(ĐHXIII) - Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu Việt Nam đạt đọt phá cải cách và cải thiện tốt chất lượng tăng trưởng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.
Thực tế thời gian qua, ngay trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vẫn chứng kiến những diễn biến khá sôi động về hội nhập kinh tế quốc tế (như phê chuẩn và thực thi EVFTA, EVIPA, UKVFTA hay ký kết RCEP) và những dấu ấn về hoạt động đối ngoại của Việt Nam như vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Công tác điều hành của Chính phủ kể từ năm 2020 có những điểm tích cực như: có sự chủ động, có được sự tham gia, đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; duy trì sự bài bản, gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng, đặc biệt lưu tâm đến diễn biến đại dịch COVID19; giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai; và không ngừng tạo dựng thêm không gian mới cho hoạt động kinh tế mới.
Theo đó, Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020, và phục hồi ở mức 4,48% trong Quý I/2021. Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Dù còn thấp hơn so với trước đại dịch COVID-19, kết quả tăng trưởng này của Việt Nam cao hơn so với kết quả báo cáo của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kể cả khu vực Đông Á.
Cũng theo bà Minh, từ năm 2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Tuy số doanh nghiệp thành lập mới trong cả năm 2020 giảm 2,3% so với 2019 nhưng tổng vốn đăng ký tăng 29,2%, cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp cũng có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới (đặc biệt gắn với nền tảng số)...
Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiên định với yêu cầu ổn định lạm phát. Điều hành chính sách tỷ giá tiếp tục hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, và được giải trình thường xuyên, minh bạch. Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế có xu hướng giảm dần, chất lượng tín dụng cải thiện khi dòng vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất ưu tiên. Năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt 12,13%, phù hợp với định hướng của Chính phủ và NHNN khi hạ lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu trong đại dịch COVID-19.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ít nhiều thể hiện sức chống chịu cao hơn trong giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh những nỗ lực thích ứng của khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, sức chống chịu tốt hơn của nền kinh tế còn xuất phát một phần từ việc kiên định thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Độ mở thương mại của Việt Nam giữ xu hướng tăng. Hoạt động thương mại điện tử là điểm sáng trong năm 2020, với doanh số tăng 25%.
Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới nhiều ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là du lịch. Tuy vậy, năm 2020 cũng ghi nhận một số ngành sản xuất có tăng trưởng nổi bật như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; hay sự phát triển một số ngành nghề mới như dịch vụ số, thương mại điện tử, sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.
Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới các mặt của đời sống xã hội. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao. Nhiều lao động bị giảm giờ làm và giảm lương, dẫn đến giảm thu nhập.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp CIEM nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam theo nhiều kịch bản. Bản thân nhiều nước cũng phải thực hiện các gói kích cầu tương đối lớn. Riêng Việt Nam đạt được kết quả tương đối tích cực trong năm 2020 cả về phòng chống dịch COVID-19 và kinh tế. Đây cũng là một trong những cơ sở để Việt Nam bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với nhiều mục tiêu mới đòi hỏi cần phải có một kế hoạch toàn diện và dài hơi. “Bước chuyển tốt gắn với thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sẽ có ý nghĩa quan trọng” – TS Dương nói.
Dự báo, nếu chúng ta chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ thì tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Trong khi đó, nếu nới lỏng tài khóa và tiền tệ song hành với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Bởi thế, các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, năm 2021 này, Việt Nam vẫn phải tiếp tục duy trì phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế. Bước vào năm 2022, cần kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Sang năm 2023, cần rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế./.
Lê Nguyễn