Xây dựng một tỉnh Vĩnh Phúc giàu mạnh và văn minh
Phát triển Vĩnh Yên thành khu trung tâm xanh của tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: VP)

Tuy nhiên, thực tế, tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; về vấn đề xã hội và môi trường, dịch bệnh, thiên tai tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp.

Thuận lợi, khó khăn đan xen và nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải có quyết tâm chính trị cao, với tinh thần đổi mới và đột phá để đưa Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, nhanh và bền vững cũng như đáp ứng mục tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Vĩnh Phúc giàu mạnh, văn minh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là tiếp tục kế thừa, phát triển tư duy, tầm nhìn, lộ trình, phương thức phát triển của nhiệm kỳ thứ XVI, tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện, nhanh và ngày càng bền vững, nội lực của tỉnh được củng cố, tăng cường quan trọng trên nhiều phương diện. 

Đặc biệt, kinh tế tỉnh tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; các đột phá chiến lược được thực hiện hiệu quả; phát triển đô thị và Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm; quản lý tài nguyên, khoáng sản có nhiều chuyển biến.

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá

Sản xuất công nghiệp tại tỉnh được chú trọng phát triển (Ảnh: VP)

Sản xuất công nghiệp của tỉnh được chú trọng phát triển (Ảnh: VP)

Đánh giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 về kinh tế, báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Vĩnh Phúc vừa qua đã nhận định, kinh tế tỉnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trưởng giai đoạn trước, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động từng bước cải thiện và nâng lên; quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng.

Theo đó, kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 7,1%/năm, cao hơn bình quân cả nước và tương đương với các tỉnh, thành phố. Quy mô GRDP tăng cao, năm 2020 ước đạt 122,68 nghìn tỷ đồng; gấp 1,56 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt 105 triệu đồng năm 2020 ;

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (5,8%/năm); cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư/GRDP bình quân đạt 32,66%; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của tỉnh tương đối tốt, chỉ số ICOR chỉ 3,31, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 6,14. Đặc biệt, công nghiệp là một thế mạnh vượt trội của tỉnh, trong khi quy mô nền kinh tế chiếm 1,7% GDP cả nước thì công nghiệp Vĩnh Phúc đóng góp đến 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng bình quân 5,6%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra và luôn đứng tốp đầu cả nước về thu nội địa, là tỉnh nằm trong nhóm có tỷ lệ điều tiết về trung ương. Chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ của tỉnh, trong đó đã ưu tiên, tăng chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa rõ nét

Báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng nhận định, sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là động lực cho phát triển kinh tế.

Tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 10,61%/năm, đóng góp trên 65% điểm tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành công nghiệp và đóng góp lớn cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng khá, linh kiện điện tử trở thành sản phẩm chủ lực và có mức tăng cao nhất, bình quân đạt trên 48%/năm . Ô tô, xe máy tiếp tục giữ vai trò là sản phẩm chủ lực.

Các ngành dịch vụ phát triển ổn định, nhiều ngành có mức tăng trưởng khá, chất lượng ngày càng được nâng lên, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng các ngành dịch vụ giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,21%/năm. Lượng khách du lịch tăng bình quân 15%/năm. Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch nhằm khơi dậy các tiềm năng cho ngành du lịch. Kinh doanh vận tải phát triển, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 4,48%/năm, số lượng hành khách luân chuyển tăng 7%/năm. Dịch vụ thông tin liên lạc phát triển nhanh, chất lượng được nâng lên, điện thoại di động được phủ sóng toàn tỉnh.Tăng trưởng tín dụng bình quân đạt trên 22%/năm, cao hơn mức tăng của cả nước (17%/năm); tỉ lệ nợ xấu giảm, hằng năm luôn dưới 1,5% tổng dư nợ tín dụng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đạt mức tăng trưởng bình quân 1,8%/năm.

Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực; dồn thửa đổi ruộng đang được triển khai ra diện rộng. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được hình thành, nhiều mô hình sản xuất áp dụng quy trình VietGAP đạt hiệu quả cao. Năng suất, hiệu quả sản xuất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng, giá trị sản xuất đạt trên 145 triệu đồng/ha (tăng 6% so với năm 2015), giá trị thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/ha đất canh tác (tăng 7,5% so với năm 2015). Chăn nuôi phát triển khá, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi được áp dụng đem lại giá trị thu nhập cao. Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được quan tâm; tỉ lệ che phủ rừng tăng từ 24% năm 2015 lên 25% năm 2020. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tăng bình quân 3,88%/năm.

Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển

Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế phát triển du lịch, trong ảnh là vẻ đẹp của khu nghỉ dưỡng lý tưởng Tam Đảo trên địa bàn tỉnh (Ảnh: VP)

Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế phát triển du lịch (trong ảnh là vẻ đẹp của khu nghỉ dưỡng lý tưởng Tam Đảo trên địa bàn tỉnh - Ảnh: VP)

Kinh tế ngoài nhà nước duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 9,27%/năm. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và thành phần kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (lần lượt là 43,7% và 42,9% năm 2019) và phát triển khá nhanh. Kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực; kinh tế hộ ổn định và phát triển. Đến nay, cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.

Từng bước hình thành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thị trường bán lẻ trong tỉnh; thương mại điện tử phát triển; mạng lưới và kết cấu hạ tầng các trung tâm thương mại, chợ và các cơ sở kinh doanh tiếp tục được đầu tư. Thị trường xuất khẩu ổn định, kim ngạch xuất nhập khẩu, số lượng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng . Thị trường khoa học và công nghệ được quan tâm, góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động từng bước phát triển.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng cao. Tỉnh đã thu hút được 2,86 tỉ USD vốn FDI và 56,27 nghìn tỉ đồng vốn DDI (Mục tiêu thu hút FDI 1,3-1,5 tỷ USD; DDI: 14-15 nghìn tỷ đồng); 05 dự án với số vốn 258 triệu USD, đầu tư vào kết cấu hạ tầng, xử lý và quản lý nguồn nước trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả ba đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2021 (Nghị quyết số 01-NQ/TU và Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 01/9/2016); có nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, nâng cao đời sống người dân, giữ vững an ninh, quốc phòng (Nghị quyết số 10/NQ-TU, Nghị quyết số 12/NQ-TU, Chỉ thị số 33/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy,…). Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh sớm xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được phát huy, giảm một phần ba đến một nửa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định.

Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, y tế (như Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 20/11/2019 về phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài). Có chính sách đặc thù nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên trường chuyên và hỗ trợ người học; chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong khu vực nhà nước. Quy mô, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh tiếp tục được nâng lên.

Tỉnh ủy còn ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/11/2019 về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025. Nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch, văn hoá, nông nghiệp, nông thôn mới được thực hiện và hoàn thành, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh  .

Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung phát triển đô thị và Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều tiến bộ quan trọng; củng cố, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng và các tỉnh lân cận theo hướng: Quy hoạch và phát triển đô thị luôn được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc; Phúc Yên đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, 02 xã đủ tiêu chuẩn và được công nhận là phường; nhiều xã được công nhận là thị trấn và đô thị loại V; nhiều khu đô thị mới đang hình thành. Tỷ lệ dân số đô thị tăng hằng năm, dự kiến năm 2020 đạt 45%.

Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được đầu tư; tổ chức sản xuất trong nông nghiệp từng bước được đổi mới. Xây dựng nông thôn mới đạt thành tích nổi bật, đến năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 04/09 huyện, thành phố (chiếm 44,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; có 18 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP; thu nhập bình quân/người/năm ở khu vực nông thôn năm 2018 đạt 39,5 triệu đồng.

Hợp tác phát triển với các địa phương trong các vùng được tăng cường trên nhiều lĩnh vực: Kết nối giao thông, thủy lợi, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng, phát triển đô thị, văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hơn nữa, công tác quản lý tài nguyên được tăng cường, quan tâm chỉ đạo, trong đó, công tác quản lý đất đai có nhiều chuyển biến tích cực; chấn chỉnh, xử lý có kết quả bước đầu tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép; cơ bản hoàn thành việc trả đất dịch vụ cho Nhân dân. Việc thu hồi, giao, cho thuê, đấu giá, chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản thực hiện đúng quy định theo hướng rút gọn thời gian; bồi thường, giải phóng mặt bằng có chuyển biến, nhất là những năm cuối nhiệm kỳ. Đã kiên quyết thu hồi một số dự án chậm triển khai, không hiệu quả, sử dụng đất lãng phí.

Nhìn lại tổng thể 5 năm qua, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cùng quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ vừa qua đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, mức tăng cao hơn giai đoạn trước và cao hơn so với bình quân cả nước; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư và đi vào hoạt động; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc./.

Phản hồi

Các tin khác