(ĐHXIII) – Trong giai đoạn 2012-2020 với sự nỗ lực của tỉnh Đồng Nai nhất là sau 8 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012; Kế hoạch số 195-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT); Kế hoạch số 5110/KH-UBND ngày 03/7/2015 của UBND tỉnh về phát triển KTTT 05 năm (2016-2020), lĩnh vực KTTT của tỉnh đã đạt được những chuyển biến khá tích cực.
|
Đồ họa thể hiện số lượng, quy mô của các HTX, quỹ tín dụng nhân dân và liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
|
Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ, năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã vận động thành lập 58 tổ hợp tác (THT), giải thể 46 THT; số lượng THT tại thời điểm ngày 31/12/2020 là 1.168 CLB-THT; số THT có đăng ký chứng thực hợp đồng hợp tác hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP (Nghị định số 77/2019/NĐ-CP) là 717 THT chiếm 62,12%. Số thành viên THT tại thời điểm ngày 31/12/2020 là 36.962; số lao động làm việc trong khu vực THT tại thời điểm ngày 31/12/2020 ước khoảng 39.860 người.
Công tác phát triển HTX ngày càng được chú trọng
Đáng chú ý, năm 2020, toàn tỉnh có 43 HTX được thành lập mới, đạt 130% kế hoạch, tăng 4 HTX so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 442 HTX, Quỹ Tín dụng Nhân dân và Liên hiệp HTX.
Về công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX, sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được ban hành và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về KTTT được tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển KTTT tỉnh đã triển khai theo hướng cụ thể, thiết thực, sâu sát cơ sở, tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước và sự phối, kết hợp đồng bộ, trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với cấp ủy, chính quyền địa phương. Định kỳ 6 tháng, Ban Chỉ đạo đánh giá công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với KTTT của các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thành phố và rút kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX.
Hằng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đều tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách KTTT, đồng thời tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm thực tế, từ đó trình độ, năng lực quản lý nhà nước của cán bộ phụ trách KTTT được nâng lên.
Nhìn chung, các THT phát triển tương đối ổn định về số lượng, đa dạng về hình thức hoạt động, rộng khắp cả tỉnh. Mô hình THT phù hợp với nhu cầu của người nông dân, lao động nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn. THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất…
KTTT, HTX tiếp tục phát triển trên địa bàn cả tỉnh và ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và đang dần trở thành thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh, số lượng các tổ chức KTTT, mà nòng cốt là HTX ngày càng phát triển khá mạnh.
Công tác tuyên truyền xây dựng kinh tế tập thể thường xuyên, liên tục, nhiều hình thức sinh động, thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn hệ thống chính trị tham gia xây dựng KTTT; Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò và tính tất yếu khách quan của việc phát triển KTTT trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới không ngừng được nâng cao.
|
Hợp tác xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), đơn vị xuất khẩu tốt sản phẩm tiêu vào những thị trường khó tính và là chủ đầu tư dự án cánh đồng cây tiêu lớn (Ảnh: Đ.N)
|
60% HTX hoạt động có hiệu quả
Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương (khoá IX) và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khoá VII) và sau 5 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 195-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, lĩnh vực KTTT của tỉnh đã đạt được những chuyển biến khá tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.169 THT, có 442 HTX, tăng 328 HTX so với trước khi Nghị quyết Trung ương 5 được ban hành. Thành viên tham gia các tổ chức KTTT ngày càng tăng, thành viên là cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia KTTT, quy mô vốn góp và loại hình hoạt động, lĩnh vực ngành nghề ngày càng rộng lớn, phủ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, chất lượng hoạt động của các tổ chức KTTT ngày càng đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, đã xuất hiện các mô hình HTX điển hình tiên tiến đạt hiệu quả cao; tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả chiếm trên 60% tổng số HTX trên địa bàn.
Để thuận tiện hơn trong phát triển KTTT, HTX, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành TW sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và khả thi trong việc thi hành Luật HTX năm 2012 để triển khai thực hiện; xử lý tài sản sau chuyển đổi, giải thể HTX; thủ tục giải thể bắt buộc đối với HTX; chính sách hạch toán, ưu đãi riêng về thuế cho HTX; việc xử lý nợ thuế của HTX đã ngưng hoạt động; hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác…
Về phía địa phương, phát huy sự chủ động của mình, chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành của tỉnh đều rất quan tâm đến phát triển KTTT; đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới, 132 xã của Đồng Nai đều có mô hình KTTT. Bên cạnh việc hỗ trợ chung của Nhà nước, Đồng Nai có rất nhiều nội dung hỗ trợ cho KTTT, đặc biệt là cho HTX. Đơn cử như chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thì trong đó, đầu tiên là ưu tiên cho HTX. Cụ thể, HTX nông nghiệp được hỗ trợ trong việc bảo hộ nhãn hiệu, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại... Hiện sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh bắt đầu vận hành, trước hết ưu tiên cho các sản phẩm OCOP, ưu tiên đưa các sản phẩm của KTTT, HTX lên sàn giao dịch… Tỉnh cũng quan tâm đầu tư về hạ tầng cho HTX phát triển./.
Lê Anh