Vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững
HHLNVN đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân kỷ niệm 15 năm thành lập (Ảnh: HNV)

Từng bước kiện toàn về tổ chức hoạt động

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam (HHLNVN) Lê Duy Dần cho biết, nhận thức rõ về vai trò của công tác tổ chức, Hiệp hội đã rất chú trọng công tác tổ chức, qua mỗi kỳ Đại hội, công tác tổ chức được nâng lên rõ rệt. Đến nay về tổ chức, Hiệp hội đã khá hoàn chỉnh. Trải qua 15 năm, Hiệp hội tiến hành triển khai các công việc củng cố tổ chức và hoạt động của mình. Hiện, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có: Văn phòng cơ quan trung ương tại Hà Nội và 7 Văn phòng Đại diện tại: TP. Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, Khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Nam và chuẩn bị ra mắt Văn phòng Đại diện tại tỉnh Hải Dương và Khu vực Bắc miền Trung (gồm 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị).

Song song, Hiệp hội cũng đã có 15 đơn vị gồm Viện nghiên cứu, các trung tâm trực thuộc… cũng như có Thời báo Làng nghề Việt (nay chuyển thành Tạp chí Làng nghề Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Hiệp hội.

Công tác phát triển hội viên luôn được chú trọng, đến nay, Hiệp hội đã có 13.113 hội viên (trong đó có tới 32% là hội viên tổ chức), số hội viên trải đều 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều địa phương đã thành lập hiệp hội làng nghề hoặc các Hiệp hội có tên khác nhau nhưng hoạt động trong lĩnh vực làng nghề đều tự nguyện gia nhập là thành viên của Hiệp hội: Hiệp hội Làng nghề và thủ công mỹ nghệ TP. Hà Nội, Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên, Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh Nghệ An, Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam…

Sự phát triển này đã góp phần mở rộng ảnh hưởng của Hiệp hội, đồng thời tăng cường thêm nguồn nhân lực cho các hoạt động. Mặt khác, điều này cũng chứng tỏ Hiệp hội có tác dụng thiết thực với hội viên và hội viên tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động. 

Tích cực hỗ trợ cho hội viên và làng nghề

Các sản phẩm nghề thủ công truyền thống dự thi Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2020 (Ảnh: HNV)

Các sản phẩm nghề thủ công truyền thống dự thi Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2020. (Ảnh: HNV)

15 năm qua, HHLNVN đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành ở Trung ương cùng các địa phương trên cả nước; tổ chức hơn 300 sự kiện như: hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm, liên hoan văn hóa - du lịch, hội thảo chuyên đề, hội nghị khách hàng, kết nối cung cầu giữa các làng nghề đồng thời phối hợp các cơ sở và doanh nghiệp làng nghề đưa sản phẩm của làng nghề tới các nước tại Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ…

Đứng trước nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng, mẫu mã mới thân thiện với môi trường, Hiệp hội phối hợp với các cơ quan, các viện nghiên cứu của Nhà nước, các trường đại học tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, triển lãm nhằm: nâng cao khả năng thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công, tiếp cận với khách hàng: Hiệp hội đã phối hợp với Cục Quản trị (Văn phòng Chính phủ) tổ chức trưng bày lựa chọn mẫu tặng phẩm phục vụ các hoạt động của Nhà nước (19/5/2017); tham gia làm Trưởng ban Ban Giám khảo Vòng chung kết Cuộc thi thiết kế mẫu hàng lưu niệm và quà tặng du lịch đặc trưng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (từ ngày 17 đến ngày 19/11/2012); phối hợp với trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức Hội thảo Mỹ thuật ứng dụng với thiết kế mẫu sản phẩm trong làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam (6/4/2018); các Phó Chủ tịch Hiệp hội tham gia Ban Giám khảo nhiều cuộc thi sáng tác mẫu mã và sản phẩm Thủ công mỹ nghệ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.

