Hà Giang tiếp tục đổi mới và phát triển

Hình ảnh tại phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (Ảnh: M.P)

Nhiều chuyển biến tích cực

Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI, trình Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Giang đã tiếp tục phát triển khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Về kinh tế - xã hội, sức cạnh tranh, quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Về chính trị - xã hội, Hà Giang duy trì tốt sự ổn định, biên giới chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quốc phòng - an ninh được củng cố. 

Là tỉnh có vị trí địa chính trị, chiến lược đặc biệt quan trọng - địa đầu cực Bắc Tổ quốc, trong suốt 5 năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã nỗ lực, quyết tâm cao, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, giành được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực, với 36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt mức 6,8%, mức khá so các tỉnh trong khu vực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng/người, tăng 57,4% so năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Cụ thể, tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm từ 36,4% đầu nhiệm kỳ xuống còn 30,3%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,5% lên 25,7%; thương mại - dịch vụ tăng từ 42,1% lên 44%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn 2015 – 2020 ước đạt hơn 44.694 tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn 2010 - 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 10.665 tỷ đồng, bình quân hằng năm thu 2.133 tỷ đồng, trong đó năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2% so năm 2015.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được chú trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang” được triển khai nghiêm túc, trở thành nội dung thường xuyên, quan trọng trong các kỳ sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức Đảng và của cả hệ thống chính trị. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo.

Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Giang và quy hoạch các khu du lịch, quy hoạch huyện, thành phố và Cao nguyên đá Đồng Văn. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu trước hai năm, và thành phố Hà Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ước đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, 100% các xã có đường ô-tô đến trung tâm, các thôn cơ bản có đường xe cơ giới đến trung tâm. 

Tỉnh cũng tập trung phát triển du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm, lượng khách quốc tế đến tỉnh ngày càng tăng. Nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai, đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng thuận cao, cả hệ thống chính trị vào cuộc, như: Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo thực hiện vượt mục tiêu với 3.336 nhà đã hoàn thành; xã hội hóa xây dựng Quỹ Khuyến học, khuyến tài với cam kết hỗ trợ trên 52 tỷ đồng… Quốc phòng – an ninh được bảo đảm, giữ vững đường biên, mốc giới. Tăng cường công tác đối ngoại trên tinh thần “hòa bình, hữu nghị, hợp tác” với Trung Quốc và mở rộng đối ngoại với các nước khác, nhất là các nước có nguồn vốn ODA, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong công tác xây dựng Đảng, theo đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh, chỉ đạo tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách và triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, gắn với điều kiện thực tế của tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc, đặc biệt cán bộ dân tộc ở cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ nữ đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ tại cơ sở, từ đó có nguồn cán bộ cho tỉnh và Trung ương. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm vi phạm. Thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII. Công tác dân vận tạo được sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc.

Bên cạnh việc đánh giá, tổng kết các thành tựu đạt được, dự thảo Báo cáo Chính trị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, có 12 chỉ tiêu không đạt như Nghị quyết nhiệm kỳ 2016-2020, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng, như: Liên kết sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu; hiệu quả của kinh tế hợp tác xã, trang trại, mô hình hợp tác xã kiểu mới, tiềm năng, lợi thế kinh tế rừng chưa được khai thác; khai thác tài nguyên, chế biến khoáng sản chưa hiệu quả, công nghệ kém; một số dự án thủy điện triển khai chậm; quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản còn nhiều bất cập; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường xuống cấp chậm được sửa chữa, nâng cấp; cơ chế, chính sách, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng động lực chưa mang lại hiệu quả thiết thực; các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại chưa hiệu quả, việc thực hiện một số thỏa thuận hợp tác còn chậm, quan hệ hợp tác về kinh tế với các đối tác quốc tế chưa thật sự đem lại hiệu quả, nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế còn thiếu và yếu; việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy có nơi, có mặt còn hạn chế; một số chỉ thị, nghị quyết triển khai chậm; việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ, đảng bộ còn yếu với nhiều hạn chế…

Đại biểu dự phiên trù bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. (Ảnh: P.V)

