Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt

Chi bộ Vụ KCHTGT – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Đảng ủy, Chi bộ luôn xác định việc quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT là một khâu quan trọng trong định hướng phát triển KCHTGT đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cần phải được nâng cao.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa đã được quan tâm thực hiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT đã được xây dựng tương đối đầy đủ, có tính đồng bộ, hiệu lực cao, được cập nhật điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để phù hợp với thực tế và định hướng công tác quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý.

Qua đó đã tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước thực hiện quyền quản lý; phân công, phân cấp về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT; đổi mới phương thức khai thác theo hướng thu hút sự tham gia của các thành phần nhằm tăng cường hiệu quả khai thác như cho thuê, chuyển nhượng KCHTGT, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển KCHTGT; đổi mới phương thức bảo trì KCHTGT (ngoài phương thức bảo trì theo khối lượng đã có thêm bảo trì theo tiêu chí chất lượng thực hiện); thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới phương thức thực hiện bảo trì đã nâng cao tính minh bạch, công bằng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn.

Về cơ bản đến nay, hiệu quả khai thác của hệ thống KCHTGT được cải thiện rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Còn nhiều thách thức

Lãnh đạo Chi bộ Vụ KCHTGT cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo trì KCHTGT cơ bản đã được xây dựng tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, tuy nhiên các văn bản này chưa có tính ổn định cao do thời gian xây dựng gấp; nhiều hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật cơ bản được xây dựng trên cơ sở thống kê từ công tác thực tế bảo trì, chưa có những công trình nghiên cứu có chiều sâu và thực sự khoa học, bám sát với điều kiện thực tế trong ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật.

Công trường xây dựng đường trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long (Hà Nội)

Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm cho công tác quản lý, bảo trì KCHTGT còn hạn chế, mới đáp ứng được từ 40 - 60% nhu cầu cho công tác quản lý, bảo trì KCHTGT, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.

Tình hình biến đổi khí hậu diễn ra rất phức tạp trong những năm gần đây, gây sạt lở, ngập úng, phá huỷ nhiều kết cấu công trình, dẫn đến tình trạng hệ thống quốc lộ bị xuống cấp nhanh hơn, thiệt hại rất lớn, kinh phí cho khắc phục cũng rất tốn kém và khó khăn hơn.

Trong công tác tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo trì KCHTGT, sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong quản lý KCHTGT ở một số nơi chưa thực sự tốt, đặc biệt là về công tác quản lý hành lang đường bộ, kiểm soát xe quá tải, hệ thống thoát nước..., dẫn đến khó khăn trong bảo vệ chất lượng công trình và gây mất ATGT; bên cạnh đó, một số đơn vị thực hiện chưa tốt trách nhiệm quản lý bảo trì, không chủ động khắc phục khó khăn, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc.

Việc áp dụng KHCN còn chậm, chưa phổ biến; nhiều giải pháp KHCN và vật liệu mới chưa có tiêu chuẩn; cơ chế cho ứng dụng sản phẩm KHCN và vật liệu mới còn phức tạp; một số giải pháp thực hiện kinh phí cao; nguồn nhân lực về KHCN còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu, thông tin về quản lý bảo trì còn yếu, chưa cập nhật đầy đủ và kịp thời tình trạng của KCHTGT nên chưa ứng dụng tốt trong việc xây dựng kế hoạch và theo dõi chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo trì; chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung về KCHTGT, bao gồm tất cả các lĩnh vực; số liệu còn chênh lệch giữa các cơ quan quản lý, dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý, số liệu thống kê hiện trạng của mỗi cơ quan, đơn vị còn khác nhau, không thống nhất.

Nhà nước chủ yếu mới tập trung vào quản lý, bảo trì đối với các KCHT công cộng do Trung ương quản lý; chưa có sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra hiệu quả đối với công tác bảo trì KCHTGT địa phương, đường chuyên dùng, KCHT được ủy quyền khai thác hoặc được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (BOT, BT, BTO...).

