Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

Những đóng góp quan trọng...

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định, kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua mỗi giai đoạn khác nhau, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, từ những năm 1955-1961, các HTX góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ cao, hình thành quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn tư liệu sản xuất, đất đai và sức lao động; đưa những hộ nông dân, người sản xuất nhỏ, thợ thủ công, tiểu thương vào làm ăn hợp tác trong các HTX theo đường lối của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo XHCN ở miền Bắc.

Giai đoạn những năm 1961-1965, khu vực KTTT, HTX tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài những đóng góp đáng kể về kinh tế, HTX còn có vai trò quan trọng về xã hội, như giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hỗ trợ các hộ xã viên phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống. Đặc biệt trong thời kỳ này, các HTX còn chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, yêu CNXH, nâng cao giác ngộ cho đông đảo quần chúng lao động; đồng thời là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung cán bộ cho địa phương.

Nhiều mô hình HTX mới, HTX phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành góp phần bảo đảm an sinh xã hội (Ảnh: baochinhphu.vn)

Nhiều mô hình HTX mới, HTX phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành góp phần bảo đảm an sinh xã hội

(Ảnh: baochinhphu.vn)

Trong những năm chiến tranh 1965-1975, khu vực KTTT, HTX được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc. Giai đoạn sau đó, từ năm 1975 đến năm 1997, KTTT, HTX tiếp tục phát triển và lan rộng tới nhiều tỉnh, thành phố miền Nam. Khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh nhất vào năm 1986 với 76.000 HTX trong cả nước, thu hút trên 20 triệu xã viên tham gia và có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Giai đoạn từ năm 1997 trở lại đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực KTTT, HTX đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Đặc biệt, kể từ khi Luật HTX đầu tiên ra đời (tháng 3/1996) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1997, tiếp đó là Luật HTX 2003 và Luật HTX năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực KTTT, HTX phát triển. Các HTX từng bước chuyển đổi, đăng ký lại cho phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường; quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong các HTX được tăng cường; vai trò tự chủ của HTX được đề cao, thành viên tham gia HTX một cách tự nguyện, nhiều HTX đã xây dựng được phương án hoạt động phù hợp, huy động sự tham gia đóng góp của thành viên. Mô hình HTX mới, HTX phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả

Theo báo cáo mới nhất của Liên minh HTX Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với HTX kiểu mới.

Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX thu hút hơn 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước). Khu vực KTTT, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Tính riêng trong năm 2020, 96% HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 4,3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, cả nước có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.913 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 1,5 lần so với năm 2019.

Trưng bày những thành tựu nổi bật của khu vực KTTT, HTX chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

Trưng bày những thành tựu nổi bật của khu vực KTTT, HTX chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025

Xác định KTTT, nòng cốt là HTX là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là Chiến lược phát triển đầu tiên của khu vực KTTT, HTX, trong đó đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Định hướng chung của Chiến lược là khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên. Hợp tác xã tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động KTTT, HTX

Phát triển KTTT, HTX là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được xác định tại các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước như: Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX), Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị, Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị, Luật HTX năm 2012... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua cũng khẳng định: "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực".

Với những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển KTTT, HTX, Liên minh HTX Việt Nam với vai trò đại diện và hỗ trợ cho tất cả các HTX hoạt động ở các ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, đã "trở thành ngôi nhà chung của các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, nơi mà sự hợp tác, chia sẻ, gắn kết; còn là nét văn hóa đặc sắc không chỉ trong kinh tế, mà cả trong chính trị - xã hội, là con đường đi lên CNXH của người sản xuất nhỏ" - nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định.

Liên minh HTX Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trong cả nước (Ảnh: PC)

Liên minh HTX Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trong cả nước (Ảnh: PC)

"Những kết quả đạt được trong phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn vừa qua có sự đóng góp quan trọng của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam từ Trung ương đến địa phương trong chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX; đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, cung ứng dịch vụ; tư vấn hỗ trợ tổ chức lại, thành lập mới HTX, xây dựng nhiều HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nhất là chuỗi giá trị nông sản; tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm" - Theo đánh giá của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát huy những kết quả đạt được, Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong giai đoạn tới, trước mắt trong năm 2021 sẽ tập trung triển khai 10 nhiệm vụ chủ yếu, 5 chương trình hành động trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 với phương châm "Hợp tác - Đổi mới - Phát triển - Hiệu quả" và mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cùng với đó, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác hiện có; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giải thể các HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả kéo dài không có khả năng củng cố, tổ chức lại.

Phấn đấu trong giai đoạn 2020-2025, 100% thành viên HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác và phần lớn người dân được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chính sách của cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển KTTT, HTX; hằng năm, xây dựng từ 300-500 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của các địa phương và GDP của cả nước từ 5% trở lên;...

Phản hồi

Các tin khác