Nỗ lực phát triển hiệu quả khoa học và công nghệ

Xác định “con người là nhân tố quyết định”, điểm nổi bật nhất trong phát triển khoa học và công nghệ ở tỉnh Quảng Ninh là Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm phát triển một bước nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ. Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định, đến năm 2020, xây dựng được đội ngũ chuyên gia khoa học và công nghệ có khả năng tư vấn trong các lĩnh vực. Quá trình triển khai, Quảng ninh đã xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Qua đó, thu hút được 18 tiến sĩ, 7 thạc sĩ về công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long. Với mục tiêu là trở thành cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, Đại học Hạ Long đã thành lập các trung tâm nghiên cứu để thu hút cán bộ, giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, góp phần giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để phát triển toàn diện nguồn nhân lực, Quảng Ninh cũng duy trì tốt việc đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho đội ngũ cán bộ, quản lý, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển trong tình hình mới. Đồng thời thu hút, mời gọi các đơn vị tư vấn, chuyên gia tham gia trong quá trình xây dựng, tư vấn, thẩm định các đề án, dự án lớn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh. Các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các sở, ngành, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp được ưu tiên tiếp sức, khích lệ, thông qua các cuộc thi, hội thi, từng bước lan tỏa phong trào sáng tạo trong nhân dân.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ cũng được nâng lên; qua đó giúp tăng cường nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ. Tính đến hết năm 2020, tổng vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2,8%, tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh Quảng Ninh cho khoa học và công nghệ chiếm 5,3%. Các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên, bố trí nguồn lực thích đáng cho khoa học và công nghệ với trên 643 tỷ đồng để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới, khuyến nông, khuyến công. Đặc biệt, thành phố Hạ Long năm 2019 chi trên 431 tỷ đồng cho dự án thành phố thông minh; thành phố Móng Cái trên 60 tỷ đồng xây dựng trung tâm điều hành thành phố thông minh.

Các đại biểu bấm nút ra mắt, vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TL).

Các đại biểu bấm nút ra mắt, vận hành thí điểm

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TL).

Thực tế cho thấy, chủ trương quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ là hướng đi hoàn toàn phù hợp và đang mang lại hiệu quả thiết thực; có tác động đến hoạt động của các ngành, các địa phương ở Quảng Ninh. Điển hình là đối với các doanh nghiệp thuộc ngành than. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than ở Quảng Ninh đã trích lập và chi trên 1.200 tỷ đồng cho quỹ phát triển khoa học, công nghệ và các hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Từ nguồn lực đầu tư này, sản lượng khai thác của các đơn vị ngành than tăng bình quân 14%/năm; tỷ lệ cơ giới hóa tăng 80%, góp phần giảm chi phí trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho công nhân. Tự động hóa được áp dụng triệt để, từng bước giảm thiểu nhân lực và tăng độ an toàn lao động ở các khai trường. Tiêu biểu như hệ thống băng tải giếng chính Mạo Khê giảm được 70% nhân lực vận hành; hệ thống tự động hóa nhà máy tuyển than Vàng Danh II giảm được 70% nhân lực; hệ thống tự động hóa trạm quạt gió Công ty Than Núi Béo giảm 50% nhân lực…

Tính chung trong phạm vi toàn tỉnh, việc tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ đã ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Điển hình như việc đưa vào khai thác, vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên diện rộng góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính công trong phục vụ nhu cầu của người dân. Được biết, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh có nhiều ứng dụng di động (app) cho mọi đối tượng thụ hưởng: Qua app di động, các lãnh đạo tỉnh có thể dễ dàng khai thác toàn bộ thông tin từ TTĐH, xem và gửi báo cáo, họp trực tuyến, nắm bắt thông tin trên báo chí và mạng xã hội, thực hiện các công việc quản lý, chỉ đạo, điều hành một cách dễ dàng, thuận tiện thông qua nhiều tiện ích thông minh; App di động giúp cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và chuyên viên văn phòng dễ dàng thực hiện công tác báo cáo, kế hoạch, triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng là một bước tiến lớn, khẳng định rõ vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững ở Quảng Ninh. Đến nay, Quảng Ninh đã thành lập được 2 khu nông nghiệp công nghệ cao về trồng rau và nuôi trồng thủy sản tại thị xã Đông Triều và huyện Đầm Hà. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, huyện Đầm Hà đang phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung liên kết với người dân với quy mô trên 350 ha tại các xã Tân Bình, Quảng Tân và Quảng Lâm của huyện Đầm Hà. Các khu nông nghiệp công nghệ cao được hình thành đã góp phần tạo ra nông sản chất lượng, giá trị kinh tế cao, từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. (Ảnh: Minh Đức).

Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. (Ảnh: MĐ).

Đồng thời, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp đã giúp hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh có quy mô, chất lượng và bảo đảm an toàn. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân cũng tích cực ứng dụng những công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, như công nghệ tưới Israel cho cây chè tại huyện Hải Hà, cho cây dưa Hàn Quốc tại thị xã Quảng Yên... Sản xuất nông nghiệp dần chuyển dịch theo quy trình VietGAP, tiết kiệm nước, sử dụng công nghệ sinh học, giám sát môi trường, gắn với chương trình OCOP.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ, kết quả thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU đã khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong việc phát huy vai trò quan trọng của khoa học công nghệ gắn với xu thế phát triển chung hiện nay. Đồng thời, kết quả đạt được cũng là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục những bước đầu tư phù hợp, hiệu quả trong phát triển khoa học và công nghệ; để khoa học và công nghệ thực sự là động lực góp phần mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Được biết, kiên trì mục tiêu coi khoa học và công nghệ là động lực, then chốt, kim chỉ nam cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành những chính sách, giải pháp mới, qua đó đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ gắn với những “đột phá” mới theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Phản hồi

Các tin khác