Phát triển ngành Lâm nghiệp hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường

Mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động

75 năm hình thành và phát triển (1945 - 2020) ghi nhận chặng đường dài của ngành Lâm nghiệp trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở từng thời kỳ, từng giai đoạn, ngành Lâm nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, đổi mới và phát triển của đất nước.  

Cụ thể, trong thời kỳ kháng chiến đánh giặc cứu nước giai đoạn 1945-1975, ngành Lâm nghiệp đã tập trung đẩy mạnh khai thác gỗ, lâm sản để phục vụ cho kháng chiến, cung cấp cho nền kinh tế phục hồi sau chiến tranh, đáp ứng nhu cầu dân sinh và nguyên liệu cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, địa bàn rừng núi là chiến khu trong cuộc kháng chiến, góp phần tạo nên những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta.

12

Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt giá trị cao trong năm 2019 với 11,3 tỷ USD, dự kiến trong năm 2020 đạt 13 tỷ USD.

(Ảnh minh họa: BT)

Đáng chú ý, vai trò của ngành Lâm nghiệp được thể hiện rất rõ trong giai đoạn từ khi đổi mới đến nay. Trong đó, ngành đã đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỷ USD, đồng thời, dự kiến năm 2020 đạt 13 tỷ USD, chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và chiếm trên 26% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Từ đây, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng là những thành quả mới đã thể hiện rõ trong những năm qua.

Cùng với việc mang lại giá trị xuất khẩu lâm sản cao, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện hiệu quả về xã hội hóa nghề rừng và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hàng triệu hộ gia đình, cộng đồng dân cư được giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Với việc cả nước có trên 5.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, đã thu hút hàng triệu lao động tham gia sản xuất.

Bên cạnh đó, diện tích rừng cả nước cơ bản tăng đều qua các năm và đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 42% vào năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu cơ bản được Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định. Đồng thời, đóng cửa khai thác gỗ toàn bộ 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 4,6 triệu ha.

Thứ nữa, nhiều chính sách quan trọng liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính đã được ngành Lâm nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện ở nhiều chương trình, dự án trên phạm vi cả nước; chủ động, tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường

Ngành Lâm nghiệp Việt Nam hướng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường (Ảnh minh họa: QH)

            Vườn ươm cây giống phục vụ cho công tác trồng rừng (Ảnh: QH)

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với thế và lực mới, nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ và đứng trước yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ngành Lâm nghiệp xác định sẽ có nhiều nhiệm vụ cần triển khai thực hiện.

Do vậy, toàn ngành Lâm nghiệp xác định, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo để thực hiện khát vọng chung của Lâm nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới: “Lâm nghiệp Việt Nam hiện đại và sáng tạo, phát triển hài hòa và bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Để đạt được khát vọng đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trước mắt, ngành sẽ tập trung rà soát Quy hoạch phát triển Lâm nghiệp Quốc gia, Chiến lược phát triển ngành cùng với tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ bản để duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%. Tập trung nuôi dưỡng, phục hồi, làm giàu rừng rự nhiên, nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng, tăng 20% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030 so với hiện nay.

Đi cùng với đó, đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ lâm sản với khoảng 40 triệu m3 vào năm 2025, 50 triệu m3 năm 2030 để chủ động cho công nghiệp chế biến gỗ lâm sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Thiết lập, quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất các loại rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp, đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp. Phấn đấu thu từ dịch vụ môi trường rừng và lâm sản dược liệu dưới tán rừng tăng gấp 2 lần vào năm 2025 và tăng gấp 3 lần vào năm 2030 so với năm 2020.

Đặc biệt, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5- 5,5%/năm, ổn định đến năm 2030; kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho hàng triệu người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh./.

Phản hồi

Các tin khác