Dấu ấn phát triển kinh tế của Bắc Giang trong nhiệm kỳ vừa qua

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban tổ chức phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh về nội dung này.

Đồng chí Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban tổ chức phục vụ

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX.

Trong nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước

PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong lĩnh vực kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?

Đ/c Lê Ánh Dương: Năm năm qua (2015 - 2020), trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường và biến đổi nhanh chóng, đặc biệt đại dịch COVID-19 diễn biến trên toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng, kinh tế trong nước những năm cuối nhiệm kỳ gặp nhiều khó khăn; song được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư và phát triển, thực hiện đạt kết quả toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện và năng động với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước, tạo lập được các yếu tố cơ bản, đồng bộ để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc trong những năm tới.

Diện mạo, hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn khởi sắc. Sản xuất nông sản xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, ngành nghề nông thôn cũng thu nhiều kết quả.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang còn gặp nhiều thách thức nhưng với sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo đó, Bắc Giang đã có bước tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 14%/năm, nằm trong nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước; quy mô nền kinh tế được mở rộng (tăng gấp 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.000 USD, bằng bình quân chung cả nước, đạt mục tiêu Đại hội, tăng 1.470 USD so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm 57,7% (tăng 15,1% so với năm 2015); dịch vụ chiếm 24,7%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,6%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được tập trung đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những quả cụ thể trên từng lĩnh vực?

Đ/c Lê Ánh Dương: Điểm lại những thành tựu trong nhiệm kỳ qua, có thể thấy: Công nghiệp - xây dựng ngày càng khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 28,8%/năm, vượt xa mục tiêu Đại hội. Hiện tại, toàn tỉnh có 05 khu công nghiệp và 40 cụm công nghiệp, cơ bản đã lấp đầy diện tích. Thu hút đầu tư tăng mạnh, từ năm 2016 đến nay, đã thu hút được là 91.180 tỷ đồng của 1.292 dự án đầu tư trong nước và 6,157 tỷ USD của 464 dự án đầu tư nước ngoài.

 

 Bắc Giang đã có bước tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 14%/năm,

nằm trong nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Hệ thống bán lẻ phát triển rộng khắp các thôn, bản; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 đạt 31.800 tỷ đồng. Xuất khẩu tăng trưởng cao, năm 2020 giá trị xuất khẩu đạt 11,12 tỷ USD, vượt 71% mục tiêu Đại hội. Du lịch từng bước phát triển gắn với lợi thế của địa phương; lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh (tăng bình quân 25%/năm), năm 2019 đón khoảng 02 triệu lượt khách, vượt mục tiêu Đại hội.

Đầu tư trên địa bàn tăng khá. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 230 nghìn tỷ đồng, đạt mục tiêu Đại hội. Đã tập trung ưu tiên đầy tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực, như: Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai IV Hà Nội, ĐT 293 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, cầu Đông Sơn và đường dẫn lên cầu,…Tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống đường huyện, đường xã, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, chỉ trong hơn 02 năm (từ năm 2017  đến năm 2019) toàn tỉnh đã bê tông hóa theo tiêu chuẩn và qua chuẩn 4.231 km. Hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp được quan tâm đầu tư. Mạng lưới điện lực được đầu tư phát triển theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm 18,9%, năm 2020 đạt gấp gần 2 lần mục tiêu Đại hội. Trong đó, tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững từ doanh nghiệp ngày càng tăng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, phát huy lợi thế của mỗi địa phương cùng với các sản phẩm OCOP đang dần khẳng định thế mạnh của Bắc Giang trong bản đồ nông nghiệp cả nước. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp đạt 110 triệu đồng, đạt mục tiêu Đại hội. Đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tiếp tục duy trì vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn là một trong những vùng có quy mô lớn nhất cả nước. Chăn nuôi phát triển đa dạng cả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng đàn lợn và gà đều đứng thứ 4 toàn quốc. Trồng rừng kinh tế phát triển mạnh, nhiều hộ đã làm giàu từ kinh tế rừng.

Xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,4% tổng số xã trong tỉnh, vượt xa so với mục tiêu Đại hội (35-40%), có 03 huyện (Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên) đạt huyện nông thôn mới trước kế hoạch. Hiệu quả mang lại từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến đời sống người dân và diện mạo của vùng nông thôn.

Đặt Bắc Giang trong bối cảnh vận động chung của khu vực

PV: Xin chúc mừng những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế của tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua. Thưa đồng chí, kết quả đó có phải là cơ sở để tỉnh đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ tới Bắc Giang nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP; GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước?

Đ/c Lê Ánh Dương: Trong nhiệm kỳ qua, quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 16 cả nước cho thấy sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Với tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bắc Giang phấn đấu nằm trong 15 tỉnh, TP phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước vào năm 2025.

Chúng tôi nhận thức rõ rằng, “ta tiến 1 bước thì các tỉnh khác có thể tiến 2 bước”. Chúng tôi đặt Bắc Giang trong bối cảnh vận động chung của khu vực, của đất nước để nỗ lực hơn và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Địa phương không xác định là “phát triển nhanh” mà là “phát triển toàn diện, vững chắc” trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị.

Phát triển vững chắc, hài hòa cả trên 3 yếu tố về kinh tế - môi trường - xã hội; không làm mất đi cơ hội cho tương lai; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Quan tâm phát triển cả khu vực nông thôn và thành thị, coi trọng công nghiệp nhưng không bỏ qua nông nghiệp; chú ý đến những đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

 Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì buổi họp thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực của địa phương, sức mạnh tổng hợp của nhân dân, trong giai đoạn 2020 - 2025, Bắc Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 14-15%; cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng 68,4%; dịch vụ 20,6%, nông lâm nghiệp và thủy sản còn 11%; GRDP bình quân đầu người đạt 5.500-6.000 USD/người/năm; 84,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu đó, Bắc Giang đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm mang tính giải pháp đột phá trong 5 năm tới là: Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của địa phương để tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng thủy lợi trọng yếu, hạ tầng đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, hạ tầng công nghệ thông tin - công nghệ số, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số.  Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, tập trung đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, chất lượng cao, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

 

 Hình ảnh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bắc Giang lần thứ V.

Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xác định chủ đề: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh; phát huy truyền thống văn hóa, sức mạnh toàn dân; đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước vào năm 2025".

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong giai đoạn 2020 - 2025:

1. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực sự vững mạnh, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, hạt nhân của hạt nhân là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Thực hiện thường xuyên và đồng bộ, liên thông công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá sàng lọc và bố trí, sắp xếp để đội ngũ cán bộ đảm nhiệm và phát huy phẩm chất, năng lực công tác, mặt khác kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

2. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và tình hình thực tế của địa phương để tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch.

3. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng thủy lợi trọng yếu, hạ tầng đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, hạ tầng công nghệ thông tin - công nghệ số, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số và xã hội số. 

4. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, tập trung đào tạo lao động có tay nghề, kỹ thuật, chất lượng cao, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác