10 chương trình công tác toàn khóa phải thực sự khẳng định được giá trị trong cuộc sống

Sáng 11/3, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ ba xem xét, thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hội nghị lần thứ ba có ý nghĩa rất quan trọng, là một bước quyết định trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Vì khối lượng công việc lớn, thời gian không có nhiều, đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phát biểu cho ý kiến vào các nội dung trên. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp thu, chỉ đạo tiếp thu, giải trình… Điều quan trọng là 5 năm sau, 10 chương trình công tác phải thực sự khẳng định được giá trị trong cuộc sống, khi đó mới là thành công trọn vẹn của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội.

Về Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc điều chỉnh tiến độ báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ TP một số nội dung quan trọng, như: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy về công nghiệp văn hóa; về các cơ chế, chính sách đặc thù cho công tác cải tạo chung cư cũ…

Đối với 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khoá XVII, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, ngay sau Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội đã sớm ban hành nghị quyết, chương trình hành động và tập trung thực hiện ngay, cụ thể hóa chương trình hành động thông qua thành lập 10 ban chỉ đạo của 10 chương trình công tác lớn do các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Các ban chỉ đạo đã rất tích cực, khẩn trương chỉ đạo cơ quan thường trực xây dựng dự thảo, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tiếp thu ý kiến chuyên gia trong và ngoài thành phố; được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, qua nhiều bước, nhiều vòng.

Khẳng định 10 chương trình công tác phản ánh toàn diện các mặt của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá toàn diện nội dung, hình thức từng chương trình công tác, đặc biệt là đánh giá các chương trình đã bám sát tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế thừa các chương trình nhiệm kỳ trước… “Điểm khác biệt lần này là đi kèm với các chương trình công tác là các kế hoạch, đề án, thậm chí dự án cụ thể để triển khai thực hiện; thực sự là các chương trình hành động”- Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đại biểu được nghe trình bày và thảo luận về Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ TP sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tổ chức phổ biến, quán triệt, học tập, nghiên cứu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, toàn Đảng bộ sẽ triển khai thực hiện 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy khóa XVII, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

Các đại biểu được nghe trình bày 5 tờ trình để thảo luận trong sáng nay. Đó là Tờ trình 01 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”. Chương trình số 01-CTr/TU cũng đề ra 14 chỉ tiêu. Trong đó, tỷ lệ tổ chức Đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 75%, hằng năm kết nạp 9.000-10.000 đảng viên;đến năm 2025, tối thiểu có 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ so với năm 2015, phấn đấu có thêm 20% số lượng thủ tục hành chính được tinh gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí; hằng năm, chỉ số PAPI tăng trung bình ít nhất 5 bậc so với năm trước…

Đối với Tờ trình 04 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới cần thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu… Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

Đối với Chương trình 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025” xác định 3 nhóm chỉ tiêu. Trong đó, 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải được kiến nghị chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; 90% các quyết định, kết luận có hiệu lực pháp luật phải được thực hiện xong theo quy định. Phấn đấu 100% các tố giác, tin báo về tội phạm được xem xét giải quyết đúng quy định... Chương trình số 10-CTr/TU cũng đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, như nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để "không thể tham nhũng”...

Đối với Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025” đề ra mục tiêu là tăng cường phủ kín các quy hoạch phục vụ công tác quản lý trên toàn địa bàn thành phố; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị; kiểm soát chất lượng các đồ án quy hoạch, bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, sát với thực tiễn… Chương trình đề ra 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch xây dựng vùng huyện 100%; tỷ lệ hoàn thành phê duyệt hoặc điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn 100% và xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị…

Hội nghị cũng đã nghe Tờ trình Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025". Đây là chương trình hoàn toàn mới so với các nhiệm kỳ trước. Chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.../.


Phản hồi

Các tin khác