Trà hoa vàng, sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: BM)
Theo Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, tiếp nối kết quả của giai đoạn 1 (2013-2016), Quảng Ninh tiếp tục phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2017 -2020. Với Đề án này, địa phương xác định, sẽ đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị. Đồng thời, tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng dân cư trong tỉnh; đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi sản phẩm chủ lực cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt các giải pháp. Trong đó, tiếp tục kiện toàn, củng cố bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình, thành lập Ban chỉ đạo OCOP cấp tỉnh và cấp huyện; rà soát bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết phụ trách tham mưu giúp việc cho Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở.
Đi cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch,... để đảm bảo theo quy định.
Đặc biệt, Quảng Ninh xác định thực hiện nghiêm túc Chu trình OCOP để thúc đẩy sự tham gia của các hộ sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bắt đầu từ năm 2019, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Hội chợ OCOP cấp huyện để thay thế cho Hội chợ thương mại thường niên tại các địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại BigC tại Hạ Long và Hà Nội và với một số thành phố lớn trong cả nước.
Sau thời gian triển khai chương trình OCOP quốc gia, theo Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, đến nay, Quảng Ninh đã có 499 sản phẩm tham gia OCOP. Toàn tỉnh có 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, trong đó có 162 sản phẩm đạt 3 sao, 67 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 5 sao và 4 sản phẩm mới đang đề nghị đánh giá xếp hạng 5 sao cấp quốc gia; trên 85% sản phẩm OCOP được dán tem truy suất nguồn gốc. Đặc biệt, đến nay, tỉnh đã có 175 đơn vị kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP hằng năm đạt từ 500- 700 tỷ đồng, gia tăng giá trị sản phẩm trên 30% và tăng về quy mô sản xuất trên 18%.
Những kết quả trên cho thấy, Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể quan trọng phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng với Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ kinh doanh của các nhà sản xuất. Đồng thời, góp phần phát huy được các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Nhằm góp phần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đồng bộ riêng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời có các hướng dẫn thông thoáng nhằm khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển, tiếp cận được các chính sách để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Bên cạnh đó, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện Bộ công cụ của Chương trình như: Chu trình OCOP chuẩn quốc gia; Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP áp dụng chung cho địa bàn cả nước. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tầm quốc gia, quốc tế để các đơn vị tham gia chương trình OCOP của các địa phương có điều kiện thuận lợi giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường, liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước và hướng tới xuất khẩu./.
BT