Chú trọng tuyên truyền phù hợp với từng vùng miền
Tại Hội nghị triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nhấn mạnh, để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói riêng.
Hội nghị triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn ảnh: TTXVN
Công tác tuyên truyền góp phần làm cho đồng bào dân tộc thiểu số thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia bầu cử. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền làm cho cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững và thực hiện đúng các nội dung quy định của pháp luật về bầu cử, nhất là các điểm mới về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân...
Công tác tuyên truyền cũng phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục giới thiệu, hiệp thương về các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, các ứng cử viên ứng cử ở vùng dân tộc thiểu số, các quy định về vận động bầu cử trên thực tế và qua các phương tiện thông tin đại chúng; phê phán, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lợi dụng quyền bầu cử, ứng cử, việc khiếu nại, tố cáo xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân; những hành vi vi phạm pháp luật về quyền dân chủ, gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ đại đoàn kết, cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thông tin tuyên truyền phải đúng thể thức, bảo đảm không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình trước, trong và sau bầu cử, chủ động đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực phản động, thù địch về cuộc bầu cử.
Do đó, công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tập trung hướng về cơ sở, phù hợp với đặc điểm tổ chức bầu cử ở vùng này; đặc biệt chú trọng tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào...
Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các thông tin pháp luật có liên quan như: Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; các văn bản hướng dẫn về cuộc bầu cử của Nhà nước, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia.
Các cơ quan cần tuyên truyền các nguyên tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, trách nhiệm cử tri trong quá trình tham gia bầu cử; tuyên truyền về nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri, về tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên, đặc biệt là các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ứng cử viên là người dân tộc rất ít người, ứng cử viên thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn...
Đa dạng hình thức tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 50 km. Huyện có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40% dân số toàn huyện. Những ngày này, khắp các tuyến đường của thị trấn Krông Kmar và trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện dễ dàng bắt gặp băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền những khẩu hiệu như "Cử tri huyện Krông Bông tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026", "Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân!"…
Tuyên truyền, cổ động theo hình thức lưu động ở huyện vùng sâu Krông Bông. Nguồn ảnh: TTXVN
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông cũng đã in các băng, đĩa tuyên truyền bầu cử gửi cho UBND 14 xã, thị trấn; hoàn chỉnh hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, màn hình Led ở trung tâm huyện tuyên truyền sâu rộng về sự kiện trọng đại ngày 23/5 tới. Ngoài ra, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện phát chương trình song ngữ Kinh – Ê Đê tuyên truyền về bầu cử hàng ngày. Theo kế hoạch, cao điểm từ tháng 4 đến ngày 23/5, huyện sẽ tuyên truyền lưu động gồm xe loa cổ động trực quan, triển lãm ảnh, chiếu phim và phóng sự về cuộc bầu cử ở các xã, vào tận buôn đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chương trình buôn vui chơi – buôn ca hát chào mừng cuộc bầu cử.
Còn tại thành phố Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Phạm Tấn Hưng cho biết, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử được Mặt trận các cấp tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống truyền thanh – truyền hình. Ngoài ra, đơn vị đã phát 30.000 tờ rơi tuyên truyền bầu cử cho 248 thôn, buôn, tổ dân phố. Các hình thức tuyên truyền khác như cổ động trực quan, lưu động, đang được thành phố đẩy mạnh thực hiện.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền của Đăk Lăk tập trung vào một số hoạt động như: tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch khẩu hiệu tuyên truyền cuộc bầu cử sang tiếng Ê Đê và đưa thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa, xây dựng chương trình nghệ thuật/chương trình Dạ hội điện ảnh và triển lãm Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ để chào mừng cuộc bầu cử...
Từ chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc bầu cử với những giải pháp linh động, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn. Với các hoạt động tuyên truyền về cuộc bầu cử đang được triển khai, tỉnh Đắk Lắk mong muốn gắn kết các tầng lớp nhân dân hướng về ngày bầu cử, để 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử đạt kết quả cao, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
*Tỉnh Gia Lai cũng đã tăng cường triển khai các nội dung tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức thực tế, phù hợp với văn hóa từng dân tộc. Tỉnh đặc biệt chú trọng tuyên truyền miệng bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Bahnar, Jrai...) để người dân vùng dân tộc thiểu số hiểu được mục đích, ý nghĩa của đợt bầu cử và các thông tin pháp luật có liên quan.
Theo ông Ksor Khiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ia Grai, công tác tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, công tác tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể huyện Ia Grai luôn được chú trọng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có hơn 50% là người Jrai nên công tác tuyên truyền, vận động để triển khai mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử sắp tới xuống các thôn, làng được chú trọng.
Công tác tuyên truyền về vùng dân tộc thiểu số được Ủy ban Bầu cử huyện Ia Grai chú trọng với mục đích để Ngày bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân và đảm bảo người dân đến bầu cử đầy đủ, an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật, bình đẳng, góp phần vào thành công chung của đất nước - ông Ksor Khiếu khẳng định.
Theo đó, tỉnh Gia Lai đã căn cứ theo các hướng dẫn, quy trình bầu cử các cấp đã triển khai để lựa chọn những nội dung phù hợp, thiết thực, dễ nghe, hiểu đồng thời dịch ra hai thứ tiếng: Phổ thông và Jrai để người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các thông tin pháp luật có liên quan như Hiến pháp 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND; các văn bản hướng dẫn về cuộc bầu cử của Nhà nước, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Để công tác tuyên truyền thực sự đạt hiệu quả, Ủy ban Bầu cử các cấp tại tỉnh Gia Lai đã huy động nguồn nhân lực là già làng, người uy tín trong các thôn làng tham gia công tác tuyên truyền miệng kết hợp với các phương pháp trực quan, sinh động như bảng biểu, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi và đọc trên loa phát thanh của thôn, làng, tổ dân phố.
Tại các thôn, làng người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ngoài tuyên truyền miệng tại các cuộc họp cử tri, họp thôn, làng, hình thức tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua loa truyền thanh. Mỗi thôn làng đều có một cụm loa truyền thanh không dây và được phát theo khung giờ cố định theo quy chế hoạt động của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh. Đa số các thôn, làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có người dân tộc thiểu số chiếm trên 50% dân số. Do vậy, UBND-HĐND các xã đã chỉ đạo thành lập Tiểu ban công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, thành lập ở mỗi thôn, làng một tổ tuyên truyền miệng. Các tổ sẽ có trách nhiệm đến tuyên truyền nội dung bầu cử đến tận nhà người dân.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực sự là Ngày hội của toàn dân, đặc biệt là địa phương có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% dân số như Gia Lai, Ủy ban Bầu cử các cấp trên địa bàn tỉnh đã sớm triển khai các nội dung tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa sẽ có những phương pháp tuyên truyền phù hợp với văn hóa dân tộc, khu vực sống, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của từng người dân./.
Quế Anh (tổng hợp)