Sẵn sàng cho một kỳ đại hội thành công

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII có chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chăm lo đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; đưa kinh tế - xã hội Hà Giang phát triển nhanh và bền vững”.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, muốn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh thành công phải chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Vì vậy phải sâu sát, thực hiện đúng Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Tỉnh ủy chọn Đảng bộ xã Linh Hồ (Vị Xuyên) để tổ chức Đại hội điểm Đảng bộ cấp cơ sở; đại hội diễn ra trong thời điểm xảy ra dịch bệnh dịch COVID – 19, vì vậy tỉnh đã sáng tạo, tổ chức đại hội trực tuyến đến 205 điểm cầu trong tỉnh để 100% các xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố theo dõi, rút kinh nghiệm. Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh được chọn làm điểm cấp trên cơ sở của tỉnh và Quân khu 2 cũng được tổ chức trực tuyến đến các huyện, thành phố và các tỉnh thuộc Quân khu 2. Đây là thành công lớn trong công tác chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng các cấp của tỉnh.

Ngoài ra, việc lãnh, chỉ đạo xây dựng các văn kiện Đại hội phù hợp thực tiễn, mang định hướng chiến lược; làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình cũng là một thành công. Đến giữa tháng 8, toàn bộ các Đảng bộ cơ sở và trên cơ sở tổ chức xong đại hội và thành công tốt đẹp. Hiện, các cấp ủy đang chỉ đạo đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống. 

Thành công của đại hội cơ sở và cấp trên cơ sở là căn cứ để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chuẩn bị kỹ các nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghiêm túc tiếp thu đầy đủ kết luận của Bộ Chính trị, đóng góp của bộ, ban, ngành Trung ương và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau 10 lần dự thảo, các văn kiện trình đại hội đã hoàn thành. Phương án nhân sự được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm khách quan, đúng quy hoạch, các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, phù hợp định hướng, không chỉ chuẩn bị cho giai đoạn 2020 – 2025 mà có tầm nhìn đến năm 2030 và 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Các văn kiện và phương án nhân sự được Bộ Chính trị đánh giá cao và thông qua.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chia sẻ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội, mục tiêu đến năm 2025, Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Với một số chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cao nhưng có cơ sở khoa học và thực tiễn như: tốc độ tăng trưởng 8%/năm; thu ngân sách đạt 4.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm; có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%... 

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ, như: tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang”; tiếp tục quan tâm, chăm lo đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ dân tộc, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, các già làng, trưởng bản, người có uy tín, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc; tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII, tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng. Chú trọng xây dựng các khu vực phòng thủ, đảm bảo quốc phòng an ninh, gắn với mở rộng quan hệ đối ngoại. 

Đồng thời xác định ba đột phá: xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông toàn diện, liên thông; phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặt mục tiêu cuối nhiệm kỳ thu hút khách du lịch đạt ba triệu lượt; tạo sinh kế để nhân dân thoát nghèo bền vững, với những đề án, chương trình, chính sách để người dân có điều kiện phát triển và làm giàu trên chính mảnh đất của mình nơi địa đầu Tổ quốc.

Chiều 15/10, tại Hội trường Tỉnh ủy, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã tiến hành phiên trù bị, thông qua một số nội dung chuẩn bị cho Đại hội chính thức khai mạc vào sáng 16/10. Dự phiên trù bị Đại hội có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban Đảng Trung ương và trên 300 đại biểu chính thức đại diện cho trên 70 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Tại phiên trù bị, Đại hội đã nghe thông qua dự kiến chương trình Đại hội. Theo dự kiến, Đại hội sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ chiều 15/10 đến hết ngày 17/10. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; kiểm điểm sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 5 năm 2020-2025 và bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong phiên trù bị, các đại biểu đã biểu quyết bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu. Nghe quán triệt quy chế làm việc của Đại hội, Quy chế bầu cử trong Đảng và thông qua danh sách chia tổ đại biểu thảo luận tại Đại hội.

Theo chương trình, phiên chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được khai mạc trọng thể vào sáng ngày 16/10.

Phản hồi

Các tin khác