(ĐHXIII) – Bạn đọc Vũ Tuấn (Hà Nam) hỏi về việc tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu được thực hiện như thế nào?
|
Ảnh minh họa (Nguồn: baochinhphu.vn)
|
Trả lời: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu (Điều 73). Để bảo đảm thực hiện quy định này, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn như sau:
Những người được tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bao gồm:
- “Người ứng cử” là người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã được niêm yết ở khu vực bỏ phiếu.
- “Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử” là người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử chỉ định, phân công bằng văn bản tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có người ứng cử là người do cơ quan, tổ chức, đơn vị mình giới thiệu.
- “Người được ủy nhiệm” là người được người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ủy quyền bằng văn bản để chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu mà người đó ứng cử. Văn bản ủy quyền phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
- “Phóng viên báo chí” là người có thẻ nhà báo còn hiệu lực, được cơ quan báo chí phân công, giới thiệu đến để chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Việc đăng ký tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu được thực hiện theo thủ tục sau đây:
- Người ứng cử xuất trình giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác với Tổ trưởng Tổ bầu cử khi đề nghị tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu hoặc khiếu nại về việc kiểm phiếu.
- Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử xuất trình văn bản phân công, chỉ định hoặc giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đơn vị và giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác; người được ủy nhiệm xuất trình giấy ủy quyền và giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác với Tổ trưởng Tổ bầu cử khi đề nghị tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu hoặc khiếu nại về việc kiểm phiếu.
- Phóng viên báo chí xuất trình thẻ nhà báo còn hiệu lực và văn bản phân công hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí với Tổ trưởng Tổ bầu cử khi đề nghị tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu.
- Trong quá trình chứng kiến việc kiểm phiếu, nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền khiếu nại, tố cáo tại chỗ với Tổ bầu cử.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra thành công tốt đẹp và đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người ứng cử và các cá nhân, tổ chức có liên quan, người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có trách nhiệm liên hệ trước với Tổ bầu cử về việc tham dự chứng kiến kiểm phiếu; quan sát quá trình Tổ bầu cử thực hiện việc kiểm phiếu từ vị trí đã được Tổ bầu cử bố trí; tuân thủ các quy định của pháp luật, nội quy phòng bỏ phiếu và sự hướng dẫn của Tổ bầu cử; bảo đảm an toàn, trật tự, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo với Tổ bầu cử nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm phiếu.
Phóng viên báo chí có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, nội quy phòng bỏ phiếu và sự hướng dẫn của Tổ bầu cử trong quá trình tác nghiệp; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tổ bầu cử; đưa tin, bài kịp thời, trung thực, chính xác về quá trình kiểm phiếu bầu cử để góp phần vào công tác thông tin, tuyền truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Phóng viên báo chí nước ngoài có nhu cầu tham dự, đưa tin về hoạt động trong ngày bầu cử tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 88/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2012 về Hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm, phóng viên báo chí tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu. Bố trí vị trí quan sát, chứng kiến thuận lợi nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm phiếu của Tổ bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc kiểm phiếu (nếu có) và ghi nội dung giải quyết vào biên bản. Trường hợp không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng. Tổ trưởng Tổ bầu cử có quyền yêu cầu người chứng kiến kiểm phiếu, phóng viên báo chí ra khỏi khu vực kiểm phiếu nếu người chứng kiến kiểm phiếu, phóng viên báo chí có hành vi vi phạm nội quy phòng bỏ phiếu, gây mất an toàn, trật tự, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Tổ bầu cử./.
BTS