Trong công tác cán bộ đối với người có uy tín, cần xem xét, giải quyết thỏa đáng hai tình huống đặt ra:
i) Mở rộng “tích hợp” Bí thư chi bộ, trưởng, thôn bản, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng các đoàn thể chính trị với người có uy tín trong trường hợp Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng các đoàn thể chính trị là người có xu hướng dân chủ, tôn trọng ý kiến tập thể, có phong cách suy nghĩ đa chiều, thấu đáo. Đây là việc làm “nhất cử, đa tiện”, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, vừa gia tăng vị thế của người có uy tín. Hơn nữa, ở vị trí như vậy, người có uy tín được hưởng phụ cấp trách nhiệm cho các chức danh bí thư, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận… sẽ chia sẻ phần nào các chi phí đi lại, điện thoại… mà họ phải tự bỏ ra; tạo thêm động lực cho họ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ trong quá trình hoạt động.
ii) Trường hợp không “tích hợp” các chức danh lãnh đạo nêu trên vào người có uy tín thì cũng có ưu điểm là trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng không mang tính lãnh đạo, quản lý, thông tin thu thập phản ánh về thực tế cộng đồng không mang tính chủ quan; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy tốt, chức năng tự quản ở thôn, bản không mang tính áp đặt theo điều hành, quản lý của cá nhân. Tuy nhiên, khi không “tích hợp” được các chức danh này vào người có uy tín thì rất cần phải có sự quan tâm đặc biệt về chế độ, chính sách đãi ngộ để họ có động lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là vấn đề khó đối với các tỉnh miền núi, đa dân tộc có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phải trông chờ phần lớn vào ngân sách trung ương hỗ trợ.
Trong công tác nhân sự, cần quan tâm, ủng hộ xu hướng “trẻ hóa” để tận dụng thế mạnh về sức khỏe, trình độ của người có uy tín trẻ tuổi, nhằm khắc phục những hạn chế này ở người có uy tín quá cao tuổi. Muốn vậy, cần sớm phát hiện những nhân tố trẻ, tích cực, có nhiệt huyết, có sự đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp, khả năng hướng dẫn cộng đồng… thông qua hình thức tổ chức thăm dò dư luận để khảo sát, đánh giá mức độ uy tín trong Nhân dân.
Sau khi tìm được hạt nhân, cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cả về năng lực, đạo đức, thậm chí hỗ trợ tạo dựng uy tín cho những người tích cực và có khả năng nhưng còn bị hạn chế một số điều kiện nhất định, nhằm chuẩn bị nguồn nhân sự người có uy tín trong tương lai.
Hiện nay, việc lưu trữ hồ sơ cá nhân của người có uy tín chưa được UBND cấp xã quan tâm đúng mức; một số xã thậm chí còn không có hồ sơ lưu quản lý tại thôn và lưu trữ tại xã. Việc này, cần có sự chỉ đạo chấn chỉnh và tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Thứ ba, sớm hoàn chỉnh cơ chế phân cấp quản lý, phát huy vai trò của người có uy tín theo mức độ ảnh hưởng.
Phân công rõ hơn nhiệm vụ cho các cơ quan trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Cần giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, các cơ quan khác chỉ là cơ quan phối hợp, tránh việc cùng một đối tượng, một địa bàn nhưng nhiều cơ quan cùng chủ trì thực hiện và quản lý sẽ dẫn đến rất khó khăn cho công tác bình chọn, rà soát hàng năm và theo dõi, quản lý, báo cáo.
Mặt khác, từ sự phân cấp này mới thực hiện tốt được việc phân cấp trong cung cấp thông tin, định hướng hoạt động đối với người có uy tín theo cấp độ quốc gia, tỉnh, huyện, xã…Trong đó, cấp Trung ương, tỉnh cần xây dựng định hướng chung hoạt động đối với người có uy tín trên phạm vi quốc gia, tỉnh; cấp huyện xây dựng kế hoạch hoạt động; cấp xã xây dựng chương trình hoạt động cụ thể và triển khai trực tiếp đến người có uy tín trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần có quy chế xác định trách nhiệm cá nhân của người có uy tín trong việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương; chú trọng cung cấp thông tin xác thực về tình hình ở thôn, bản; phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng đến cấp có thẩm quyền.
Thứ tư, đổi mới công tác bồi dưỡng cho người có uy tín.
Hiện nay, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín đã được thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Các ngành hữu quan ở Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn theo hệ thống ngành dọc của mình; các cấp, các ngành ở địa phương thường xuyên mở lớp. Tuy nhiên cách làm, nội dung truyền đạt chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc do thiếu bộ tài liệu chính thống, khoa học nhằm bù khuyết những kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín. Trong khi tuyên truyền, vận động lại là khâu quyết định đến kết quả thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Do đó, các cơ quan hữu quan ở Trung ương cần phối hợp xây dựng, ban hành chương trình khung và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc nội dung bồi dưỡng cho người có uy tín một số kỹ năng chủ yếu như: Kỹ năng đọc - phân tích - hiểu văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng tuyên truyền miệng; kỹ năng thuyết phục; kỹ năng khai thác và sử dụng tri thức văn hóa bản địa; kỹ năng nắm bắt dư luận quần chúng; kỹ năng hòa giải; kỹ năng thu thập thông tin và viết báo cáo; kỹ năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác tuyên truyền, vận động quần chúng… cùng một số chuyên đề liên quan đến quan điểm, đường lối của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, công tác dân vận, công tác dân tộc… nhằm nâng cao hiệu quả kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng cho người có uy tín.