Xứng đáng là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng của cả nước
TS. Vũ Văn Hà

TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng (Ảnh:Bảo tàng Hồ Chí Minh)

50 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật chuẩn bị nội dung, thiết kế mỹ thuật, tổ chức trưng bày, giới thiệu toàn diện, chân thực và sinh động nhất tới đông đảo công chúng trong, ngoài nước về Bác Hồ kính yêu.

Hành trình nửa thế kỷ phấn đấu không ngừng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công chúng; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng về Người. Ngày 25.11.1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 206-NQ/TW về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, đến nay vừa tròn 50 năm.

TS. Vũ Văn Hà

50 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, đồng chí cả nước... (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Nửa thế kỷ thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, các thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống bảo tàng, di tích chi nhánh trong cả nước luôn tự hào về nhiệm vụ và truyền thống của cơ quan mình.

Ngay từ buổi đầu thành lập, với tình cảm gắn bó sâu nặng, cán bộ cơ quan CQ41 đã tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản của Bác Hồ, một số cán bộ khác được tiếp tục điều động và tuyển chọn. Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao gồm: Xây dựng ngay kế hoạch toàn diện về Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh để Bộ Chính trị và Chính phủ xét duyệt; bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Sau năm 1975, tổ chức cơ quan được kiện toàn nhằm tích cực thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác nghiên cứu xây dựng Bảo tàng. Ngày 12.9.1977, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 1978, Hội đồng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, thiết kế và ngày 15.10.1979 đã ban hành Nghị định số 375/CP quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau 15 năm chuẩn bị, ngày 31.8.1985, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chính thức được thực hiện. Trong những năm 1986-1987, dù tình hình kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm khánh thành Bảo tàng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, đã động viên toàn thể cán bộ nhân viên hướng mọi hoạt động về ngày khánh thành Bảo tàng. Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19.5.1990 đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của Bảo tàng, đồng thời ghi nhận sự đóng góp và phấn đấu, trưởng thành của tập thể cán bộ Bảo tàng. Từ đây, hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã bước sang một giai đoạn mới.

TS. Vũ Văn Hà

...và là trung tâm giáo dục về truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

30 năm qua kể từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước quy định nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng đã không ngừng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông cũng như các công tác hậu cần kỹ thuật giúp cơ quan hoạt động an toàn, chất lượng và hiệu quả. Với tình yêu và trách nhiệm, cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, giữ gìn và phát huy hiệu quả các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

50 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón tiếp hơn 30 triệu lượt khách tham quan, trong đó có gần 7 triệu lượt khách quốc tế; nhiều đoàn nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia và các tổ chức quốc tế; nhiều trưng bày, triển lãm của Bảo tàng được đánh giá cao, đổi mới theo hướng hiện đại, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã thường xuyên đến dự và tham quan triển lãm tại Bảo tàng. Bảo tàng đã tổ chức gần 60 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác nghiệp vụ Bảo tàng, di tích; thực hiện 18 đề tài khoa học cấp Bộ và hơn 30 đề tài khoa học cấp cơ sở; nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao của Bảo tàng không ngừng được bổ sung, đến nay Bảo tàng đã có 5 tiến sĩ, 32 thạc sĩ và 42 cử nhân, kỹ sư.

Hoạt động nghiên cứu của Bảo tàng cũng thể hiện nổi trội qua hơn 60 ấn phẩm đã được xuất bản và tái bản nhiều lần, đó là những nguồn tài liệu chính thống, tin cậy, được biên soạn công phu, chất lượng, được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao. Từ khi chính thức đón khách tham quan năm 1990, công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật về Bác Hồ vẫn không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh với gần 10.000 đơn vị tài liệu, hình ảnh, tư liệu và các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại khác nhau, trong đó có nhiều tài liệu, hiện vật gốc, độc bản, đặc biệt quý hiếm được sưu tầm và trao tặng.

50 năm từ khi ra đời trong đó có 30 năm mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, đồng chí cả nước, địa điểm tham quan yêu thích của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến với Thủ đô Hà Nội./.

Phản hồi

Các tin khác