Định hướng phát triển của Gia Lai trong nhiệm kỳ mới
Với các cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, cao su.... Gia Lai đang tiến hành ứng dụng, đưa tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị kinh tế mang lại.

Với các cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, cao su.... Gia Lai đang tiến hành ứng dụng, đưa tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị kinh tế mang lại.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, để thực hiện thành công mục tiêu trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh phải một lòng đoàn kết, ra sức phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để hội nhập, phát triển, giữ vững ổn định chính trị, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, đồng thời nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Đồng chí Hồ Văn Niên nhận định, trong những năm tới, Gia Lai cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước sẽ đón bắt những thời cơ, thuận lợi và khó khăn đan xen thách thức do quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước mang lại cũng như những định hướng, chiến lược phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước ta triển khai thực hiện.

Riêng với Gia Lai, đây là địa phương có tiềm năng, lợi thế ở khu vực Tây Nguyên; có vị trí quan trọng trên tuyến hành lang Đông- Tây; đồng thời có sân bay, cửa khẩu quốc tế và là địa phương có nhiều lợi thế về có đất đai, khí hậu thuận lợi, dân số;à có bề dày truyền thống lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc…Tuy nhiên, Gia Lai hiện vẫn đang là một tỉnh có quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế còn thấp trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Điều đó đòi hỏi Gia Lai phải quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa đẩy lùi dịch bệnh nhưng đồng thời phải phát triển kinh tế; chú trọng làm giảm sự chênh lệch về phát triển kinh tế- xã hội giữa các địa bàn, khu vực trong tỉnh; đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây chính là điều mà các cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị trong tỉnh phải chú ý, tập trung thực hiện đạt hiệu quả trong những năm tới- đồng chí Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khẳng định.

Cho biết thêm về những định hướng đưa Gia Lai phát triển trong thời gian tới, trong đó trước mắt là nhiệm kỳ 2020-2025 để tạo tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo, đồng chí Châu Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Với định hướng đưa Gia Lai tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, giàu bản sắc và hướng đến trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) vừa qua đã xác định, Gia Lai phải nỗ lực vận dụng và triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều chủ trương, đường lối phát triển gắn với các nhiệm vụ, giải pháp căn bản trên các lĩnh vực”.

Theo đồng chí Châu Ngọc Tuấn, về chủ trương, đường lối phát triển, nhất thiết Gia Lai phải ưu tiên thực hiện chiến lược và các chính sách phát triển của địa phương đặt trong quy hoạch tổng thể quốc gia về tăng trưởng xanh, quy hoạch vùng Tây Nguyên; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia. Đồng thời với đó, Gia Lai sẽ phải khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các địa phương trong khu vực Tây Nguyên và cả nước.

“Theo định hướng trong thời gian tới, Gia Lai sẽ tập trung nghiên cứu để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu. Cùng với đó, sẽ phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn nêu rõ và cho biết: “Tỉnh sẽ từng bước điều chỉnh sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng trong tỉnh cũng như chú trọng công tác giảm nghèo bền vững và chăm sóc sức khỏe người dân gắn với triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch”.

Đồng thời với các nhiệm vụ trên, trong 5 năm tới Gia Lai cũng ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm ổn định xã hội và tăng cường khối đoàn kết toàn dân, nhất là trong cộng đồng đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn.

Mặt khác, các lĩnh vực khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng sẽ được địa phương thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tận dụng tốt mọi thời cơ cho phát triển, nhất là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (4.0) và xây dựng kinh tế số, xã hội số. “Phấn đấu để đến năm 2025, xây dựng Gia Lai trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc và đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia”- đồng chí Châu Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Cùng với phát triển kinh tế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên giàu năng lực công tác và phẩm chất chính trị, đạo đức đang được Đảng bộ Gia Lai chú trọng, tạo nền tảng để phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên giàu năng lực công tác và phẩm chất chính trị, đạo đức đang được Đảng bộ Gia Lai chú trọng, tạo nền tảng để phát triển.

Ngoài những định hướng phát triển đó, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên còn thông tin thêm, để đảm bảo phát triển thực sự bền vững, hiện Đảng bộ Gia Lai cũng đang đề ra nhiều giải pháp và chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể, nhất là tập trung phát triển kinh tế- xã hội kết hợp với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế; đồng thời giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia cũng như duy trì quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng như các tệ nạn, nhất là nạn buôn lậu qua biên giới ngay tại khu vực biên giới giáp ranh với các địa phương nước bạn.

Mặt khác, trên lĩnh vực xây dựng Đảng, Gia Lai xác định đây là khâu quan trọng, then chốt nhất nhằm xây dựng, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng, và điều hành của các cấp chính quyền. Do vậy, tới đây Gia Lai sẽ tiếp tục tập trung quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gần gũi mật thiết với nhân dân, qua đó đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và các cấp chính quyền trong tình hình mới. Đảng bộ Gia Lai cũng sẽ chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, giàu phẩm chất chính trị và đạo đức để đủ sức tham gia lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho. Song song đó, Gia Lai cũng quan tâm tăng cường sức mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp cũng như hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn./.

 

Phản hồi

Các tin khác