Bài 2: Khát vọng hùng cường & tư duy lãnh đạo 

(ĐHXIII) - Một dân tộc có trở nên hùng cường hay không, phần lớn ảnh hưởng bởi khát vọng, tư duy quản lý nhà nước và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo. Suy cho cùng, mọi thành quả hoặc hệ lụy của một tổ chức, một doanh nghiệp, một địa phương hay một quốc gia đều chịu sự điều chỉnh và ảnh hưởng bởi thể chế, nói cách khác đó là hệ tư tưởng, là tư duy chiến lược và chính sách lãnh đạo, quản trị… 


Lực cản: Thể chế hay con người?

Chúng ta thường nói về thể chế là một trong những yếu tố quan trọng nhất, vừa là động lực vừa là lực cản phát triển của nền kinh tế..., tùy theo sự phù hợp vào sứ mệnh lịch sử ở từng thời điểm, giai đoạn khác nhau mà thể chế ấy có thể trở thành động lực hoặc lực cản phát triển của nền kinh tế. Khẳng định này không sai! Tuy nhiên, sẽ còn thiếu, nếu không đề cập đến vấn đề tầm nhìn và tư duy lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước, bởi thể chế cũng do chính con người tạo ra, chứ nó không tự nhiên mà sinh ra. 

Nếu chỉ nói đến lực cản của thể chế thì cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng: vẫn cùng thể chế, cơ chế chính sách như nhau, nhưng có địa phương, có nơi thì phát triển, có nơi lại chưa phát huy được. Vậy nguyên nhân là gì? Có thể nói, nguyên nhân thì có nhiều… Nhưng ngoài lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu và là nguyên nhân chính, đó là tư duy lãnh đạo và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước.


Theo cách hiểu cơ bản nhất, tư duy lãnh đạo được xem là một quá trình sáng tạo và đa dạng, thể hiện tầm nhìn của các nhà lãnh đạo cho dù ở cấp độ nào, đòi hỏi họ phải gắn kết các hoạt động hằng ngày với mục tiêu chiến lược dài hạn của tổ chức, với phạm vi mà họ lãnh đạo, quản lý cũng như môi trường xung quanh… 

Tầm nhìn thường được hình tượng hóa bằng một hình ảnh, gợi ra định hướng cho tương lai, mang tính lựa chọn (một tiêu chuẩn, một điều lý tưởng có định hướng) và hướng đến khát vọng tạo ra một điều gì đó đặc biệt, là sự hình dung của một người hay một tổ chức về mục tiêu cần đạt được, về điểm cần đến trong một khoảng thời gian nào đó… Khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào năm 2045 là một ví dụ về tầm nhìn.



Dưới góc độ kinh tế học, các tài liệu lý thuyết về quản trị cho thấy, cho dù ở góc độ vĩ mô hay vi mô thì tầm nhìn, tư duy của người lãnh đạo có yếu tố quyết định tới thành quả hay hệ lụy của nó là tất yếu. Thực tiễn cho thấy, lãnh đạo cho dù ở bất kỳ phạm vi lãnh đạo, quản lý nào, từ các tổ chức kinh tế cho đến chính quyền các cấp, từ cơ sở đến cấp cao, ở đâu người đứng đầu (lãnh đạo, quản lý) có tầm nhìn và tư duy năng động, sáng tạo, nhiệt huyết với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì mục tiêu chung, đặt lợi ích của tập thể, của tổ chức và cao hơn đó là lợi ích của người dân, của đất nước lên trên lợi ích của bản thân, của cá nhân và nhóm lợi ích thì ở đó luôn có những giải pháp tối ưu và hiệu quả hơn cả. 

Ở góc độ quản trị nhà nước (quản trị quốc gia), sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đây là “nguyên tắc vàng”, là bài học vô giá về công tác cán bộ. Người nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, hay nói cách khác, làm sao để người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, chính là vừa phải có đạo đức, vừa phải có trình độ chuyên môn. Cụ thể cái tài của người cán bộ chính là vừa phải có trình độ chuyên môn, kiến thức hiểu biết rộng, vừa phải có tầm nhìn và tư duy về lĩnh vực công tác lãnh đạo, quản lý; cái đức của người cán bộ chính là phải biết trọng liêm sỉ và danh dự, biết hi sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước… có như vậy mới đảm nhiệm được vai trò quản trị nhà nước - nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó.

 


Như vậy, cái đức và cái tài của người cán bộ, lãnh đạo phải được thể hiện, đánh giá qua thực tế bằng hiệu quả công tác, công việc mà người cán bộ, người lãnh đạo đó đảm nhiệm. 

