Toàn tỉnh có trên 75 sản phẩm OCOP
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, triển khai chương trình OCOP, Sơn La hướng đến mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đây, góp phần phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế di dân ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn.
Triển khai Chương trình OCOP trong giai đoạn 2018-2020, Sơn La đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế nông thôn, được hệ thống chính trị các cấp và xã hội đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.
Tính riêng đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 30 sản phẩm của 11 huyện, thành phố tham gia đánh giá phân hạng, kết quả đạt được 28 sản phẩm của 18 chủ thể kinh tế đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia. Tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất Bích Thao (tham gia đánh giá cấp Quốc gia 5 sao), Trà vỏ cà phê, Mận sấy gừng, Mận sấy mật ong, Mận sấy thảo dược, Hồng giòn sấy dẻo,…
Ước thực hiện năm 2020, toàn tỉnh có trên 50 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 17 sản phẩm làm điểm cấp tỉnh (8 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 1 sản phẩm nhóm đồ uống, 3 sản phẩm nhóm thảo dược, 3 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí, 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn), nâng tổng số của toàn tỉnh có trên 75 sản phẩm đạt OCOP. Đặc biệt, trong đó có 1 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia.
Nâng cao nhận thức cộng đồng để tạo nên phong trào sâu rộng về sản phẩm OCOP
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng của Chương trình OCOP theo kế hoạch đã được phê duyệt của tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, theo Sở NN&PTNT Sơn La, địa phương sẽ quán triệt, tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho cấp ủy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng về sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu để thống nhất trong nhận thức và hành động.
Bên canh đó, hình thành bộ máy chỉ đạo đủ mạnh, có quy chế làm việc, có phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng và thường xuyên kiểm điểm, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý cấp xã, cán bộ chuyên môn cấp huyện hiểu rõ bản chất của chương trình. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi chỉ đạo chương trình; quan tâm chú ý đến chủ trương phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP.
Thứ nữa, để chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, Sơn La xác định chương trình cần được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Đồng thời, cần xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, trong đó, có kế hoạch chuyên biệt, cụ thể, bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.
Sơn La định hướng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc… để đảm bảo theo quy định.
Đi cùng với đó, tăng cường tập huấn, hỗ trợ triển khai trong các địa phương, nhất là cấp xã, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là xúc tiến thương mại, Sơn La xác định đây là bước then chốt của chu trình. Về vấn đề này, Sơn La đã tổ chức tham gia xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, tại các Hội chợ, Triển lãm, Hội nghị…kết nối cung cầu, hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.
Để tiếp tục triển khai Chương trình OCOP đạt hiệu quả, Sơn La kiến nghị Trung ương cần hỗ trợ công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông quốc gia, có hướng dẫn cụ thể với cộng đồng dân cư, các tổ chức đăng ký sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP. Kịp thời tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý, cách thức tổ chức thực hiện chương trình.
Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT có văn bản hướng dẫn nội dung hỗ trợ cụ thể về phát triển sản phẩm mới và sản phẩm hoàn thiện nâng cấp, hỗ trợ các điểm bán sản phẩm OCOP, xây dựng quy định thống nhất chung trong quản lý đối với các điểm bán hàng OCOP… từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để địa phương làm căn cứ quy định cụ thể hóa việc hỗ trợ.
Đặc biệt, Sơn La là 1 trong 12 tỉnh được Bộ NN&PTNT chọn để chỉ đạo điểm thực hiện chương trình OCOP (đại diện cho vùng Tây Bắc), do vậy, Sơn La kiến nghị Bộ NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương hỗ trợ chuyên gia tư vấn giúp Sơn La triển khai hiệu quả Chương trình OCOP./.
BT