Động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)

Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc . (Ảnh: Lý Thắng) 

Ngày 3/10, tại thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực kỷ nhiệm 70 năm Chiến thắng biên giới năm 1950 và giải phóng Cao Bằng (3/10/1950-3/10/2020), chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX.

Trong 2 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả cùng tỉnh Cao Bằng nghiên cứu dự án giao thông cao tốc nêu trên một cách tổng thể và có những nghiên cứu, đề xuất rất quan trọng với điểm đầu tại nút giao khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn); điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả sẽ rút ngắn xuống còn 115 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 29 km) đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km tại 2 huyện Văn Lãng, Tràng Định và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km, gồm các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An và Thành phố.

Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km đi qua 2 huyện: Quảng Hòa, Hòa An và Thành phố; tổng vốn đầu tư dự án giảm còn hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó 47.520 tỷ đồng.

Ngày 10/8/2020, tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

Dự án với quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 20%, ngân sách địa phương 20%, còn 60% là vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng). Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km từ Cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng); giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22 km từ huyện Quảng Hòa đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh) và mở rộng hoàn thiện mặt cắt ngang đoạn còn lại.

Sau khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đi Hà Nội và ngược lại sẽ rút ngắn từ 6 - 7 giờ xuống chỉ còn khoảng 3,5 giờ tham gia giao thông. Dự án tạo ra tuyến cao tốc chạy dọc biên giới Việt - Trung, kết nối vào hệ thống cửa khẩu dọc tuyến, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng kinh tế, sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu 2 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 2020 - 2024 với tổng chiều dài khoảng 93 km, giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025 với 22 km còn lại. Về phương án tài chính của dự án, Chủ trương đầu tư dự án của Chính phủ cũng chỉ ra nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án và nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc và thu phí trên tuyến nối vào thành phố Cao Bằng.

Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn phát biểu tại Lễ động thổ. (Ảnh: Lý Thắng)

 Hiện nay, UBND tỉnh đã lên kế hoạch triển khai ngay các công việc khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa vật lý; tiến hành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lập hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng cho từng địa phương để quản lý quy hoạch, trích đo giải thửa. Đồng thời UBND tỉnh mời đối tác từ Cộng hòa Liên bang Đức nghiên cứu, khảo sát triển khai thiết kế công trình gắn với nét văn hóa đặc trưng của tỉnh; phối hợp thực hiện kiến trúc cảnh quan một số công trình trên tuyến đường bộ cao tốc đảm bảo ít ảnh hưởng và khai thác tốt nhất giá trị của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Đối với 2 tiểu dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gồm, đường giao thông Đoỏng Lẹng - thị trấn Đông Khê và Thụy Hùng - Vân Trình đều thuộc địa bàn huyện Thạch An sẽ đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân, đồng thời phục vụ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng khác được thuận lợi, trong đó có phục vụ xây dựng tuyến cao tốc. 2 tiểu dự án sẽ kết nối vùng giáp ranh, tạo điều kiện giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực hoàn thiện mạng lưới giao thông vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng với tầm nhìn đến năm 2030./.

Phản hồi

Các tin khác