(ĐHXIII) – Những năm qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh. Qua đó kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, khơi dậy tinh thần doanh nhân của người Bến Tre, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
|
Tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp.
(Ảnh: Báo Đồng Khởi)
|
Kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh
Theo đánh giá từ tỉnh Bến Tre, các chỉ số PCI, PAPI luôn tăng hạng, nằm trong top đầu cả nước từ khi triển khai thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Công tác liên kết, hợp tác với các tổ chức, địa phương trong khu vực được triển khai hiệu quả. Tỉnh Bến Tre đã kết nối với Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF)… để tổ chức các hoạt động ươm tạo, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, góp phần định hình hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bến Tre có hiệu quả.
Riêng năm 2020, công tác tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp, hiệu quả, chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng. Trong hoạt động kết nối, hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp, ước cho vay 2.500 lượt doanh nghiệp với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, trong đó cho vay 350 doanh nghiệp khởi nghiệp với số tiền 560 tỷ đồng. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho vay được 10 dự án với số vốn 19 tỷ đồng. Đa số các dự án khi được hỗ trợ đều phát huy hiệu quả tốt, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, công tác vận động hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Kết quả, có 54 hộ kinh doanh chuyển đổi lên các loại hình doanh nghiệp; lũy kế từ khi thực hiện Chương trình đến nay có 384 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, có 439 doanh nghiệp thành lập mới và 474 đơn vị trực thuộc; lũy kế đến nay có 4.862 doanh nghiệp với vốn đăng ký 42.017tỷ đồng.
Công tác hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tập trung thực hiện, đã công nhận 2 doanh nghiệp khoa học và công nghệ mới; lũy kế đến nay có 7 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đến thời điểm hiện tại, có 3.612 hộ kinh doanh thành lập mới, toàn tỉnh hiện có 51.888 hộ kinh doanh đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, đã thành lập mới 14 Hợp tác xã, đến nay toàn tỉnh có 159 Hợp tác xã.
Trong gần 04 năm thực hiện Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, tỉnh Bến Tre đã đạt được thành tích ấn tượng về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế phát triển đúng hướng, giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ tỉnh, hiện nay nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thiếu và yếu; chưa xây dựng được chính sách chung, mang tính hệ thống cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp khởi nghiệp Bến Tre đang đứng trước những khó khăn, vướng mắc nhất định cần được nhà nước tiếp tục tháo gỡ như chính sách thu hút và đa dạng hóa các nguồn vốn vay, các quỹ đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; việc tiếp cận nguồn vốn đổi mới công nghệ, thiết bị, kinh phí cho các nhóm cá nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
Tỉnh Bến Tre xác định: Năm 2021 tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh khởi nghiệp, trọng tâm là khởi nghiệp sáng tạo, gắn với vận hành có hiệu quả Không gian Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Mekong Innovation Hub), thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Cùng với việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả công tác chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, Bến Tre sẽ phối hợp với các hiệp hội, tổ chức trong và ngoài tỉnh huy động các nguồn lực gắn với phát triển doanh nghiệp, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đánh giá và nâng cấp các nguồn quỹ hiện có, hướng đến hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cùng với triển vọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một nền kinh tế số mở rộng đã bùng nổ và tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế số là cơ hội lớn đối cho các nước đang phát triển như Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước giàu. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều thách thức nhưng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong việc thúc đẩy nền kinh tế số.
Bến Tre cũng xác định những thuận lợi về nền kinh tế số của Việt Nam, từ đó đánh giá và xây dựng kế hoạch cụ thể để hành động tiến hành chuyển đổi số đối với lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương.
Giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
|
Nhiều thanh niên thành công trong chuyển đổi mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(Ảnh: Báo Đồng Khởi)
|
Để phát huy được tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển và đẩy mạnh hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều ý kiến đề xuất tỉnh Bến Tre tập trung thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các hoạt động thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xây dựng và duy trì hoạt động chuyên mục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên trang thông tin Sở KH&CN, liên kết, giới thiệu và chia sẻ thông tin với Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm cung cấp kịp thời thông tin KH&CN và kết nối hoạt động chuyển giao công nghệ cho cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu và điểm cung cấp thông tin về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận với các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà khoa học, công nghệ mới, sản phẩm mới, thông tin về thị trường, sở hữu trí tuệ, kết nối cung - cầu công nghệ, chuyển giao công nghệ, trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp...
Định kỳ thực hiện chuyên đề, phóng sự, bài viết về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phổ biến các gương điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công của tỉnh, trong nước và ngoài nước. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN, sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng; nhân viên các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo./.
Hoàng Mẫn