Tham luận của Ban đối ngoại Trung ương

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Kính thưa Đại hội,

Chúng tôi có may mắn được tham gia trong quá trình chuẩn bị văn kiện, thấy rằng lần này văn kiện được chuẩn bị rất sớm, rất kỹ và rất chất lượng. Tôi xin bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo chính trị và các văn kiện trình Đại hội. Sau đây, để góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm nội dung văn kiện, thay mặt Ban Đối ngoại Trung ương, tôi xin tham luận về “Đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân chủ động thích ứng, phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới”.


Kính thưa Đại hội,

Trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng ta, đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân luôn giữ một vị trí rất quan trọng, cùng với ngoại giao nhà nước, tạo thành ba kênh đối ngoại chủ lực, ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại toàn diện dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của Đảng và đất nước. Vì vậy, nền ngoại giao Việt Nam là nền ngoại giao toàn diện.

5 năm qua, thế giới và khu vực chứng kiến những diễn biến nhanh, hết sức sâu sắc, phức tạp, chứa đựng các yếu tố bất an, bất định, bất ngờ, tác động đa chiều đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, trong đó có nước ta. Chúng ta đã thấy nhiều nước và khu vực trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và bất ổn. Đặt trong bối cảnh đó, sự phát triển ổn định của Việt Nam trong suốt thời gian qua là thành tựu, là điểm sáng có ý nghĩa hết sức quan trọng, để lại trong lòng bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam ổn định, phát triển năng động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Những thành tựu nổi bật của đất nước trong nhiệm kỳ vừa qua có đóng góp rất quan trọng của mặt trận đối ngoại. Ba kênh đối ngoại đã phối hợp, gắn kết chặt chẽ, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XII, góp phần quan trọng bảo vệ các lợi ích của quốc gia dân tộc, thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ vững chắc độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, vị thế của đất nước nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kính thưa Đại hội,

Trong nhiệm kỳ qua, trước những diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của ngoại giao nhà nước, đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân đã phát huy tính chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời xác định những nội dung trọng tâm và khâu đột phá nhằm thích ứng với tình hình và yêu cầu mới, cụ thể xin nêu mấy điểm sau: 

(i) Trước hết, chúng ta đã phát triển lý luận, nhận thức sâu sắc về vị trí của Đảng ta trong quan hệ đối ngoại với vai trò là một đảng cộng sản cầm quyền, do đó, trong khi tiếp tục mở rộng, phát triển về chiều sâu quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả, phong trào tiến bộ để tăng cường hậu thuẫn chính trị, chúng ta đã hết sức coi trọng phát triển với các đảng cầm quyền trên thế giới, xác định là nội dung trọng tâm trong quan hệ đối ngoại của Đảng; đây cũng chính là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về lợi ích quốc gia – dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại; 

(ii) Sau nữa là chúng ta đã nắm vững yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại đảng đối với công tác xây dựng đảng, việc nâng cao uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế, cũng như hợp tác nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng. Đây cũng chính là thể hiện sự gắn bó, phối hợp chặt chẽ, biện chứng giữa mục tiêu bên trong và bên ngoài trong triển khai hoạt động đối ngoại của Đảng. 

Trên cơ sở đó, và bám sát chủ trương, đường lối chính sách đối ngoại của Đại hội XII và các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân nhiệm kỳ qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là:

Thứ nhất, quan hệ của Đảng ta với các đảng cầm quyền, các đảng có vai trò quan trọng, đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng chính trị và chiến lược quan trọng cho quan hệ song phương và đa phương. Đặc biệt, quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước XHCN và láng giềng chung biên giới đã đóng vai trò nòng cốt, định hướng chiến lược tổng thể cho quan hệ song phương với các nước, phát huy hiệu quả giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước. 

Trong nhiều trường hợp, đối ngoại đảng đã đóng vai trò cân bằng quan trọng, bảo đảm sự hài hòa, phù hợp trong quan hệ đối ngoại của ta. Quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính khác đã góp phần thiết lập, củng cố các khuôn khổ quan hệ ổn định, bền vững với các nước và đối tác quan trọng; góp phần gia tăng tin cậy chính trị, thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng, khó lường trên chính trường các nước giúp tạo thế chủ động ứng phó với sự thay đổi vị thế cầm quyền ở các nước .

Thứ hai, quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân và các chính đảng khác tiếp tục được duy trì, mở rộng, góp phần quan trọng tạo lực lượng hậu thuẫn chính trị, ủng hộ lập trường của ta trong nhiều vấn đề; hầu hết các đảng đều coi thành tựu đổi mới của ta là đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cổ vũ công cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, Đảng ta đã rất chủ động, tích cực tham gia, phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương chính đảng, tranh thủ hiệu quả sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của các đảng, theo đó là của các chính phủ đối với chủ trương, quan điểm của ta trên nhiều vấn đề. 

Thứ ba, các hoạt động đối ngoại đảng, nhất là các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã góp phần gia tăng vị thế, uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế, nâng cao tính chính danh và nhận thức đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta, về sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hầu hết các nước trên thế giới, các chính đảng, không phân biệt khuynh hướng chính trị, ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta, mong muốn tăng cường quan hệ với Đảng ta, coi trọng và cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. 

