Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Phóng viên (PV): Thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, 5 năm qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đáng ghi nhận này?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong 5 năm qua, lĩnh vực văn hoá đã đạt được những thành tựu nhất định, đóng góp vào thắng lợi chung của cả nước. Hoạt động của ngành văn hoá đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, tạo sức lan toả về vai trò, vị trí của lĩnh vực văn hoá đối với sự phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện
Để nhận định về thành quả 5 năm của toàn ngành trong phạm vi một bài phỏng vấn khó có thể chia sẻ hết được. Tuy nhiên, chúng ta có thể điểm một vài kết quả nổi bật, đó là: Việc cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu và trực tiếp ban hành nhiều văn bản để xây dựng hành lang pháp luật và tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý của Bộ với 03 Luật, 16 Nghị định, 06 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nhiều đề án cho các lĩnh vực khác nhau của văn hoá. Việc xây dựng thể chế của ngành có những bước tiến bộ rõ rệt thông qua việc chú trọng đến cải cách hành chính với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, nhằm kiến tạo, phát triển văn hóa, xây dựng con người trong thời kỳ mới.
Đến nay, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.498 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng, thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật; có 66 Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, 1.187 Nghệ nhân Ưu tú... Ở lĩnh vực nghệ thuật, cả nước hiện có 130 đơn vị nghệ thuật. Ở lĩnh vực điện ảnh, trên 536 doanh nghiệp tư nhân có chức năng sản xuất phim; 750 phòng chiếu phim với trên 148.500 ghế, gần 264 đội chiếu phim lưu động; có 400 công trình tượng đài; 120 tác phẩm, cụm tác phẩm, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và 553 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật...
Bên cạnh đó, ngành văn hoá cũng đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để triển khai công tác của ngành trên thực tế, như: Chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa di sản văn hóa vào giáo dục trong nhà trường cho học sinh các cấp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... triển khai các hoạt động cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng của các phong trào văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh để phát triển toàn diện con người Việt Nam...
Để có được điều đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân cả nước. Và đặc biệt, đó là sự kết tinh nỗ lực phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.
PV: Đại hội lần thứ XII của Đảng có rất nhiều chỉ đạo mới về phát triển văn hóa so với những kỳ Đại hội trước. Sau 5 năm thực hiện, Bộ trưởng có thể chia sẻ về kết quả thực hiện những điểm mới này?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nhiệm kỳ Đại hội XII cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hoá. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần đưa ra những thông điệp quan trọng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam, coi đây như một đột phá trong phát triển đất nước. Bên cạnh những quan điểm chỉ đạo về văn hoá như: Văn hoá là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta nhấn mạnh phải coi văn hoá ngang hàng với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 (Ban Chấp hành Trung ương khóa XII), ngày 12/10/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, bao gồm các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam”. Ngày 08/11/2019, trong chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công.”. Như vậy, những vấn đề về văn hoá rất quan trọng và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội trong quá trình phát triển bền vững đất nước.
Chúng ta tiếp tục gắn kết việc phát triển văn hoá và xây dựng con người, coi phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện con người và xây dựng con người vì sự phát triển văn hoá. Từ quan điểm chỉ đạo này, ngành văn hoá đã tập trung xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh như một giải pháp trọng tâm, trong đó phát triển công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản của xây dựng văn hóa để đạt mục tiêu văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Từ khi Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược năm 2016, những mục tiêu cơ bản của Chiến lược như: đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá năm 2018 đã đạt 3,43% GDP (so với 3% GDP như kế hoạch). Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá không chỉ tạo động lực cho phát triển kinh tế mà còn tạo ra sự hấp dẫn, sức mạnh mềm cho dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ngành đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, đặc biệt vào các dịp Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Ngày Thế giới phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến 2020”; “Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016-2020”; “Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020”; “Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”... Tiếp tục thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: Du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp... Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, qua đó, tạo cơ chế pháp lý để khuyến khích, xây dựng lối sống, nếp sống, giải quyết các vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị.
