Làm sao huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ cho phát triển đất nước là câu hỏi lớn không chỉ đối với riêng nước ta; đây là bài toán hóc búa, không dễ tìm lời giải trong một sớm một chiều, có khi phải đánh đổi bằng nhiều năm, thậm chí là nhiều thế hệ. Nhưng, một đất nước muốn trở nên thịnh vượng thì nhất định phải xác định được lợi thế so sánh của quốc gia (bao gồm lợi thế tương đối và lợi thế tuyệt đối) cũng như phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội cho các mục tiêu phát triển của đất nước và xa hơn là hiện thực hóa khát vọng hùng cường cho dân tộc mình.
Trong xã hội phong kiến trước đây, đề cập về sự thịnh - suy của xã hội, các bậc tiền nhân có câu: “Phi nông bất ổn; Phi công bất phú; Phi trí bất hưng; Phi thương bất hoạt”, có nghĩa là các trụ cột: nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục - đào tạo và thương mại nếu bị thiếu, bị yếu hoặc bỏ sót thì xã hội không thể phát triển và hưng thịnh được. Khẳng định này có tính trụ cột, nền tảng và mang ý nghĩa sống còn trong việc chấn hưng xã hội cũng như huy động và sử dụng các nguồn lực của xã hội đối với việc quản trị nhà nước trong xã hội phong kiến ở nước ta trước đây. Đặc biệt, việc quý trọng và đề cao nguồn lực trí thức, trí tuệ đến nay vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho hậu thế…
Để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội, trước tiên phải xác định được các nguồn lực hiện có của xã hội là những gì, bao gồm cả nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình, cũng như đâu là nguồn lực hữu hạn, đâu là nguồn lực vô hạn (có thể gia tăng, phát triển)… Cụ thể, nguồn lực hữu hình chính là lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, dự trữ tài chính quốc gia…; cũng như nguồn lực vô hình đến từ con người, là trí tuệ, tư duy, phát minh, sáng chế, là các sản phẩm khoa học, công nghệ… Những nguồn lực này hiện có như thế nào và được sử dụng ra sao vẫn là một câu hỏi nan giải!
Ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào là chủ lực, mang giá trị cốt lõi sẽ trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia; sản phẩm, hàng hóa nào sẽ trở thành thương hiệu quốc gia để khi nhắc đến, nói đến thì khách hàng quốc tế đều biết đó là hàng hóa của Việt Nam, do Việt Nam sản xuất - “made in Vietnam”. Không dễ để có được những điều này, nếu hoạch định chiến lược quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương chưa xác lập được tầm nhìn dài hạn hoặc thiếu đồng bộ, phù hợp với các nguồn lực…