Do nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên công tác đầu tư phát triển KCHTGT triển khai chậm so với yêu cầu, hệ thống KCHTGT chưa có điều kiện duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác. Hiện nay, ngân sách chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu đầu tư phát triển cũng như công tác bảo trì KCHTGT, do vậy việc tăng cường công tác quản lý, khai thác KCHTGT đang là vấn đề quan trọng đặt ra khi xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc đưa ra các giải pháp tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT cần mang tính đồng bộ và tổng thể.

Đảng ủy Bộ GTVT tặng hoa chúc mừng Chi ủy Chi bộ Vụ KCHTGT nhiệm kỳ 2020 – 2022.

Cần tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT đồng bộ và tổng thể

Về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cần thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT các lĩnh vực nhằm phát hiện những bất cập, tồn tại để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ban hành những quy định mới nhằm bảo đảm các quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tế và định hướng phát triển của đất nước, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Về quy hoạch, cần quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT là kết quả của Quy hoạch. Kết quả này cần phải được đánh giá, tổng kết thường xuyên nhằm đốc rút những thực tế để phản ánh lại quá trình lập quy hoạch, để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, lập mới phù hợp với thực tế nhằm đạt được hệ phát triển KCHTGT các lĩnh vực.

Về tổ chức bộ máy, cần nghiên cứu, xây dựng, đưa ra các giải pháp sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT phù hợp, tinh gọn và hiệu quả. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, kinh nghiệm cho cán bộ, công nhân, Viên chức và người lao động trong các lĩnh vực của ngành GTVT. Xem xét, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới, nâng cao năng lực sức cạnh tranh của các doanh nghiệp để thực hiện tốt cơ chế xã hội hóa trong sử dụng và khai thác tài sản KCHTGT.

Về tổ chức thực hiện và công tác thanh tra, kiểm tra, phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan của Bộ GTVT triển khai công tác lập, thẩm tra, phê duyệt, thực hiện kế hoạch bảo trì KCHTGT. Thực hiện có hiệu quả việc tham mưu tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác theo hướng lập kế hoạch hàng năm, ngắn hạn, trung hạn làm cơ sở bố trí nguồn vốn cũng như khuyến khích, kêu gọi các hình thức xã hội hóa phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn bảo trì đúng mục đích và hiệu quả. Xây dựng tiêu chí ưu tiên trong xây dựng kế hoạch bảo trì nhằm tăng tính công khai minh bạch, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả vốn bảo trì; đẩy mạnh việc đầu thầu rộng rãi qua mạng; triển khai rộng rãi hình thức hợp đồng quản lý bảo trì dựa trên chất lượng thực hiện;…

Về ứng dụng KHCN cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống KCHTGT các lĩnh vực; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo trì KCHTGT. Ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới đảm bảo nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả và tiết kiệm trong công tác quản lý, khai thác và bảo trì KCHTGT

Mặt khác, về giải pháp về nguồn vốn thực hiện công tác bảo trì KCHTGT, cần đề xuất Nhà nước bảo đảm nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì KCHTGT tăng trung bình hàng năm khoảng 15-20% tiến tới đáp ứng được nhu cầu cho cả tác bảo trì hệ thống KCHTGT. Tìm kiếm các nguồn hỗ trợ ngoài ngân sách, các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong ngoài nước. đóng góp của cộng đồng. Xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn và các cơ chế, chính sách ưu đãi khác để thu hút nguồn vốn đầu tư vào quản lý, khai thác, bảo trì KCHTGT. Tăng cường vai trò của các hiệp hội chuyên ngành trong định hướng quản lý, khai thác KCHTGT.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý cho thuê khai thác KCHTGT. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao đấu thầu khoán gọn công tác quản lý khai thác và duy tu, bảo trì KCHTGT cho nhiều thành phần tham gia. Thúc đẩy, kêu gọi, hợp tác đầu tư và trợ giúp kỹ thuật của các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến đối với các dự án đầu tư, nâng cấp KCHTGT, trang thiết bị quản lý, khai thác hiện đại để tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới và tận dụng nguồn vốn nước ngoài góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác KCHTGT./.

Phản hồi

Các tin khác