Xin thí dụ, vào dịp các sự kiện trọng đại của Đảng và đất nước, chúng ta nhận được rất nhiều thư, điện chúc mừng từ lãnh đạo các chính đảng, các nước, thuộc nhiều khuynh hướng tư tưởng và hệ thống chính trị khác nhau; đều bày tỏ sự coi trọng quan hệ với Đảng ta, đánh giá cao, thậm chí là ngưỡng mộ, đối với những thành tựu to lớn của Đảng ta . Điều đó cho thấy uy tín, vị thế của Đảng ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao rõ rệt, qua đó góp phần quan trọng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ tư, hợp tác trên kênh đảng đã có những đóng góp cho công tác xây dựng đảng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, thông qua các cơ chế hội thảo lý luận, đối thoại chính sách, tham vấn chính trị , hợp tác đào tạo cán bộ , tham khảo, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta đã có điều kiện để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các đảng, các nước về xây dựng đảng, lãnh đạo, quản lý đất nước, cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá.., góp phần hoàn thiện và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta trong bối cảnh mới.

Thứ năm, đối ngoại nhân dân với các hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và khoảng 500 tổ chức nhân dân ở Trung ương tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc tạo nền tảng xã hội hữu nghị với các nước và bạn bè quốc tế. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã phát huy tính chủ động, linh hoạt, góp phần tích cực vào tăng cường tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia – dân tộc, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào mặt trận đối ngoại chung của đất nước ta.


Kính thưa Đại hội,

Thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi nhanh, sâu sắc, với những biến động hết sức phức tạp, chứa đựng những thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của đất nước. Cạnh tranh, cọ xát chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt; mặt cạnh tranh, đối đầu chiến lược ngày càng gia tăng. Lôi kéo tập hợp lực lượng diễn ra đan xen, phức tạp, nhiều tầng nấc. Châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á sẽ ngày càng trở thành địa bàn của những can dự chiến lược, tác động sâu sắc đến cấu trúc chính trị, an ninh tại khu vực. Trật tự quốc tế, luật pháp quốc tế và các thể chế quản trị toàn cầu, khu vực đang bị thách thức. Tranh chấp biên giới, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và các điểm nóng trên thế giới gia tăng phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ xung đột. Chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và đang trở thành một xu thế phổ biến. 

Đại dịch Covid-19 đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới và cùng với các yếu tố khác đẩy toàn cầu hóa tới ngã rẽ. Sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gây nhiều lo ngại đến tính độc lập, tự chủ của các nền kinh tế. 

Trong nước, chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói. Chúng ta đang có nhiều thuận lợi để “vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội”. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng thành công của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua thể hiện rõ những ưu việt về bản chất của chế độ và mô hình, phương thức phát triển của nước ta, nâng cao hình ảnh và uy tín quốc tế của Việt Nam, tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây là nhân tố thuận lợi để phát huy sức mạnh to lớn của văn hóa Việt và con người Việt Nam, từ ý chí, bãn lĩnh, nghị lực đến sự tự tin về năng lực và tư tưởng, tạo nên động lực to lớn để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh đất nước. 

Trên tinh thần đó, đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân hơn bao giờ hết tự tin, tiếp tục đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, mạnh dạn đột phá, thích ứng nhanh chóng với tình hình, tranh thủ tốt nhất các cơ hội, hóa giải hiệu quả những thách thức; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhuần nhuyễn với ngoại giao nhà nước, để bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia dân tộc. Theo đó, thời gian tới sẽ chú trọng những trọng tâm sau:

Một là, đối ngoại đảng phải phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu chiến lược trong hoạch định và triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với các kênh đối ngoại xử lý hiệu quả các vấn đề đối ngoại hệ trọng của đất nước, không để rơi vào tình thế bị động, bất ngờ. Đối ngoại đảng phải tiếp tục nỗ lực để xứng đáng là một kênh tham mưu chiến lược vững chắc, chất lượng và đáng tin cậy của Trung ương Đảng.

Hai là, không ngừng mở rộng và phát triển về chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương. Đặc biệt, cần tiếp tục đưa quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước XHCN và láng giềng chung biên giới đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, gia tăng lòng tin, bồi đắp nền tảng hữu nghị, giữ vai trò định hướng chiến lược cho quan hệ song phương; phát huy mạnh mẽ lợi thế đặc thù của kênh đối ngoại đảng để góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong quan hệ song phương.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại đảng để đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, cho công tác xây dựng đảng; đặc biệt là việc đẩy mạnh tiếp thu lý luận, kinh nghiệm xây dựng đảng, kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành đất nước. Nội dung này cần tích cực thúc đẩy ở mọi cấp độ, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của các ban xây dựng đảng ở Trung ương và các cấp ủy ở địa phương, nhất là các địa phương có biên giới với các nước.

Bốn là, phát huy cao độ tinh thần “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, coi trọng mục tiêu chính trị của đối ngoại nhân dân, đa dạng hóa các biện pháp, hình thức, nội dung triển khai, thích ứng hiệu quả với tình hình, phát huy vai trò tạo nền tảng xã hội hữu nghị và tham gia cùng với các kênh đối ngoại bảo đảm tối đa các lợi ích của đất nước.

Năm là, phát huy mạnh mẽ vai trò đầu mối trong quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại của toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại; đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các kênh đối ngoại, tạo sự gắn bó thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế và “phân vai” hiệu quả giữa các binh chủng đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại.

Kính thưa Đại hội,

Phát huy những thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ qua, cùng với sự phối hợp ngày càng đồng bộ, toàn diện và chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, chúng tôi tự tin rằng, trong nhiệm kỳ tới, đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, đột phá và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Xin cảm ơn và xin kính chúc các đại biểu, toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Chúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta thành công tốt đẹp.

Phản hồi

Các tin khác