(ĐHXIII) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định sẽ phát huy, kế thừa truyền thống tốt đẹp, tiếp tục đổi mới, phát triển để luôn là một địa chỉ tin cậy, một thương hiệu mạnh trong đào tạo nhân lực khối ngành điều dưỡng trong nước và khu vực.
Ngày 15/11, tại Nam Định, trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế dự và thừa uỷ quyền của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà trường.
Tiền thân là Trường Y sĩ Nam Định được thành lập năm 1960, hiện trường Đại học Điều dưỡng Nam Định có 5 khoa: Điều dưỡng Hộ sinh, Y học lâm sàng, Y học cơ sở, Khoa học cơ bản, Y tế công cộng và 12 phòng chức năng, 3 Trung tâm, 1 Thư viện, 1 Bệnh viện thực hành với tổng số 317 cán bộ viên chức, trong đó số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 50%.
|
Thừa uỷ quyền của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho lãnh đạo trường Đại học Điều dưỡng Nam Định.
(Ảnh: Nguyễn Nhiên)
|
Hiện tại, nhà trường đang đào tạo 3.440 học viên, sinh viên trình độ đại học và sau đại học. Chương trình đào tạo của trường được xây dựng theo hướng đổi mới, chú trọng hình thành năng lực nghề nghiệp cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
Từ năm học 2012-2013, nhà trường được Bộ Y tế cho phép đào tạo 6 chuyên ngành: Điều dưỡng nội người lớn, Điều dưỡng ngoại người lớn, Điều dưỡng Sản phụ khoa, Điều dưỡng Nhi, Điều dưỡng Sức khỏe tâm thần, Điều dưỡng cộng đồng. Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo các lớp cấp chứng chỉ chuyên khoa: Điều dưỡng Hồi sức cấp cứu, Phục hồi chức năng, Quản lý điều dưỡng, Chuyển đổi điều dưỡng...
Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà trường đã và đang từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tiếp thu những kỹ thuật tiên tiến và gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo kiến thức với đào tạo thực hành tay nghề, chú trọng đào tạo thái độ và tinh thần phục vụ người bệnh, với những cam kết mạnh mẽ về chất lượng đầu ra đáp ứng được các chuẩn năng lực của một người điều dưỡng, hộ sinh trong tình hình mới, không những thành thạo tay nghề, mà còn cần tinh thần, thái độ làm việc tốt.
"Từ ngôi trường này, hơn 50.000 cán bộ y tế đã được đào tạo với chuyên môn giỏi và hết lòng vì người bệnh; nhiều người đã trở thành những thầy thuốc ưu tú, những nhà quản lý, những con người tiên phong trên lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng mong muốn Nhà trường sẽ phát huy và kế thừa các truyền thống tốt đẹp, những thành công đã đạt được, tiếp tục đổi mới, phát triển để luôn là một địa chỉ tin cậy, một thương hiệu mạnh trong đào tạo nhân lực khối ngành điều dưỡng trong nước và khu vực.
Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế đã có sự phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội đồng nhà trường trong việc xây dựng các chiến lược, định hướng phát triển, cơ cấu tổ chức và các kế hoạch hoạt động của nhà trường về tuyển sinh, đào tạo, quản lý, đầu tư; Tập trung đẩy mạnh tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, hướng tới hội nhập theo chuẩn quốc tế, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực y tế chất lượng cao được quốc tế công nhận; Triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nội dung như đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo nhằm phát triển hài hòa năng lực và phẩm chất của người cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế công việc; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.
Cùng với đó, Nhà trường cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, tập trung vào khoa học ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn của hệ thống y tế và khoa học sức khỏe; thúc đẩy hợp tác liên, chuyên ngành và hội nhập thông qua các công trình khoa học quốc tế; áp dụng các ứng dụng về các phương pháp, kỹ thuật mới trong chăm sóc y tế và các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đào tạo.
Tập trung việc giáo dục, nâng cao đạo đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với sinh viên của trường để đào tạo một thế hệ cán bộ y tế vừa giỏi chuyên môn vừa có y đức; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên và sinh viên nhà trường.../.
Đỗ Thoa