Quảng Trị phấn đấu năm 2030 vào nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu cả nước

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Quảng Trị đề ra 5 quan điểm và định hướng, đặc biệt nhấn mạnh việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động bền vững, hiệu quả; ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nổi trội để tạo đột phá; xây dựng một số vùng kinh tế động lực trở thành cực tăng trưởng thúc đẩy và lan tỏa đối với nền kinh tế của tỉnh; Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có tâm huyết, khát vọng xây dựng quê hương phát triển.

Về định hướng đột phá chiến lược cho giai đoạn tới, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị xác định dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch; trong đó nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá cho sự phát triển, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị nằm trong nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng.

Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Với chủ trương xuyên suốt đã xác định trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và hướng tới giai đoạn 2020 - 2025 là biến những bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trước hết tập trung phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp năng lượng điện khí và năng lượng tái tạo, được xác định là một trong ba trụ cột (cùng nông nghiệp và dịch vụ - du lịch) phát triển chủ yếu của tỉnh trong thời gian tới, quyết tâm xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền trung vào năm 2030.

Ðể thực hiện được chủ trương này, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên từ mỏ Báo Vàng và mỏ Kèn Bầu, dự án điện gió, điện mặt trời. Tại Quyết định số 60/QÐ-TTg ngày 16/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035", Quảng Trị có các dự án đầu tư, bao gồm: Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị; hệ thống đường ống thu gom các mỏ từ Lô 105-110 và Lô 111-113 kết nối với đường ống Báo Vàng - Quảng Trị và Nhà máy xử lý khí tại Quảng Trị.

Với khát vọng đổi mới, sáng tạo, phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025, Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu nhiệm kỳ tới: "Tăng cường xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước".

Quan điểm phát triển là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ số để tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 85 đến 90 triệu đồng. Ðến năm 2030, nằm trong nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng. Ðể cụ thể hóa tầm nhìn và các mục tiêu đó, Ðảng bộ Quảng Trị xác định phát triển dựa trên ba trụ cột chính, đó là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch.

Tỉnh Quảng Trị tiếp tục khơi dậy tiềm năng, biến bất lợi thành lợi thế, tập trung vào các mũi nhọn là phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ và du lịch. Chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phát huy lợi thế Hành lang kinh tế đông - tây, kết nối với các nước trong khu vực có chiến lược phù hợp để phát triển Khu kinh tế đông - nam, nhất là cảng biển Mỹ Thủy.

Ðồng thời, xác định tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thật sự "của dân, do dân, vì dân"; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nâng cao chất lượng dân số; chú trọng chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Trị. Song song với đó là bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ở những địa phương ít có lợi thế cạnh tranh như Quảng Trị, bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại thì cải cách thủ tục hành chính một cách thiết thực, hiệu quả và thân thiện hơn địa phương khác sẽ có ý nghĩa quyết định và chỉ có như vậy mới tạo thêm được lợi thế cạnh tranh mới để thu hút đầu tư mà điều đó không mất nhiều nguồn lực, chỉ đòi hỏi ở ý chí quyết tâm và tâm huyết của lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu của mỗi địa phương, đơn vị./.

Phản hồi

Các tin khác