Tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội

 

Thành ủy Hà Nội lấy ý kiến góp ý của Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Thành ủy Hà Nội lấy ý kiến góp ý của Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, bài bản

Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội là một đảng bộ lớn, với số lượng đảng viên đông, chiếm 1/10 số đảng viên của toàn Đảng. Xác định được vai trò quan trọng của mình đối với cả nước, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy Hà Nội trong quá trình tổ chức đại hội là tinh thần nghiêm túc, khẩn trương và đúng quy định.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thuộc TP Hà Nội được tiến hành chủ động, bài bản, theo đúng quy trình, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy.

Cụ thể, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã có Kế hoạch 155-KH/TU về “Tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội”; đồng thời tổ chức quán triệt đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố, tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn đến các đồng chí Bí thư, Thường trực cấp ủy, Trưởng các ban Đảng của các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy một cách rất cụ thể, chi tiết.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập 16 đoàn công tác, 16 đoàn kiểm tra để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Kế hoạch 155-KH/TU tại các Đảng bộ cấp trên cơ sở. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội, nhất là tại những đơn vị có vấn đề cần quan tâm, có phát sinh phức tạp. Yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc…

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng quyết định lựa chọn 3 đơn vị tổ chức đại hội điểm, 17 đơn vị trực tiếp bầu bí thư; tiến hành rút kinh nghiệm ngay khi hoàn thành các đại hội điểm để các địa phương, đơn vị nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại, lập danh sách 9 quận, huyện, thị ủy có khó khăn, 30 tổ chức cơ sở đảng cần củng cố, 69 đảng bộ xã, phường, thị trấn có vấn đề cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Ban Đảng và Văn phòng Thành ủy thường xuyên quan tâm giúp đỡ các cấp ủy trong từng bước chuẩn bị, đảm bảo chu đáo, nghiêm túc, đúng quy định, góp phần thành công của đại hội.

Không chỉ bảo đảm về tiến độ, các đại hội còn bảo đảm về chất lượng. Trong đó, đại bộ phận các đảng bộ đều chuẩn bị rất kỹ về văn kiện. Trên cơ sở Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm TP Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, các đơn vị đã cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, tình hình đảng bộ mình; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể thông qua việc lấy ý kiến cán bộ lão thành, các ngành, các giới...

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, bài bản, các đại hội đã thành công tốt đẹp, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Đảng, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các đại hội thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng trong các Đảng bộ, thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo nhân dân, tạo động lực mới cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng…

Nhiều kết quả nổi bật

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, công tác chuẩn bị, tổ chức các Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, báo cáo chính trị và hệ thống văn kiện của Đại hội được xây dựng nghiêm túc, thẳng thắn, qua nhiều bước lấy ý kiến, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể; chất lượng cơ bản đảm bảo yêu cầu, nội dung ngắn gọn, đầy đủ, có trọng tâm, bám sát các quy định, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng hoa, chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan TP

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng hoa, chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan TP

Báo cáo kiểm điểm được các cấp ủy chuẩn bị kỹ, nghiêm túc, thẳng thắn, có tinh thần tự phê bình và phê bình, đánh giá khách quan, trung thực; đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của khuyết điểm, yếu kém và rút ra bài học kinh nghiệm.

Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội của cấp ủy là nội dung mới trong nhiệm kỳ đại hội 2020-2025, song đã được chuẩn bị nghiêm túc, rõ phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu; nội dung, giải pháp thực hiện có tính khả thi cao, gắn với phân công “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ."

Công tác tuyên truyền, cổ động được chủ động triển khai, tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn. Qua đó, niềm tin đối với sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, đơn vị được nâng cao.

Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch Đại hội khoa học, mạch lạc, rõ ràng, đúng trình tự, quy định, xử lý tốt một số tình huống phát sinh. Việc tổ chức thảo luận, tham gia các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII được chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo với quỹ thời gian hợp lý.

Các ý kiến tham luận đều thể hiện sự tâm huyết, sâu sắc, trí tuệ, làm sáng tỏ những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của Đảng bộ TP và góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt công tác nhân sự cấp ủy được chuẩn bị chu đáo, đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, tập trung. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, để chuẩn bị tốt cho công tác bầu cử, thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các ban, ngành đã chuẩn hóa về hồ sơ, rà duyệt kỹ theo đúng quy định về bảo vệ chính trị nội bộ đối với 100% nhân sự bầu cấp ủy. Các cấp ủy đều thực hiện nghiêm quy trình 5 bước và bảo đảm cơ cấu trẻ, cơ cấu nữ. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy dành thời gian xem xét kỹ lưỡng, phê duyệt nhân sự 50 đảng bộ theo đúng quy trình. “Chính sự chuẩn bị chất lượng như vậy, tại 50 đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, không có nơi nào giới thiệu thêm nhân sự”, đồng chí Vũ Đức Bảo cho biết.

Ngoài ra, điểm mới đáng chú ý trong quy trình 5 bước là tất cả các vị trí từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đều yêu cầu có số dư. Trong đó, Ban Chấp hành số dư tối thiểu 15%. Các vị trí như Ban thường vụ, Bí thư và Phó Bí thư đưa ra giới thiệu cũng phải có số dư. Như vậy, các đồng chí tham gia Ban Chấp hành tín nhiệm hay không tín nhiệm phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được thực hiện công khai trong quy trình 5 bước và duyệt rất kỹ.

