Chọn cán bộ đúng để ít tham nhũng, tiêu cực
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngày 21/12, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khoá IX, nhiệm kỳ 2019-2024, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý vào dự thảo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận năm 2020, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021 và một số dự thảo báo cáo chuyên đề trình Hội nghị.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trước hết phải xây dựng cán bộ

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, điểm nổi bật nhất của công tác Mặt trận trong năm qua là sự tham gia quyết liệt trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng. MTTQ Việt Nam đã chủ động đặt vấn đề, báo cáo với Trung ương, Chính phủ, từ đó tạo được sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ.

Nêu băn khoăn thời gian qua, MTTQ giám sát, phản biện xã hội được nhiều, song chưa đi sâu tham gia với Đảng trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ. Theo ông, thời gian qua có tới 27 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương bị kỷ luật, nhiều người bị khai trừ Đảng, xử lý hình sự. Đáng nói là ở những đơn vị lớn nhất nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, những lãnh đạo đứng đầu, đương chức đều bị kỷ luật. Đây là điều đáng buồn. Từ đó, ông Túc đề nghị đối với công tác cán bộ, cần phải có đóng góp ý kiến của MTTQ theo đúng tinh thần Quyết định 217 năm 2018 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội.

Theo ông Túc, quyết định của Bộ Chính trị quy định MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trước hết phải xây dựng cán bộ”, ông Túc phân tích và đề nghị công khai rằng, nếu có đồng chí nào vào Trung ương khóa này nên công khai danh sách trước đại hội để dân biết và tham gia góp ý. Vì trong thời gian qua, chính nhờ sự góp ý của MTTQ đã phát hiện ra nhiều trường hợp cán bộ cấp cao không đủ tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và sự tàn phá của thiên tai, bão lũ với đồng bào miền Trung, MTTQ Việt Nam đã khơi dậy tình đồng chí, nghĩa tình đồng bào bằng nhiều việc làm cụ thể, huy động không chỉ hệ thống MTTQ các cấp mà còn các tổ chức thành viên tham gia đóng góp ủng hộ bằng tiền và hiện vật.

Đất nước ta phải đối diện với bão lũ, hạn hán hàng năm. Do đó, trong công tác hỗ trợ xây nhà cho người nghèo, người dân vùng lũ cần phải thay đổi cách làm. Cụ thể, mỗi năm MTTQ Việt Nam nên làm một nửa số nhà trong kế hoạch nhưng kiên cố hơn về chất lượng, kéo dài tuổi thọ của công trình để bão lũ không cuốn đi được.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, một thành công của công tác Mặt trận trong năm 2020 đó là sự định lượng được lòng dân thông qua các cuộc vận động, tuyên truyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điển hình, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận giảm giờ làm, giảm nhân công để chấp hành thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh mặc dù việc làm này gây thiệt hại không nhỏ. Mặt khác, bà Châu cũng cho rằng, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được khẳng định qua việc tuyên truyền, vận động lòng dân cũng như công tác giám sát phản biện xã hội.

Để nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam cần được đẩy mạnh thực hiện thông qua việc thể chế hóa các quy định trong luật hay quy định cụ thể định lượng văn bản, tạo cơ chế thi đua khen thưởng, tránh tình trạng trả lời chậm của chính quyền các cấp, từ đó MTTQ Việt Nam các cấp có thể trả lời ý kiến, kiến nghị người dân sớm nhất, tiếng nói của người dân đến các cấp chính quyền và được giải quyết thỏa đáng.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học Giáo dục và Môi trường

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học Giáo dục và Môi trường

Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học Giáo dục và Môi trường cho rằng, thời gian vừa qua, Mặt trận đã góp phần giải quyết được những bức xúc của Nhân dân như làm tốt công tác phòng, chống COVID-19, ủng hộ bão lũ….Tuy nhiên, những bức xúc của Nhân dân về mặt tinh thần thì vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện hơn nữa, vì tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp vẫn còn, vẫn nhiều.

Do đó, GS Dũng đề nghị, Ủy viên Đoàn Chủ tịch có thêm quyền chuyển đơn thư có dấu treo, những đơn thư đáng tin cậy tới các đơn vị có trách nhiệm giống như quyền của Đại biểu Quốc hội. “Nếu làm được điều này, các nhân sỹ trí thức là những Ủy viên Đoàn Chủ tịch có thể giúp Mặt trận có thêm kênh phản ánh bức xúc của Nhân dân để gửi tới các cấp chính quyền”, ông Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

Chọn cán bộ đúng để ít tham nhũng, tiêu cực

Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, năm 2020, đất nước phải đối mặt với những khó khăn khách quan do đại dịch COVID-19, những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán, bão lũ nhưng trong gian khó đó Mặt trận đã có quyết tâm phối hợp với Nhà nước thực hiện tốt các chủ trương của Đảng. Vai trò của Mặt trận đóng góp vào những thắng lợi đó đã góp phần làm Nhân dân tin tưởng hơn, phấn chấn để hướng tới Đại hội XIII của Đảng.

Trong năm 2021, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là sau Đại hội XIII của Đảng, Mặt trận phải suy nghĩ sẽ hành động như thế nào để củng cố lòng tin của người dân tốt hơn.

Theo nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc tổ chức giám sát công khai danh sách cán bộ trước Đại hội là rất tốt nhưng vẫn phải công khai theo nguyên tắc của Đảng trong việc giới thiệu, thẩm định. Trong đó việc thông qua khu dân cư, thông qua cơ quan quản lý cán bộ, thông qua các tổ chức hệ thống giám sát để đánh giá đúng cán bộ khi giới thiệu thì đấy cũng là dân chủ.

Đảng cần tạo điều kiện giám sát cho tổ chức Mặt trận mà cụ thể là các tầng lớp Nhân dân thông qua Hội Cựu Chiến binh, Công đoàn…vì họ biết tất cả những tiêu cực, tham nhũng không những ở cơ quan và còn ở các nơi khác.

Năm 2021 cũng là thời điểm diễn ra bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn bởi lẽ nói cho cùng Đảng lãnh đạo nhưng “tìm người” có phần rất quan trọng của Mặt trận để có danh sách bầu cử. Chức năng của Mặt trận là tổ chức hiệp thương mà nhiệm vụ này không ai thay thế được. Do đó, Mặt trận phải hiệp thương thế nào cho chuẩn để đạt được “mục tiêu kép” chọn được cán bộ đúng để thực hiện nghị quyết tốt đồng thời cũng chọn được cán bộ ít tham nhũng, tiêu cực. “Không phải nói tuyệt đối, nhưng càng làm tích cực bao nhiêu thì dân càng tin vào Mặt trận bấy nhiêu”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nếu Mặt trận làm tốt chức năng ấy sẽ góp phần cho khoá tới có được đội ngũ cán bộ cầm cân nảy mực, cán bộ quản lý được lòng tin của Nhân dân. “Để tìm được những cán bộ như vậy chúng ta phải tổ chức tốt hiệp thương thực chất tránh hiệp thương hình thức. Nhận xét, đánh giá cán bộ cũng phải thực chất chứ đừng vì một điều gì đó mà làm giảm tính thực chất”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, để nâng cao vai trò công tác Mặt trận trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới đa dạng hóa các phương thức vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sự phối hợp, thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, nhất là Ủy viên Ủy ban là chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời tổ chức hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam trong đồng bào các tôn giáo.../.

Phản hồi

Các tin khác