Đông Triều: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Đông Triều nhìn từ trên cao (Ảnh: VH)

Một góc Đông Triều . (Ảnh: VH)

Đông Triều vinh dự có xã Việt Dân là xã đầu tiên trong cả nước đạt NTM kiểu mẫu. Từ xã này, Đông Triều đã nhân rộng mô hình, hiện huyện đã có thêm 4 đơn vị đạt NTM kiểu mẫu là Bình Khê, An Sinh, Tân Việt và Yên Đức.

Với những nỗ lực không ngừng, Đông Triều đang phấn đấu tới năm 2025, 6 xã còn lại sẽ đều về đích NTM kiểu mẫu. Theo lộ trình, Đông Triều phấn đấu năm 2021 sẽ đạt 2 xã là Nguyễn Huệ và Bình Dương, năm 2022 là Hồng Thái Đông và Thủy An, năm 2023 là Hồng Thái Tây và Tràng Lương.

Để có được những thành công trong mô hình xây dựng NTM kiểu mẫu, Đông Triều đã tận dụng những thuận lợi và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, mục tiêu để phấn đấu. Cụ thể với trình độ canh tác tốt, diện tích đất canh tác rộng, ruộng đồng phì nhiêu, cộng với sự tác động tích cực của quá trình xây dựng NTM trước đó đã tạo cho Đông Triều một nền tảng tốt để triển khai. Tính ở thời điểm trước khi nâng cấp đô thị từ huyện lên thị xã vào năm 2015, cả 15/15 đơn vị cấp xã của Đông Triều đã tiệm cận các tiêu chí NTM nâng cao. Sau khi thành lập thị xã, 4 xã lên phường, Đông Triều dành nguồn lực cho 11 xã tập trung hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao và tiến lên xây dựng NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, cái khó của Đông Triều chính là áp lực đơn vị tiên phong ngay từ khi xây dựng NTM, NTM nâng cao đến NTM kiểu mẫu hiện nay, nhất là khi tiền lệ chưa có. Chính bởi vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, nỗ lực và quyết tâm của Đông Triều luôn ở mức cao độ, luôn dồn trí, dồn lực thực hiện.

Quy hoạch cánh đồng NTM kiểu mẫu ở Đông Triều (Ảnh:VH)

Quy hoạch cánh đồng NTM kiểu mẫu ở Đông Triều. (Ảnh: VH)

Có thể thấy, trong suốt quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thành công của Đông Triều bắt nguồn từ 2 yếu tố chính. Đó là sự định hướng, đầu tư, giám sát, quản lý của hệ thống chính quyền thị xã một cách đúng, trúng, sáng tạo, hiệu quả. Hơn hết là sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là người dân, bao gồm cả nông dân, người dân sống trên địa bàn và con em Đông Triều xa quê hương. Người dân đã trở thành nhân tố chính, hạt nhân xuyên suốt trong các hoạt động gần chục năm xây dựng NTM ở Đông Triều.

Theo tính toán của thị xã Đông Triều, từ đầu năm đến nay tổng nguồn lực đầu tư cho các xã nông thôn Đông Triều là gần 556 tỷ đồng, trong đó người dân tham gia gần 460 tỷ đồng, chiếm hơn 82%. Bên cạnh đó, người dân đã làm chủ và phát huy tác dụng, giá trị của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, biết ứng dụng, phát triển trình độ canh tác của mình để tạo thêm nhiều sản lượng, giá trị trên diện tích canh tác. Và chính họ cũng là nhân tố đầu tư trở lại cho hạ tầng, cho đất đai, để nông thôn Đông Triều có thể phát triển bền vững và giá trị cao, tiến lên những mục tiêu mới trong phát triển nông thôn mà thị xã đã vạch ra.

Nhờ đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thu nhập người dân, môi trường sống nông thôn… vốn là những điểm cộng của nông thôn Đông Triều luôn đạt kết quả ở mức cao nhất. Ví như các tuyến đường nông thôn Đông Triều đều rộng từ 7-9m, thay vì 3,5m như tiêu chí, không những vậy, 2 bên đường hoàn thiện cống rãnh thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, nhiều đoạn có vẽ tranh tường trang trí... Thu nhập trung bình ở 5 xã đã đạt NTM kiểu mẫu của Đông Triều hiện đều trên mức 60 triệu đồng/người/năm;  6 xã đang phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu cũng đã tiệm cận mức 55 triệu đồng/người/năm. Tính ra, tổng thu của một gia đình 4 khẩu là khoảng 20 triệu đồng/tháng, đáp ứng một cách dư giả nhu cầu tiêu dùng thông thường.

Từ cách làm đúng, quyết tâm cao, hy vọng Đông Triều sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu đề ra, trở thành điểm sáng của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung về xây dựng NTM kiểu mẫu.

Phản hồi

Các tin khác