Hòa Bình: Dấu ấn một nhiệm kỳ
Tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình hoàn thiện và đưa vào sử dụng góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. (Ảnh: baohoabinh.com.vn) 

Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015-2020), với 18/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết; vượt qua thách thức, khó khăn, giành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trong đó đáng chú ý có 6 thành tựu nổi bật, góp phần tạo nền tảng vững chắc để tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã cao nhất cả nước

Nhiệm kỳ qua, việc đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị được tỉnh Hòa Bình thực hiện quyết liệt, sáng tạo, với quyết tâm chính trị cao. Qua quá trình lịch sử để lại, Hòa Bình có những xóm, thôn, bản, tổ dân phố chỉ có hơn 10 hộ dân, nhưng cơ cấu tổ chức vẫn có chi bộ đảng, chính quyền, ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể,... gây cồng kềnh, lãng phí ngân sách nhà nước. Với quyết tâm kiện toàn lại thôn, xóm, tổ dân phố, trong năm năm, Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn với thực hiện tinh giản biên chế; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, lãnh đạo triển khai thực hiện nhập, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện và 59/210 đơn vị hành chính cấp xã (bằng 28% tổng số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh), đạt tỷ lệ giảm cao nhất so với các địa phương. Riêng việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện đã giảm số chi thường xuyên tính đến năm 2020 là 170,410 tỷ đồng.

Nhận định về hiệu quả từ việc sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính ở Hòa Bình, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng nên từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng giúp cho việc tổ chức sắp xếp được thuận lợi, đạt kết quả cao. Đến nay, 100% các tổ chức cơ sở đảng đã hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm tiến độ và chất lượng, cơ cấu nhân sự. Những vị trí chủ chốt đã được lựa chọn xứng đáng, có uy tín và tín nhiệm cao trong nhân dân. Đó là minh chứng cho sự đồng lòng, thể hiện sự thống nhất, đoàn kết của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Một trong những chỉ số đánh giá mức phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ qua là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 63,8 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015; cao hơn trung bình vùng trung du và miền núi phía bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Đăc biệt, với sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh và thấp nhất so với các tỉnh khu vực miền núi Tây Bắc, từ 24,38% năm 2015 xuống còn 8,56%  vào năm 2020, bình quân giảm 3,16%/năm. Tuy nhiên, do tỷ lệ này vẫn cao hơn so với toàn quốc nên trong nhiệm kỳ tới Hòa Bình tiếp tục phấn đấu để đến năm 2025 đạt mức trung bình của cả nước.

Qua đánh giá, trong năm năm, kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hằng năm đạt 7,59%; quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt khoảng 55.000 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đến hết năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 45,58% (công nghiệp chiếm 38,89%), dịch vụ chiếm 29,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,98%, thuế sản phẩm 5,12%. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao, bình quân 28,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm tăng 26,3% (năm 2015 là 282,5 triệu USD, năm 2019 là 790,84 triệu USD).

 Nông dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) sản xuất chè theo vùng tập trung, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Đứng đầu các tỉnh Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới

Hòa Bình đứng thứ ba trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Nghị quyết 830/NQUBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, đến cuối năm 2020, Hòa Bình có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Năm 2018, thành phố Hòa Bình là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt kế hoạch trước hai năm. Năm 2019, huyện Lương Sơn về đích NTM, vượt kế hoạch trước một năm. Trong năm 2020, huyện Lạc Thủy phấn đấu về đích xây dựng NTM.

Nhờ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, từ năm 2016 - 2019, Hòa Bình đã có thêm 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế đến cuối năm 2019, tổng số xã về đích nông thôn mới là 88 xã (chiếm 46% tổng số xã). 44,3% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành trước 01 năm thực hiện nhiệm vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng phấn khởi là nhiều tiêu chí khó do cần nguồn lực lớn đã được nhiều xã nỗ lực đạt được như các tiêu chí về giao thông, thuỷ lợi, điện; hạ tầng thương mại; thu nhập; tổ chức sản xuất…

Thực tế cho thấy, tỉnh Hoà Bình khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn, trở ngại do điểm xuất phát của các xã thấp. Đánh giá được khó khăn, thách thức và xác định rõ quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hoà Bình luôn sát sao lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình. Các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc với quyết tâm chính trị cao. Nhờ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng; cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Xây dựng nông thôn mới được phát triển theo đúng quy hoạch và đề án đã ban hành. Nhận thức của người dân về vai trò chủ thể được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển; …

