(ĐHXIII) - Trên cơ sở phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phương châm hành động theo từng năm của Chính phủ, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long. (Ảnh: Kim Cương)
Ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật
Đề cập đến định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021–2025, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ triển khai công tác rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Bộ luật, Luật liên quan, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; bãi bỏ các nội dung còn chồng chéo giữa các luật liên quan đến quản lý, huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), đất đai, vận tải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chiến lược GTVT toàn ngành, Quy hoạch phát triển 5 chuyên ngành GTVT (theo Luật Quy hoạch 2018) đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển GTVT, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.
Đặc biệt, trong 5 năm này, Bộ GTVT sẽ tổng kết Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đường thủy nội địa để xem xét, nghiên cứu, đề xuất lập đề nghị xây dựng Luật trình Chính phủ. Đồng thời, Bộ sẽ tổ chức tổng kết 05 năm triển khai thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Đường sắt. Xây dựng trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua; tiếp tục rà soát để sửa đổi hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ và phù hợp với thực tiễn; tiếp tục cải cách và cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) trong các văn bản QPPL nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trong công tác cải cách hành chính, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Đề án nâng cao năng lực ngành GTVT tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiên toàn và nâng cao năng lực của bộ máy trong quyết định đầu tư, tổ chức quản lý và thực hiện chức năng chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà nước đối với các dự án KCHTGT. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả trong tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác KCHT giao thông. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ các tổ chức tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm.
Phát triển toàn diện ngành GTVT
Cảng Đình Vũ, TP Hải Phòng (Ảnh: Kim Cương)
Trong 5 năm 2021-2025, Bộ GTVT xác định sẽ tập trung phát triển các công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa; ưu tiên cải tạo, mở rộng các cảng hàng không lớn và các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn; cải tạo các quốc lộ trọng yếu, liên vùng, xóa các điểm đen về tai nạn giao thông; hoàn thành các dự án đường sắt dở dang, cải tạo các nút thắt để nâng cao năng lực thông qua của đường sắt hiện có, nghiên cứu xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển đầu mối; cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, nâng tĩnh không một số cầu đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên đường thuỷ nội địa phía Bắc, phía Nam và kết nối cảng biển; đầu tư đảm bảo đồng bộ các cảng biển cửa ngõ quốc tế và một số cảng biển có nhu cầu vận tải lớn; phát triển hệ thống cảng cạn.
Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ sẽ tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, đặc biệt là các tuyến vành đai hoặc kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.858 km đường cao tốc. Cải tạo, nâng cấp khoảng 3.000 km đường quốc lộ tại các vùng trọng yếu; xây dựng, cải tạo các cầu yếu trên hệ thống quốc lộ, xây dựng cầu thay thế các bến phà. Tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa hạ tầng đường bộ; từng bước xóa ngầm, tràn, điểm đen về TNGT trên quốc lộ; hoàn thiện hệ thống ATGT đường bộ; xây dựng, vận hành khai thác có hiệu quả các trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) theo hướng hiện đại, hiệu quả; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo trì, vận hành.
Lĩnh vực đường sắt sẽ tập trung cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên tuyến TP. Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Hải Phòng Hà Nội - Lào Cai. Xóa bỏ các lối đi tự mở trên mạng đường sắt quốc gia. Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu và xúc tiến đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị tại các thành phố lớn theo quy hoạch.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ sẽ cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, đặc biệt nâng cấp tĩnh không thông thuyền các cầu, cùng với hệ thống kết nối và hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo đồng bộ phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn, bao gồm: kênh nối Đáy-Ninh Cơ, cầu Đuống (trên hành lang số 1, phía Bắc), nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, các hành lang đường thuỷ và logistic khu vực phía Nam. Cùng với đó là kêu gọi đầu tư một số cảng thủy nội địa đầu mối ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc Bộ. Đảm bảo khả năng kết nối và thị phần đảm nhận cao của vận tải thuỷ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ đến bến cảng quốc tế Lạch Huyện; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cảng quốc tế Thị Vải-Cái Mép, vận tải ven biển. Lĩnh vực đường thủy nội địa sẽ tăng cường áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác tối ưu, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa.
Trong lĩnh vực hàng hải, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung đầu tư các cảng biển, luồng tuyến để đảm bảo đồng bộ về quy mô và nhu cầu khai thác, như: xây dựng các bến cảng - Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng-Lạch Huyện; luồng vào cảng Cái Mép, luồng vào khu nước Cẩm Phả, xây dựng bến Liên Chiểu (cảng Đà Nẵng); đầu tư luồng hàng hải vào các bến cảng Khu vực Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp một số luồng, càng có nhu cầu vận tải lớn. Lĩnh vực hàng hải sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đèn biển, thông tin báo hiệu hàng hải và cơ sở vật chất phục vụ mục tiêu khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của đất nước; đầu tư hệ thống cảng cạn; các khu neo đậu tránh bão.
Lĩnh vực hàng không sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nâng cấp, xây dựng các cảng hàng không khác theo quy hoạch và nhu cầu vận tải như: Điện Biên, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Chu Lai, Cam Ranh, Phan Thiết, Phú Quốc... Đầu tư hạ tầng quản lý hoạt động bay áp dụng công nghệ mới để đảm bảo an toàn khai thác hệ thống.
Đặc biệt, trong 5 năm 2021-2025, Bộ GTVT sẽ nỗ lực tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics. Phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt để hỗ trợ hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics, đặc biệt là ở khu vực phía Nam và phía Bắc.
Phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng làm nền tảng; từng bước xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I; tiếp tục phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 20%-25%.
Bài, ảnh: KC