Ngoài ra, phát triển làng nghề theo hướng du lịch làng nghề là một trong những ưu tiên trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Hiệp hội đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và tham gia Ban tổ chức Chương trình “Mùa Xuân tôn vinh Văn hóa dân tộc” tổ chức tại Hà Nội năm 2014; tư vấn và phối hợp với Hiệp hội Dệt lụa Vạn Phúc  tổ chức thành công “Tuần Văn hóa Du lịch Làng nghề lụa Vạn Phúc - Hà Đông, Hà Nội” đạt hiệu quả, mở đầu cho chương trình Du lịch Làng nghề “Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013”; phối hợp với Bộ NN và PTNT, Tổng cục Du lịch tổ chức một số hội thảo chuyên đề phát triển du lịch làng nghề và tham gia đóng góp ý kiến với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch dự án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, cung cấp các thông tin cần thiết nhằm phát huy nội lực của các làng nghề, khai thác tiềm năng địa phương để phát triển du lịch..., góp phần tư vấn phát triển du lịch có hiệu quả cho một số làng nghề: La Bằng - Đại Từ (Thái Nguyên), Mường Chiềng - Đà Bắc (Hòa Bình), Đồng Tân - Ứng Hòa (Hà Nội), Lũng Cú - Đồng Văn, Khuôn Lùng - Xín Mần (Hà Giang), Hồng Hạ - A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Thêm vào đó, để nâng cao khả năng hội nhập quốc tế và tiếp cận với công nghệ mới cho các hội viên, Hiệp hội đã phối hợp với Viện Tin học doanh nghiệp (trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khảo sát Thực trạng ứng dụng Công nghệ thông tin và thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm trong các làng nghề, đồng thời tổ chức Hội thảo “Thực trạng ứng dụng Công nghệ thông tin và thương mại điện tử” nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu sản phẩm tại Nghệ An và Bắc Ninh; hội nghị tập huấn kiến thức hội nhập cho các hội viên với chủ đề: “Làng nghề Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN” tổ chức tháng 3/2015 tại Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội); phối hợp với Cục chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), tổ chức “Hội nghị khách hàng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2015” hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN …

Đặc biệt, tạo điều kiện để các làng nghề, nghệ nhân, doanh nghiệp làng nghề tiếp cận với nhu cầu đa dạng của khách hàng, Hiệp hội đã thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị như : Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT); UBND TP. Hồ Chí Minh; Hội Nông dân TP. Hà Nội; Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ VHTT&DL); Sở VHTT TP. Hà Nội; Sở Công Thương TP. Hà Nội; Sở VHTT Quảng Ninh; Chi cục PTNT Vĩnh Phúc... tổ chức hàng loạt sự kiện như: “ Hội chợ Nông sản và Thủ công mỹ nghệ khu vực phía Bắc 2012”; “Hội hoa chợ tết Tôn vinh làng nghề và hàng nông sản phẩm chất lượng cao”; Triển lãm “Mỗi làng nghề một sản phẩm - OCOP 2015”;  “Liên hoan Văn hóa Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2016”; “Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và Triển lãm sản phẩm Làng nghề các tỉnh phía Bắc năm 2017”; Hội chợ Làng nghề khu vực phía nam tại TP Hồ Chí Minh 2017; Hội thảo “Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc”, Ngày “Di sản Văn hóa Việt Nam 2020)…

Đáng chú ý, 15 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội đã tổ chức 9 lần phong tặng vào các năm 2007, 2008, 2009, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018, 2020 các danh hiệu làng nghề, trong đó: đã phong các danh hiệu: 835 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam (trong đó có 62 Nghệ nhân VHNT Ẩm thực làng nghề Việt Nam); 72 Làng nghề tiêu biểu; 72 Đơn vị Kinh tế Làng nghề tiêu biểu; 06 Bảo vật tinh hoa làng nghề; 95 Sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Làng nghề tiêu biểu; 68 Thợ giỏi Làng nghề Việt Nam; 115 Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam.

Ở danh hiệu cấp Quốc gia, Hiệp hội là nơi cung cấp cho Hội đồng Nhà nước xét tặng nghệ nhân những nghệ nhân xuất sắc tiêu biểu để Hội đồng xét phong tặng Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú: trong số 22 Nghệ nhân Nhân dân, 192 Nghệ nhân Ưu tú thì đã có tới 15 Nghệ nhân Nhân dân, 135 Nghệ nhân Ưu tú là nghệ nhân làng nghề, hội viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Không những thế, công tác chăm lo đời sống cho các nghệ nhân được Hiệp hội rất chú trọng. Tuy có khó khăn về vật chất xong trong hoạt động của mình, Hiệp hội luôn chú trọng công tác này. Hiệp hội đã xúc tiến thành lập “Hội đồng Liên lạc các Câu lạc bộ nghệ nhân làng nghề Việt Nam”, xây dựng chính sách: thăm hỏi, động viên khi nghệ nhân gặp khó khăn trong đời sống, trong sản xuất - kinh doanh, đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với gia đình nghệ nhân khi các nghệ nhân qua đời.

