|
Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển kinh tế vì sự phát triển xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân (Ảnh: vinhphuc.gov.vn) |
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quyết liệt trong đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; củng cố, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính; kế thừa, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh chính trị, năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đặc biệt, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, dân chủ, chắc chắn, có bước đi thích hợp. Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá.
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt quan điểm phát triển toàn diện, phát triển hài hòa trên cả ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường, lấy sự ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững là mục tiêu xuyên suốt; trong đó phát triển công nghiệp là nền tảng, động lực của nền kinh tế; tập trung phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện.
Cùng với đó phát huy lợi thế của tỉnh nằm trong vùng 3 quy hoạch. Phải đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhờ sự tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, 5 năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng, tăng gấp 1,56 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt cao, trong đó thu nội địa luôn đứng thứ hạng cao của miền Bắc và cả nước; chi ngân sách cơ bản đáp ứng nhiệm vụ của tỉnh. Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là động lực cho phát triển kinh tế; sản phẩm ô tô, xe máy, điện tử tiếp tục là sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó linh kiện điện tử trở thành sản phẩm chủ lực mới. Các ngành dịch vụ phát triển ổn định, chất lượng được nâng lên. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều tiến bộ; sự hợp tác với các địa phương trong vùng được củng cố, tăng cường. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản được quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực. Ba đột phá chiến lược được thực hiện có hiệu quả.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao. Các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và có sự chuyển biến lớn. Giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng ổn định ở mức cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm thường xuyên, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến. Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông được triển khai có hiệu quả. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng; công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ, chính quyền điện tử từng bước được triển khai. Công tác bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu được được chú trọng.
Quốc phòng được giữ vững, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng và đạt kết quả rất tích cực. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và đi vào thực chất.
Phát huy dân chủ, xây dựng chính quyền, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân được quan tâm, chú trọng. Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đổi mới, hiệu quả nâng lên.
Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; Chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc; phát triển đô thị theo hướng hiện đại, có bản sắc gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức lại các cơ quan xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung, đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên tất cả các mặt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở./.