Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT tặng hoa chúc mừng BCH Chi bộ Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ GTVT nhiệm kỳ 2020 - 2022.
|
Cơ hội phát triển nguồn nhân lực
Nhu cầu sử dụng nhân lực trong thời kỳ CMCN 4.0 có sự thay đổi căn bản toàn diện, theo hướng lao động chưa qua đào tạo, không có chuyên môn, bằng cấp chứng chỉ, kỹ năng làm việc thì nguy cơ sẽ có ít việc làm hơn. Ngược lại, việc làm cho lao động đã qua đào tạo có kỹ năng, tay nghề, sử dụng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, internet, tự động hóa,... sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 sẽ tạo ra một thị trường lao động rộng mở, xóa nhòa ranh giới, khoảng cách, không gian. Người lao động có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận, lựa chọn việc làm phù hợp. Cùng một thời điểm, họ có thể tham gia làm nhiều công việc với nhiều chủ sử dụng lao động ở nhiều nơi khác nhau. Cơ hội việc làm rộng mở cho những đối tượng có chuyên môn đào tạo, năng lực, trình độ phù hợp ứng yêu cầu/nhu cầu của thị trường lao động.
Điều đó cũng đồng nghĩa với người lao động và doanh nghiệp trong ngành GTVT không chỉ phải cạnh tranh quyết liệt trong nội bộ ngành và ngành nghề khác trong lãnh thổ Việt Nam mà phải cạnh tranh với lực lượng nhân lực, doanh nghiệp của các nước khác. Ví dụ như nhân lực trong lĩnh vực hàng không (tiếp viên, phi công,...) lĩnh vực hàng hải (thuyền viên hàng hải,...) hiện nay có rất nhiều lao động nước ngoài đang làm việc trên đội tàu bay, tàu biển Việt Nam,...
Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển nguồn nhân lực, Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) đã khẳng định con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật, Bộ GTVT luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Từ năm 2011, Bộ GTVT đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có 12 giải pháp tổng thể, toàn diện phát triển nguồn nhân lực. Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thực hiện Quy hoạch và chỉ đạo của Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, trong đó bổ sung các nội dung đào tạo để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn phát triển của ngành GTVT.
Sau 9 năm thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, Quy hoạch phát triển nhân lực ngành GTVT, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Nổi bật là nhận thức của các cơ quan, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với sự phát triển của quốc gia, ngành ngày càng được nâng cao, nhiều cơ quan, đơn vị thực sự coi trọng công tác phát triển nhân lực, xác định và lựa chọn nhà lực là khâu đột phá trong đường hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trung và dài hạn.
Công tác đào tạo, phát triển nhân lực ngành GTVT đang từng bước chuyển viên theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong giai đoạn 2016 - 2019, các cơ sở đào tạo của Bộ GTVT đã đào tạo được 232.353 người, trong đó Đại học có 38.691 người; Cao đẳng có 14.000 người, Trung cấp có 18.818 người; Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên là 152.738 người; bồi dưỡng, đào tạo lại hàng năm trên 1.360 lượt cán bộ, công chức, viên chức;...
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã được triển khai thực hiện; môi trường cho việc hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực phục vụ cho cuộc CMCN 4.0 ngày càng rộng mở, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, góp phần thúc đẩy, phát triển nhanh đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành GTVT và đất nước.
Công tác quản lý nhà nước về phát triển, sử dụng nhân lực đã có những cải cách theo hướng hội nhập, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Bộ GTVT đã đẩy mạnh cơ chế phân cấp trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ sở giáo dục - đào tạo, đồng thời từng bước thực hiện tách bạch về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước với cung ứng dịch vụ công; công tác thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã trở nên thực chất hơn dựa trên đánh giá, nhận xét khách quan về năng lực chuyên môn cũng như tính hiệu quả, đóng góp của mỗi cá nhân đối với cơ quan, đơn vị, góp phần hạn chế được tình trạng cào bằng, hình thức, qua đó khuyến khích, tạo động lực cho người lao động cống hiến, phát huy.
Những thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhân lực ngành GTVT nói riêng vẫn còn những hạn chế. Chất lượng nhân lực mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn thua kém các nước trong khu vực. Theo đánh giá, xếp hạng của Ngân hàng thế giới, nhân lực Việt Nam xếp thứ 98/118 quốc gia tham gia khảo sát đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017.
Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai công bố tháng 4 năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chỉ số lao động có chuyên môn cao của Việt Nam xếp thứ 81/100 quốc gia/nền kinh tế được khảo sát (trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan).
Nhân lực phục vụ trực tiếp cho CMCN 4.0 mặc dù đang được các cấp, ngành, cơ sở giáo dục - đào tạo, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhưng quy mô còn mỏng, cơ cấu không đồng đều, chất lượng thấp, khó có thể đáp ứng được yêu cầu của CMCN 4.0, đặc biệt còn thiếu nhân lực tay nghề cao, phần lớn các cơ sở đào tạo nhân lực hiện chưa bắt kịp được xu hướng của CMCN 4.0, chưa đào tạo được đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng cung ứng cho thị trường lao động.
Quyết tâm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu Cuộc CMCN 4.0”. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén sáng tạo và tư duy đột phá của Đảng ta. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nội dung này đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể và lâu dài, với hệ thống các giải pháp mang tín đồng bộ, thiết thực và khả thi.
Người lao động và doanh nghiệp trong ngành GTVT phải cạnh tranh với lực lượng nhân lực, doanh nghiệp quốc tế.
Theo lãnh đạo Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ, trên cơ sở thực hiện tổng kết các Đề án, Kế hoạch về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị nghiên cứu xây dựng Đề án, Kế hoạch, Chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đòi hỏi cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thân trọng với một tư duy đột phá và tầm nhìn lâu dài, phù hợp với thực tiễn. Đề án, Kế hoạch, Chiến lược phải xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình và những cơ chế, chính sách tổng thể, trong đó phải xác định rõ quy mô, số lượng và cơ cấu của từng loại nhân lực cho phù hợp với yêu cầu CMCN 4.0.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo phải luôn coi trọng quản lý tốt chất lượng “sản phẩm đầu ra” thông qua các hình thức đánh giá của đơn vị sử dụng lao động, lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo; phải rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Bên cạnh việc dạy kiến thức, cần trang bị cho sinh viên, học viên các kỹ năng cần thiết như: giao tiếp, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, sử dụng công nghệ thông tin, sự sáng tạo, thích nghi, nắm bắt được xu thế phát triển của xã hội,... nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra.
Đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; chuẩn hoá và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hợp tác, trong đó chú trọng hợp tác quốc tế trong đào tạo, thu hút và sử dụng nhân lực nhằm kết nối, thu hút các tầng lớp trí thức, nhân tài; vận động, tôn vinh, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay góp sức vào công cuộc đào tạo, phát triển nhân lực cho quốc gia nói chung và ngành GTVT nói riêng.
Bài, ảnh: KC