Người cán bộ, lãnh đạo có tài thì cho dù ở cương vị nào đi chăng nữa cũng phải khẳng định được vai trò sứ mệnh lãnh đạo của mình, phải thể hiện được tầm nhìn, tư duy lãnh đạo để tạo ra những sản phẩm lãnh đạo có ảnh hưởng và tác động tích cực mang lại những giá trị lâu dài, hiệu quả thiết thực cho người dân cũng như tổ chức, địa phương và đất nước. Nó là kết quả về đời sống thu nhập của người dân, được phản ánh qua các chỉ số cụ thể về tăng trưởng kinh tế, là các vấn đề an ninh trật tự, giao thông, giáo dục, y tế, môi trường và an sinh xã hội…

Nghĩ khác, làm khác

Đổi mới để tiến bộ hơn, không thể với tư duy cũ, cách nghĩ, cách làm cũ mà lại cho kết quả mới, chứ nói gì đến phát triển và hùng cường.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng trên tất cả mọi mặt, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa…, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi nhiều hoạt động, hành vi của con người. Trong một thế giới kết nối và thông tin mở, hàng tỷ người trên thế giới cùng xem một trận bóng đá không còn là chuyện lạ; mỗi sự việc đâu đó trên thế giới, hành động, phát ngôn của những người nổi tiếng, thậm chí là chuyện thành công hay thất bại của một cá nhân, tổ chức, địa phương hay một quốc gia giờ đây không còn là bí mật. Mỗi người dân trên thế giới ngày nay giống như những phóng viên, mỗi chiếc điện thoại thông minh giờ đây như một tòa soạn báo thu nhỏ, mọi thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt, thời gian thậm chí chỉ tính bằng giây. Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần xoay chuyển được góc nhìn, thay đổi thái độ và tư duy lãnh đạo để phù hợp với bối cảnh của thời đại thông tin và công nghệ số, mọi thứ giờ đây trở nên minh bạch hơn…

Tư duy ngày nay là tư duy của công nghệ số, chuyển đổi số; tư duy của Chính phủ điện tử, Chính phủ số; thành phố thông minh; đô thị thông minh; làng xã thông minh; nông nghiệp thông minh… Trí tuệ nhân tạo (AI), người máy (Robot) đã được ứng dụng và thay thế con người trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Để vận hành một xã hội mà các hoạt động chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ số thì những con người trong xã hội ấy buộc phải có tư duy công nghệ, tư duy số cũng như tầm nhìn về các xu hướng phát triển của công nghệ trong tương lai. Tư duy ngày nay là tư duy về “thế giới phẳng và toàn cầu hóa”, mọi giới hạn về không gian, thời gian dường như đã phá vỡ những nguyên tắc truyền thống. Xã hội ngày nay là xã hội của thông tin đa chiều, thông tin mở, quản trị quốc gia nếu thiếu thông tin, không nắm được thông tin thì không thể ra quyết định đúng đắn và càng không thể có được những hoạch định, quyết sách dài hạn. Mà khi đã không có mục tiêu chiến lược dài hạn thì khó có thể theo đuổi mục tiêu hùng cường, thịnh vượng. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.


 

 

Một địa phương, một quốc gia muốn ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội thì đầu tiên phải hiểu được chân lý “Dân là gốc”, gốc có vững thì cây mới bền. 

Muốn vậy, người dân ở địa phương đó, quốc gia đó phải có cuộc sống ấm no, hạnh phúc tức là người dân phải có đủ điều kiện, môi trường, phương tiện sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập tối thiểu để kiếm kế sinh nhai cũng như cơ hội và khả năng làm giàu… Cán bộ, lãnh đạo, quản lý nhà nước phải nhận thức và tư duy nhất quán theo đuổi mục tiêu dân có giàu thì nước mới mạnh. 

Suy cho cùng, mọi thành quả hoặc hệ lụy của một tổ chức, một doanh nghiệp, một địa phương hay một quốc gia đều chịu sự điều chỉnh và ảnh hưởng bởi thể chế, nói cách khác đó là hệ tư tưởng, là tư duy chiến lược và chính sách lãnh đạo, quản trị... Cho dù ở góc độ vĩ mô, vi mô hay trong phạm vi quản trị nào đó thì tư duy và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhà nước luôn là một trong những nhân tố quyết định hàng đầu. 

Đổi mới để tiến bộ hơn, phải nghĩ khác, làm khác, không thể với tư duy cũ, cách nghĩ, cách làm cũ mà lại cho kết quả mới, nói gì đến phát triển và hùng cường. Một dân tộc có trở nên hùng cường hay không, phần lớn ảnh hưởng bởi khát vọng, tư duy quản lý nhà nước và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo. Quốc gia nào cũng cần đội ngũ cán bộ, lãnh đạo có năng lực tư duy: Lo cho dân, nghĩ cho dân, làm lợi cho dân và làm việc vì dân…, cũng như khả năng truyền cảm hứng tới người dân, cùng hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc./.  

Bài 1: Đừng để khát vọng hùng cường chỉ là “giấc mơ” 

Bài 2: Khát vọng hùng cường & tư duy lãnh đạo 

Bài 3: Khát vọng hùng cường & bài học về sự trỗi dậy 

Bài 4: Khát vọng hùng cường & bản lĩnh Việt Nam  

Bài 5: Khát vọng hùng cường & hiện thực hóa ở Việt Nam

Phản hồi