Phát triển nông nghiệp an toàn, giá trị và bền vững

Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt khoảng 4,1%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Trong 5 năm đã chuyển đổi được gần 18 nghìn ha đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Mở rộng diện tích nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn... trong đó nhóm cây ăn quả có múi tăng từ 4,2 nghìn ha năm 2015 lên trên 11,2 nghìn ha vào năm 2020. Đặc biệt, Hòa Bình đã chuẩn hóa 50 sản phẩm lợi thế của tỉnh đạt tiêu chuẩn ba sao và bốn sao theo Chương trình OCOP, 24 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm lợi thế như cam, quýt, bưởi, mía tím, rau hữu cơ, gà đồi, lợn bản, dê núi đá, cá sông Đà, mật ong… Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap, được cấp nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Trong đó, nổi bật là cam Cao Phong với khoảng 1.018,34 ha được cấp chứng nhận VietGAP, được người tiêu dùng cả nước biết đến, trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế. Hoà Bình cũng đã hình thành hàng chục chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, cung ứng hơn 10 triệu tem truy suất nguồn gốc. Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tỉnh còn tổ chức thường xuyên Lễ hội cây ăn quả có múi, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng của tỉnh Hòa Bình… nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm.

Lễ hội khai hạ Mường Bi (Tân Lạc, Hòa Bình). (Ảnh: Hồng Duyên/Báo Nhân Dân) 

Lần đầu tiên người Mường có bộ chữ viết chính thức

Mục đích đưa Bộ chữ Mường vào đời sống dân tộc Mường, khẳng định Bộ chữ là chữ viết chính thức của dân tộc Mường, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc Mường tại tỉnh. Nằm ở cửa ngõ Thủ đô và vùng Tây Bắc, Hòa Bình hiện có 74% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm tỷ lệ 63,3%. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc. Các thế hệ người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này.

Xác định Mo Mường là di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra nhiệm vụ: Tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trên cơ sở đó, Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: ban hành Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường; thành lập các CLB Mo Mường; thành lập Ban Chỉ đạo mo Mường Hòa Bình; tổ chức gặp gỡ, biểu dương các nghệ nhân mo… Đặc biệt, công tác sưu tầm, biên soạn tài liệu, nghiên cứu giá trị đặc sắc của mo Mường được quan tâm; khôi phục các lễ hội truyền thống, tạo môi trường thuận lợi để thực hành, tuyên truyền, quảng bá giá trị của mo Mường đến nhân dân, du khách. Hàng năm, lập hồ sơ xem xét công nhận nghệ nhân mo Mường đạt danh hiệu nghệ nhân ưu tú theo quy định...

Đến nay, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu này đã có những tín hiệu vui trên đường tới di sản văn hóa thế giới, bản sắc văn hóa dân tộc Mường đang từng bước được phát huy và khẳng định rõ nét. Mo Mường và nghệ thuật Chiêng Mường được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Mo Mường Hòa Bình được Chính phủ lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đáng chú ý, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng bộ chữ Mường, bộ tài liệu dạy và học chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình; lần đầu tiên người Mường tỉnh Hòa Bình có bộ chữ viết chính thức.

 Băng rôn, cờ hoa chào mừng ĐH Đảng bộ các cấp trên phố Chi Lăng, TP Hòa Bình (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Mở cánh cửa thuận lợi kết nối Thủ đô

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, những đổi thay trong lĩnh vực hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ qua. Sau gần 2 năm đi vào khai thác, sử dụng, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Hòa Bình cũng như các tỉnh Tây Bắc. So với trước đây, khoảng cách từ TP Hòa Bình về Hà Nội đã rút ngắn trên 20 km, đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 1 giờ đồng hồ di chuyển. Nhờ đó, tuyến đường đã kết nối Hòa Bình gần hơn với vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nên được ví như “mở cánh cửa thuận lợi kết nối Thủ đô”, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, mở ra cơ hội phát triển đô thị, du lịch, thương mại dọc tuyến. Giao thông thuận lợi cũng chính là một trong những điểm cộng giúp Hòa Bình mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư, nhất là đón các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược đến với tỉnh.

Cùng với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, nhiều tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn đã và đang được đầu tư xây dựng, 100% xã đều có đường giao thông đến trung tâm. Trong nhiệm kỳ, Hòa Bình đã phê duyệt quy hoạch 5 cây cầu từ địa bàn TP đến các thôn bản, hiện nay đã khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Hòa Bình 1 và 3, đang thi công cầu Hòa Bình 2 qua sông Đà… Với những kết quả đạt được, diện mạo từ đô thị đến nông thôn tỉnh đến nay đã có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm, đầu tư, hoàn thiện; hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như: điện, trường học, trạm y tế… được quan tâm xây dựng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 11 đô thị, trong đó TP Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí độ thị loại II; thị trấn Lương Sơn và khu vực lân cận được nâng cấp lên đô thị loại IV.

Với tinh thần Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra từ ngày 1 - 3/10 tại Cung văn hóa tỉnh. Quan điểm phát triển cho Hoà Bình trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo là: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội; phát triển toàn diện, lấy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững làm mục tiêu… , cùng với 4 đột phá chiến lược và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Hòa Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Phản hồi

Các tin khác