(ĐHXIII) - Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong năm 2020, thành phố đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình và khẳng định vị trí riêng của các sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế.
|
Các đại biểu tham quan sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội (Ảnh: PC)
|
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thành phố đã tiến hành đánh giá lần 1 đối với 12 quận, huyện, thị xã với 358 sản phẩm OCOP đủ điều kiện từ 3 sao trở lên. Đồng thời, trong tháng 11/2020, các quận, huyện tiếp tục đánh giá, phân hạng khoảng trên 350 sản phẩm tại Hội đồng cấp huyện để trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố trong tháng 12/2020. Phấn đấu đến hết năm 2020, thành phố có thêm ít nhất khoảng 700 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, đạt mục tiêu theo Quyết định số 3629/QQĐ-UBND ngày 8/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Bên cạnh đó, theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội, với lợi thế có lượng khách du lịch lớn, hằng năm Hà Nội đón trên 30 triệu khách, trong đó có trên 7 triệu khách nước người, vì vậy, thành phố luôn quan tâm đến việc lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Với tinh thần đó, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mục đích kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, trong năm 2020, nhằm hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố đã triển khai tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương và công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2020. Đồng thời, tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức như: Hội chợ nông nghiệp và các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc - Lào Cai; Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020…Đi cùng với đó là các chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Có thể nói, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức một cách bài bản và chuyên nghiệp, các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội đã được khẳng định vị trí riêng. Nhiều hợp đồng giữa các chủ thể với các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn được ký kết và đặc biệt là góp phần tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, hiện đã và đang được tổ chức thực hiện.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội, bước sang giai đoạn 2021-2025, Hà Nội vẫn xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình OCOP, Hà Nội đề xuất kiến nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đi cùng với việc đổi mới phương thức quản lý, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò của Chương trình OCOP. Trong đó, tuyên truyền Chương trình OCOP trên các phương tiện truyền thông; tập trung đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia chương trình OCOP.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội và cả nước vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online và xuất khẩu để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng.
Ngoài ra, cần hỗ trợ các chủ thể thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội.../.
BT