(ĐHXIII) - Mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo đột phá trong xuất khẩu thủy sản, trong đó đặc biệt là mặt hàng tôm.
Ảnh minh họa (nguồn: SGGP)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), tình hình xuất khẩu thủy sản của nước ta đang phục hồi. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 120 thị trường; trong đó Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia... là những thị trường xuất khẩu thủy sản có trị giá lớn nhất.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong tháng 5-2021, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 790 triệu USD, tăng 24%; lũy kế xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,33 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Đây là kết quả ấn tượng trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa, mặt hàng này, nhu cầu nhập khẩu trên thế giới đang tăng khá mạnh, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và những nhà cung cấp khác bị giảm do chịu tác động xấu bởi dịch COVID-19. Tận dụng việc này, các doanh nghiệp của nước ta đã tăng tốc xuất khẩu tôm trong những tháng đầu năm và thu về kết quả tốt.
Đối với thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, đây thật sự là điểm sáng trong xuất khẩu tôm từ đầu năm tới nay.
Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, qua thống kê đến cuối tháng 5-2021, xuất khẩu tôm của tỉnh ước hơn 423 triệu USD, đạt 40% kế hoạch năm, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Tại Bạc Liêu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm ước khoảng 280 triệu USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình xuất khẩu tôm cũng tăng trưởng khả quan so cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với xuất khẩu thì nhiều hộ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo đại diện Công ty TNHH Thủy sản Anh Khoa (Cà Mau), cho biết, dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm, do một số nước kiểm soát hàng nhập khẩu nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, nhờ chủ động và thích ứng tốt nên từ đầu năm 2021 đến nay, công ty đã xuất khẩu tôm các loại tăng cao so cùng kỳ. Dự báo cả năm 2021, xuất khẩu của công ty tăng 2-3 lần so với với năm ngoái.
Với tiềm năng và lợi thế hiện nay, hi vọng trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu tôm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt được nhiều đột phá hơn nữa./.
PV