(ĐHXIII) - Chỉ còn 4 ngày nữa Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra. Một trong những nội dung được nhiều cử tri quan tâm là việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào và ai là người có quyền quyết định?
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Chia sẻ vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về Ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021.
Bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc 7h tối cùng ngày
Trong ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố thì việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 7 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.
Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu, đồng thời, đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.
Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Không được tuyến bố kết thúc cuộc bỏ phiếu khi chưa hết giờ
Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà đã có 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 07 giờ tối cùng ngày. Do đó, về nguyên tắc, các Tổ bầu cử, thành viên các Tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.
Về thông tin cử tri quan tâm là sẽ có nhiều nơi được tiến hành bầu cử sớm trước ngày 23/5, đồng chí Bùi Văn Cường cho biết, Điều 72, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định sẽ do Ủy ban bầu cử trình Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Căn cứ đề nghị của Ủy ban bầu cử các địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã cho phép một số khu vực của một số tỉnh, thành phố được tiến hành bỏ phiếu sớm, gồm: Thành phố Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hậu Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An... được tiến hành bầu cử sớm trước ngày bầu cử đã được Quốc hội quyết định vào Chủ nhật ngày 23/5./.
Mỹ Anh