(ĐHXIII) – Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Thông tin và Truyền thông bước vào kỷ nguyên số, chuyển đổi số Quốc gia, phong trào thi đua yêu nước của Ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2020 - 2025 đã hướng tới 08 mục tiêu và 7 nhiệm vụ giải pháp, trong đó nêu rõ thay đổi phương thức hoạt động của công tác thi đua theo hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành Thông tin và Truyền thông, việc tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng trong những năm qua đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thực sự là động lực thúc đẩy toàn ngành Thông tin và Truyền thông hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.
|
Nhiều tập thể và cá nhân đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vì đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Bộ TT&TT giai đoạn 2015-2020. (Ảnh: ĐT)
|
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Thông tin và Truyền thông bước vào kỷ nguyên số, chuyển đổi số Quốc gia; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa nước ta đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phong trào thi đua yêu nước của ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2020 - 2025 hướng tới 08 mục tiêu:
Thứ nhất, chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.
Thứ hai, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số. Triển khai 5G, mỗi người một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Hạ tầng cloud; nền tảng định danh số, thanh toán điện tử; Nền tảng công nghệ như dịch vụ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet kết nối vạn vật), big data (dự liệu lớn), Blockchain (chuối khối); Nền tảng chuyển đổi số các ngành… cường quốc an ninh mạng. Với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh.
Thứ ba, đưa Việt Nam thành mạng Việt Nam, đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Đảm bảo chủ quyền không gian mạng. Không gian mạng của Việt Nam là môi trường sống mới nên phải đảm bảo sạch và lành mạnh.
Thứ tư, chuyển đổi Chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác giữa chính quyền và người dân nhiều hơn.
Thứ năm, chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in Vietnam với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.
Thứ sáu, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Từ 50 nghìn doanh nghiệp sẽ thành 100 nghìn doanh nghiệp, có cả doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi, cả doanh nghiệp phát triển sản phẩm, cả doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ bảy, báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá.
Thứ tám, chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sang chuyển đổi số. Dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn quốc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Đưa toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội lên môi trường số cũng phải đi song song với bảo vệ chủ quyền số quốc gia.
|
Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Đà Lạt - điểm nhấn ứng dụng công nghệ thông tin trong Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: ĐT)
|
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cơ bản cần thực hiện, trong đó nêu rõ lấy tinh thần yêu nước làm gốc của thi đua, góp phần mình để làm cho Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045. Đặt mục tiêu cao để thi đua tìm giải pháp đột phá. Việc 5 năm hãy làm trong 1 năm!
Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Đảng, chuyên môn và các đoàn thể quần chúng trong việc phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Tạo phong trào thi đua thông qua việc hàng ngày. Mỗi tổ chức đơn vị, mỗi người hãy nhận mục tiêu cao để khám phá những tri thức mới năng lực mới và từ đó khám phá ra chính mình.
Đặc biệt cần đặt tiêu chí rõ ràng cho thi đua là tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm. Lên kế hoạch thi đua tỉ mỉ do từng đơn vị nhỏ, từng cá nhân góp phần xây dựng nên từ chính nhiệm vụ hàng ngày để tự giác, tự nguyện thực hiện; Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng điển hình tiên tiến.
Thi đua phải luôn gắn liền với tổng kết, đánh giá và nhân rộng. Sau các phong trào thi đua, mỗi người, mỗi đơn vị rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình. Việc phổ biến kinh nghiệm và bài học, nhân rộng điển hình để tạo ra giá trị cấp số nhân.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện các điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng những công nhân, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh ở cơ sở, những tập thể nhỏ, những đơn vị có nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Đáng lưu ý, để làm tiền đề cho thi đua yêu nước thì lãnh đạo các cấp cần coi việc nghĩ ra việc, nghĩ ra thách thức đúng - là những việc có tầm nhìn đúng, khác biệt và đột phá, tạo ra nhiều giá trị cho Ngành, cho nhân dân, cho xã hội, cho đất nước. Công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết dựa trên tinh thần lấy việc làm thước đo. Thay đổi phương thức hoạt động của công tác thi đua theo hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số công tác thi đua./.
Đỗ Thoa