Vì vậy, các đồng chí được giới thiệu tham gia khóa mới đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện và có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ. Cụ thể, số lượng cấp ủy khóa mới là 1.621 đồng chí, Ban Thường vụ 494 đồng chí, tham gia cấp ủy lần đầu là 430 đồng chí; tỷ lệ đổi mới đầu nhiệm kỳ đạt 26,5%; số cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) 179 đồng chí, đạt 110%; cán bộ nữ là 372, đạt 22,9%... Trong số đó, 100% cấp ủy viên có trình độ đại học trở lên; 86,9% có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị. Đối với các Đảng bộ thực hiện bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội (chiếm 34%, cao hơn trung bình cả nước là 9,1%), 17/17 đồng chí được giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Và sau đại hội, toàn thành phố không có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị.

Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra

Cùng với những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức các đại hội, cần được rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Đó là báo cáo chính trị của một số ít cấp ủy chưa đưa ra những giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc; thiếu cân đối giữa nội dung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác xây dựng Đảng; thiếu những giải pháp mang tính đột phá để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đơn vị.Cùng với đó, việc cập nhật, bổ sung một số nội dung mới tại các dự thảo văn kiện cấp trên vào báo cáo chính trị ở cơ sở chưa đầy đủ. Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành có nội dung còn trùng lắp với báo cáo chính trị; chưa thể hiện rõ vai trò của cấp ủy, chưa đi sâu phân tích rõ ưu, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; chưa chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế.

Đáng chú ý, còn có trường hợp cấp ủy viên được giới thiệu tái cử song không trúng cử cấp ủy (24 đồng chí tái cử nhưng không trúng Ban Chấp hành khóa mới, trong đó có 1 Phó Bí thư Huyện ủy, 3 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ)...

Theo Thành ủy Hà Nội, những hạn chế nêu trên cũng chính là những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp. Trong đó, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất ở đây là không được chủ quan, phải bám sát, nắm chắc và dự báo đúng tình hình để có chỉ đạo đúng và trúng mới có thành công, bởi thành công không bao giờ tự đến.

Từ thực tế tham gia vào quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo lấy ví dụ, qua việc thực hiện công tác nhân sự từ cơ sở đến cấp quận, huyện vừa qua đều khẳng định, quy trình 5 bước của nhiệm kỳ này thể hiện khá tốt việc dân chủ nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, công khai. Trong quá trình thẩm định và chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành các cấp thì quy trình này đã phát huy tác dụng. Những nơi nào có cá nhân có những vi phạm: trong hồ sơ, trong thực tế… đều được xem xét, kiểm tra đánh giá một cách khách quan nhất.

Đồng chí Vũ Đức Bảo cũng chia sẻ 3 điểm mới trong cách làm của Hà Nội. Đó là, về công tác chuẩn bị hồ sơ, thẩm định chính trị nội bộ, đánh giá hiện trạng cán bộ, Hà Nội làm rất kỹ, nhất là về kê khai tài sản, thu nhập, con em học nước ngoài và những vấn đề dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm để đảm bảo không đưa vào những đồng chí không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; Thứ hai, Hà Nội thành lập các tổ công tác khảo sát nhân sự để giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp. Từ 151 đồng chí dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ TP qua rà soát cuối cùng còn 81 đồng chí được giới thiệu ứng cử tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Thứ ba, Hà Nội thực hiện quy trình tái cử 5 bước chặt chẽ, rõ ràng, dân chủ. Qua đó, một số đồng chí thành uỷ viên không đủ tiêu chuẩn, điều kiện cũng tự nguyện viết đơn không tham gia tái cử và Ban Thường vụ Thành uỷ cũng không tiếp tục giới thiệu tái cử.

Từ thành công của 50 đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, Hà Nội đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ TP trong những ngày tới.

Từ thành công của 50 đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, Hà Nội đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.

Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, đây là những bài học kinh nghiệm quan trọng trong công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp. Thời gian tới, thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền sâu rộng thành công của đại hội; hoàn thiện chương trình hành động, xây dựng các chương trình công tác toàn khóa; xây dựng các đề án, chuyên đề thực hiện các nhiệm vụ trong báo cáo chính trị và nghị quyết đại hội đề ra. Đồng thời tiếp tục khắc phục  những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, tạo tiền đề quan trọng để hướng tới thành công của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17…

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã đúc rút 6 kinh nghiệm từ công tác tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy cho rằng, phải phát huy mạnh vai trò, trách nhiệm cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách cơ sở. Cấp ủy phải nắm vững các văn bản, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy để chuẩn bị kỹ, đầy đủ các nội dung đại hội; thực hiện tốt tất cả các nội dung của đại hội, tránh tình trạng coi trọng công tác bầu cử mà xem nhẹ các nội dung khác. Quá trình chuẩn bị nhân sự trước, trong và sau đại hội phải quan tâm thực hiện tốt công tác tư tưởng, đánh giá đúng và nắm chắc tình hình cán bộ, sâu sát cơ sở, có giải pháp cụ thể đối với những đơn vị phức tạp…

Đánh giá cao cách làm của Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị, các địa phương trong công tác nhân sự đại hội cần bám sát các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương. Việc đánh giá cán bộ cần thực hiện theo hướng xuyên suốt, đa chiều để bố trí phù hợp, tuy nhiên không vì cơ cấu mà xem nhẹ các tiêu chuẩn, kết hợp hài hòa, hợp lý giữa chuyên môn và đào tạo.

Đặc biệt, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc cần kiểm soát tốt quyền lực, chống chạy chức chạy quyền, vụ lợi cá nhân. Trong quá trình tham mưu, phối hợp trình đề án nhân sự Trung ương, cần thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm quy trình, quy định, tránh để sót người có đức, có tài, nhưng cũng không để lọt người không xứng đáng.

Thành công của các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở cùng với những bài học kinh nghiệm quý sẽ là tiền đề quan trọng để Đảng bộ TP Hà Nội chuẩn bị tốt nhất nhằm tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức 11-13/10 tới đây./.

Phản hồi

Các tin khác