Đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững

Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, nâng cao chất lượng…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 – 2025 đánh giá lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn 2015 - 2020: kinh tế liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sức cạnh tranh ngày càng nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư; mở rộng hợp tác, liên kết, thúc đẩy khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là công nghiệp năng lượng, du lịch, nông nghiệp; bộ mặt đô thị và nông thôn, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; tình hình phát triển một số mặt của tỉnh còn chậm, chưa thực sự vững chắc, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực chưa đạt yêu cầu, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, rừng có mặt chưa chặt chẽ, còn sai phạm…

Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các vùng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững; do vậy nghị quyết xác định:

Trong 5 năm tới, Bình Thuận tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Tăng cường liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. Mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài, hướng vào các nhà đầu tư lớn, có năng lực. Tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đôn đốc triển khai các dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột: công nghiệp (năng lượng, chế biến); du lịch biển, thể thao biển; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công thương, đề án trung tâm năng lượng theo hướng phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến trở thành 1 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, nhất là các sản phẩm có lợi thế. Thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các dự án sản xuất các thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy. Phát triển một số khu công nghiệp mới theo hướng kết hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên...

Thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh ngành dịch vụ, du lịch gắn kết phát triển các đô thị ven biển, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung phát triển mạnh các loại hình du lịch biển, thể thao biển, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và hình thành mạng lưới các điểm đến du lịch. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục mở rộng liên kết, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đẳng cấp cao; thu hút đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, nhất là các dịch vụ kinh doanh hỗ trợ du lịch vào ban đêm, giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”, trở thành điểm đến hàng đầu khu vực. Xây dựng, gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển. Xây dựng chuỗi đô thị biển đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy Phan Thiết làm trung tâm. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, thực chất hơn nữa hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Tổ chức tốt các kênh phân phối vật tư, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức tốt các chương trình bình ổn giá, tạo điều kiện phát triển thương mại ở khu vực miền núi, hải đảo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu (chính ngạch), giữ vững thị trường truyền thống, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Phát huy vai trò của cảng Quốc tế Vĩnh Tân, hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển hệ thống dịch vụ logistics phục vụ liên kết vùng, kết nối vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển; chú trọng phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, phát triển dịch vụ cảng biển gắn kết với các khu công nghiệp của địa phương. Phát triển các ngành dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ khác. Từng bước phát triển thương mại điện tử, khuyến khích thanh toán qua mạng, không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Bình Thuận. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách của Nhà nước về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động các nguồn lực của tỉnh để đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch; vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi nhỏ, phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo chủ động nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khuyến khích trồng rừng sản xuất với các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với tái tạo, phát triển các loại cây bản địa. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước về quản lý, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp; tiếp tục hoàn thiện việc rà soát, đánh giá tổng thể rừng, theo dõi giám sát, cập nhật hiện trạng, diễn biến tài nguyên rừng; nâng cao chất lượng độ che phủ của rừng; huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng. Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn gắn với kiểm soát thú y và hoạt động giết mổ tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường. Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi hải sản trên biển gắn với chế biến, tạo giá trị gia tăng cao. Phát huy hiệu quả khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Triển khai các biện pháp phù hợp để bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái vùng ven bờ, hải đảo. Giữ vững uy tín, chất lượng, thương hiệu tôm giống Bình Thuận song song với phát triển vùng sản xuất tôm giống tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đạt mục tiêu đề ra, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống khu vực nông thôn, miền núi, bãi ngang ven biển và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, yêu cầu đầu tiên phải đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương phải thật sự đồng lòng và quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững./..

Phản hồi

Các tin khác