Hơn nữa, Hiệp hội còn tổ chức phối hợp với nhiều tổ chức thực hiện các đoàn triển lãm, hội chợ, khảo sát, làm việc, ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, một số nước thuộc EU, ASEAN… đồng thời đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu, làm việc và khảo sát trực tiếp tại một số làng nghề để giới thiệu sản phẩm và đặt quan hệ hợp tác. Thông qua đó, giới thiệu với các đối tác nước ngoài về các hoạt động của làng nghề Việt, giới thiệu quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, tạo điều kiện để hội viên tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm kiến thức từ các đối tác nước ngoài để từ đó trang bị thêm kiến thức để tìm đầu ra cho các sản phẩm tại nước ngoài. Đơn cử như: ký kết hợp tác với Hiệp hội làng nghề Ấn Độ; hợp tác với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc; tham gia “Hội chợ Triển lãm quốc tế con đường tơ lụa Thế kỷ 21” (2018)…

Ngoài ra, Hiệp hội và các đơn vị đã tích cực tham gia các công tác xã hội như: hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”; dâng lễ và thắp hương tại các đài tưởng niệm liệt sĩ như ở Đài liệt sĩ Bắc Sơn (Hà Nội), Nghĩa trang thành cổ Quảng Trị, Đền thờ Bến Dược (TP.HCM), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang)…; vận động ủng hộ, tương trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; vận động ủng hộ, tương trợ các hoàn cảnh khó khăn, neo đơn; hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bà con vùng xa, vùng sâu…

Nghề dệt thổ cẩm - đặc trưng của đồng bào dân tộc khu vực phía Bắc (Ảnh: HNV)

Nghề dệt thổ cẩm - đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu sô. (Ảnh: HNV)

Tiếp tục hành trình củng cố, lưu trữ và phát triển giá trị làng nghề lên một tầm cao mới

Kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội, cộng đồng làng nghề cũng bước sang thời kỳ mới để phù hợp với quá trình phát triển của đất nước, tập trung nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị và nâng cao hàm lượng văn hóa trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, Hiệp hội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, hướng về hội viên, về các hội làng nghề thành viên, làng nghề, làng nghề truyền thống với chủ đề: “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Hội nhập Quốc tế”.

Ông Lê Duy Dần, Chủ tịch HHLNVN nhấn mạnh, trong bối cảnh mới này, trước tiên, Hiệp hội sẽ tích cực tham gia vào công tác tư vấn, phản biện, góp ý kiến xây dựng chính sách đối với làng nghề, qua đó để thực hiện bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Kiên trì kiến nghị với Nhà nước xem xét có văn bản pháp lý cao dành riêng cho làng nghề.

Tiếp theo, phát huy những thế mạnh của hội viên, thường xuyên tổ chức những hoạt động phối hợp như các hội chợ, triển lãm, diễn đàn, hội thảo, các sự kiện lễ hội tại địa phương..., trên cơ sở đó nhằm xúc tiến các hoạt động thương mại, đồng thời gắn kết Hiệp hội với các hội viên, làng nghề; kết nối làng nghề từng khu vực và trong cả nước. Chú trọng công tác phát triển hội viên.

Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của Hiệp hội và cộng đồng làng nghề cả nước. Phát huy hiệu quả thông tin, tuyên truyền của “Tạp chí Làng nghề Việt Nam”, làm cầu nối giữa Trung ương Hiệp hội đến các hội viên và cơ sở làng nghề;

Song song là duy trì thường xuyên việc thực hiện các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các danh hiệu làng nghề (nghệ nhân làng nghề, thợ giỏi, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, doanh nghiệp làng nghề tiêu biểu, Bảng vàng gia tộc...) và coi đây là một công tác quan trọng nhằm bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề.

Đặc biệt, chú trọng công tác thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công theo hướng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tiếp cận được với các đối tượng khách hàng trong nước và quốc tế.

Hơn nữa, xây dựng chương trình phát triển du lịch làng nghề trên cơ sở điều tra thực trạng tại những khu vực có tiềm năng, chủ động phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng để phát hiện và đề xuất những làng nghề có thể đầu tư, phát triển theo hướng du lịch.

Ngoài ra, từng bước nâng cao năng lực hợp tác quốc tế của Hiệp hội thông qua việc huy động tiềm lực của hội viên, tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi với các đối tác nước ngoài; động viên, tạo điều kiện kết nối để nhiều hôi viên có thể tham gia các sự kiện ở nước ngoài (hội chợ, triển lãm, hội thảo...);

Thêm vào đó, phối hợp với cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tìm nguồn kinh phí tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề… phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cũng như động viên hội viên làng nghề trong cả nước tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là một trong những nguồn lực để làng nghề phát triển bền vững./.

Chủ tịch HHLNVN Lê Duy Dần khẳng định, dịp kỷ niệm truyền thống của Hiệp hội đúng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang thi đua lập thành tích tiến tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tới đây. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của hội viên, việc gìn giữ và phát triển làng nghề đã đạt được kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nói chung và khẳng định thương hiệu sản phẩm thủ công truyền thống "made in Vietnam" nói riêng. Đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội tới, liên quan đến nội dung chiến lược phát triển kinh tế, HHLNVN cũng đang tập trung lấy ý kiến của các hội viên để bổ sung thêm nội dung liên quan tới công tác phát triển làng nghề và các sản phẩm truyền thống, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển kinh tế nói chung bền vững, hiệu quả./.

Phản hồi

Các tin khác