đất quê hương. 

anh Vàng A Tùng bên nương trồng cây Khoai sâm đất của gia đình (Ảnh: Phương Liên)

 

Năm 2015, tốt nghiệp ra trường, tự nhận thấy lập nghiệp không nhất thiết phải làm trong cơ quan nhà nước, Tùng quyết định khởi nghiệp tại nhà từ 30 kg giống củ khoai sâm đất. Khoai sâm đất có vị ngọt, mát, thơm, tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Do nhiều tác dụng và dễ chế biến, khoai sâm đất được thương lái vào thu mua tận ruộng và mang lại cho nhà Tùng 5 triệu đồng/vụ. Thấy thị trường tiêu thụ tốt, năm sau, gia đình Tùng đã nhân giống và mở rộng diện tích cây trồng lên 200 kg giống, thu nhập cũng tăng gấp 10 lần, đạt 50 triệu đồng/vụ.

Ngoài ra, Tùng mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua giống chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, trồng thảo quả. Hiện nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình Tùng có thu nhập 120 triệu đồng.

Từ mô hình của Tùng và được anh trực tiếp hướng dẫn, hầu hết bà con trong thôn đã chuyển sang trồng khoai sâm đất. Năm ngoái, toàn thôn trồng 10 ha, bán được 110 tấn sản phẩm. Năm nay, bà con trồng tới 20 ha, riêng nhà Tùng có 01 ha. Nhờ khoai sâm đất, các hộ có thu nhập cao, là yếu tố chính góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn mỗi năm 2,38%.

Không chỉ sản xuất giỏi cho gia đình và mang về cây trồng mới cho bà con trong thôn, Tùng còn gương mẫu hiến 220 m2 đất làm đường giao thông. Anh cũng vận động 100% số hộ trong thôn xây nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ. Tất cả những việc làm đó của Tùng đã góp phần mang lại diện mạo mới cho Ngải Thầu Thượng - thôn cao nhất Việt Nam.

Vàng A Tùng không phải là người có uy tín nhưng nếu căn cứ theo điểm b, Khoản 2, Điều 4, Quyết định số 12/QĐ-TTg thì anh hoàn toàn có khả năng được lựa chọn làm người có uy tín, thậm chí làm tốt vai trò này, vì thực tế đã chứng minh mức độ ảnh hưởng, khả năng dẫn dắt của Tùng đối với nhân dân trong thôn rất cao.

Từ câu chuyện của Lộc Văn Hai và Vàng A Tùng cho thấy, nếu có thể “tích hợp” chức danh Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội vào người có uy tín, đồng thời quan tâm đến những người trẻ tuổi có năng lực dẫn dắt cộng đồng thì chắc chắn hiệu quả sẽ được nâng lên rõ rệt, khắc phục hoàn toàn những điểm yếu của người có uy tín cao tuổi, đồng thời phát huy được những ưu điểm của một lớp người trẻ có kiến thức, có quyết tâm cá nhân và có những suy nghĩ, việc làm hết sức thuyết phục với cộng đồng xung quanh./.

Bài 4: Những khó khăn, bất cập về thể chế và chính sách đối với người có uy tín

Bài cuối: Một số giải pháp phát huy vai trò người có uy tín

Phản hồi