5 năm qua ngành văn hóa đã đạt được những thành tự to lớn, góp phần cùng cả nước
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. (Ảnh: K.T)
PV: Để phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hoá, 5 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra những giải pháp hữu hiệu gì và kết quả đạt được như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự vận hành của nền kinh tế thị trường đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó có văn hoá là quy luật khách quan. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tìm cơ chế phù hợp để phát triển văn hoá trong nền kinh tế thị trường để làm sao nền kinh tế ấy đem lại những tác động tích cực nhất có thể cho sự phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Chính vì thế, ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các ngành công nghiệp văn hoá trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cũng như xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam.
Trong 5 năm qua, kết quả rõ nhất của việc ban hành Chiến lược là nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò và vị trí của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo cập nhật của ngành Văn hoá, đến nay đã có 3 Bộ và 53/63 tỉnh/thành phố ở Việt Nam ban hành kế hoạch riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của mình, 47/63 có báo cáo kết quả về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế, sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các tổ chức quốc tế trong nỗ lực phổ biến Công ước 2005 tại Việt Nam, đặc biệt là của Hội đồng Anh, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Viện Goethe, các đại sứ quán Italia, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch… cùng với đó là doanh thu ngày càng tăng của điện ảnh (năm 2017: 3.228 tỷ đồng, 2018: 3.353 tỷ đồng, 2019: khoảng 4.000 tỷ đồng), du lịch văn hoá (năm 2017: 12.922.151 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu đạt hơn 510.900 tỷ đồng; năm 2018: gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 620.000 tỷ đồng; năm 2019: 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 726.000 tỷ đồng)... và như trên đã nói, chúng ta đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá trong tổng GDP của đất nước trước mốc năm 2020. Tất cả chứng minh sự đúng đắn trong nhiệm vụ xây dựng các ngành công nghiệp văn hoá và hoàn thiện thị trường văn hoá mà Đảng đã đặt ra như là một nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ Chín (Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI).
PV: Trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới có những biến động nhất định, theo Bộ trưởng, ngành văn hóa phải đổi mới như thế nào để bắt kịp với xu thế phát triển, cũng như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Chúng ta đang ở trong một giai đoạn hết sức khó khăn khi đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Những tác động của dịch bệnh này đối với đất nước nói chung, lĩnh vực văn hoá nói riêng rất nghiêm trọng và chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp trên thế giới cũng đặt ra những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển văn hoá của đất nước.
Để đổi mới hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, theo tôi, chúng ta cần kiên trì mấy quan điểm như sau:
Thứ nhất, phải tiếp tục đổi mới tư duy quản lý văn hoá theo hướng kiến tạo, minh bạch, hiệu quả; phải cụ thể hoá tư tưởng Chính phủ kiến tạo trong các hoạt động quản lý của ngành văn hoá, tránh để tình trạng “không quản được thì cấm”, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân có thể tham gia vào các hoạt động văn hoá.
Thứ hai, quản lý văn hoá cần chú ý đến quyền văn hoá của người dân. Quản lý dựa trên quyền là cách làm phù hợp với việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Từ việc chú ý đến quyền văn hoá của người dân, chúng ta sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, từ đó tạo điều kiện cho văn hoá nói chung phát triển; đồng thời cũng chú ý đến các nhóm yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong hưởng thụ và sáng tạo văn hoá để thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với người dân, thực hiện chính sách “không bỏ ai lại phía sau”;
Thứ ba, xây dựng những chính sách, biện pháp để chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng cách triển khai kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử trong ngành văn hoá, chuyển đổi mô hình hoạt động sang nền tảng trực tuyến, tinh giản nhân lực và tối đa hóa nguồn lực trong các cơ quan, đơn vị của ngành.
Để phát triển văn hoá là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ và lâu dài. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong có sự chung tay, chung sức của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, để văn hoá thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Kim Thoa (Thực hiện)