Hà Nội: Công tác xây dựng Đảng đột phá vào những khâu mới, việc khó

Sinh động, thuyết phục trên từng lĩnh vực

Thành ủy Hà Nội xác định công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc có thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hoặc kém. Do vậy, Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo, đổi mới toàn diện, thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đến sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế…

Xuyên suốt nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về nêu gương; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện nghiêm túc kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm gắn với kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); xây dựng các giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Nghiên cứu xây dựng, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, đề án, quy chế, quy định trong các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, đi sâu vào việc mới, việc khó, nhiệm vụ trọng tâm còn tồn tại, hạn chế.

ộ Chính trị làm việc với Đảng bộ TP Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025.

Bộ Chính trị làm việc với Đảng bộ TP Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay sau Đại hội XVI Đảng bộ TP, Thành ủy đã ban hành và tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26/4/2016 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh”. Đây là chương trình có ý nghĩa “cốt lõi, xương sống” ảnh hưởng sâu sắc đối với 7 chương trình công tác còn lại. Những kết quả trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 được thể hiện sinh động, thuyết phục trên từng lĩnh vực.

Cụ thể, trong công tác đánh giá cán bộ, Hà Nội xác định đánh giá đúng cán bộ là tiền đề để làm tốt công tác phát hiện, tuyển chọn, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế. Nếu như trước đây, việc đánh giá cán bộ được thực hiện theo định kỳ hằng năm; ở một số đơn vị còn nặng tính cào bằng, hình thức, vô hình chung đã làm triệt tiêu tinh thần phấn đấu, thi đua của cán bộ. Nhận thức vấn đề này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU ngày 08/11/2017 về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý, trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp đánh giá, xếp loại đối với 12 nhóm chức danh; phân cấp, ủy quyền cho 05 chủ thể quản lý đánh giá, đề nghị phân loại cán bộ. Thành ủy cũng chỉ đạo và hướng dẫn cấp ủy các cấp thực hiện công tác đánh giá cán bộ bài bản, đúng quy trình, quy định, tiến hành bằng nhiều hình thức, thường xuyên, liên tục và đa chiều….

Thông qua đó, Thành ủy Hà Nội đã xem xét quyết định, điều chỉnh mức xếp loại đối với 33 trường hợp (giảm 3,7% so với các đơn vị tự đề xuất). Tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, năm 2018, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm mạnh so với năm trước (từ 84,48% xuống còn 16,41%). Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở quan trọng để xem xét, lựa chọn, quy hoạch, bố trí, thay thế cán bộ đảm bảo chất lượng và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị và Thành phố.

Hay thực hiện công tác tổ chức, cán bộ - lĩnh vực “then chốt” của “then chốt”, Thành ủy, các cấp ủy thành phố Hà Nội đã dành nhiều công sức củng cố, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị; mặc dù phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhưng luôn bảo đảm đoàn kết, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã sắp xếp, củng cố, kiện toàn các đảng bộ trực thuộc Thành ủy giảm từ 59 còn 50. Riêng giai đoạn 2018-2020, khối các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền giảm hơn 1.900 biên chế và dự kiến giảm 19.052 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện tự chủ tài chính.

Một trong những “điểm sáng” trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua còn là việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Theo đó, Thành ủy đã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiệm vụ này, từ các cơ quan Đảng, MTTQ, các đoàn thể đến khối chính quyền, các đơn vị sự nghiệp ở Thành phố đến các quận, huyện, thị xã...

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và triển khai hiệu quả Đề án 06-ĐA/TU gắn với Đề án 21-ĐA/TU về kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và hệ thống chính trị với sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố. Sau sắp xếp, toàn Thành phố đã giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, 2.708 thôn, tổ dân phố và 45 phòng, ban thuộc các sở, ngành; giảm 985 chi bộ và 33.583 người hoạt động không chuyên trách. Chi thường xuyên của Thành phố cũng giảm mạnh, đến năm 2020, chỉ còn 51%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Quan trọng hơn, sau sắp xếp, hệ thống chính trị các cấp đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, qua đó tinh gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và cũng là một bước chủ động để Thành phố triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Thành ủy Hà Nội cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp giảm 5/17 Ban chỉ đạo do Thành ủy thành lập, giảm 74/102 Ban chỉ đạo do UBND Thành phố thành lập; sắp xếp giảm 21/26 Ban quản lý dự án và 121/401 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, 45/204 đơn vị chuyên môn thuộc các sở, ngành Thành phố; giảm 110/206 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện và nâng mức tự chủ chi đầu tư đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đối với 257 đơn vị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các chương trình lớn của Hà Nội xây dựng Đảng. (Ảnh: TA)

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các chương trình lớn của Hà Nội xây dựng Đảng. (Ảnh: TA)

Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 về Quy định khung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng (hằng tháng) trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ đã giúp phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, đã nâng cao rõ rệt về ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức...

Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ từ công tác xây dựng Đảng

Bên cạnh việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ, Thành ủy Hà Nội cũng tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Ðề án 04-ÐA/TU ngày 20/9/2017 về "Ðổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý". Trên cơ sở đó, Thành ủy đã tổ chức hiệu quả các lớp đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ quy hoạch cấp ủy, các chức danh bí thư cấp ủy và lãnh đạo chính quyền cấp huyện, lãnh đạo cấp sở thuộc Thành phố. Các lớp đào tạo cán bộ đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức tổ chức giảng dạy, học tập, quản lý, từ đó, giúp Thành phố chủ động một bước trong xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

5 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã quyết định luân chuyển 55 cán bộ; quyết định giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 442 cán bộ, trong đó: giới thiệu ứng cử 270, bổ nhiệm 81, bổ nhiệm lại 91 đồng chí. Công tác bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo nguyên tắc đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ cấp ủy, là động lực thúc đẩy, phát huy nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ Thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng, dấu ấn đổi mới, sáng tạo còn thể hiện trong việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Qua đó, Hà Nội đã giải quyết các vụ việc phức tạp đạt tỷ lệ trên 85%; củng cố 100% tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, có vấn đề phức tạp; là cơ sở quan trọng giúp tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 của 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức Đảng cơ sở và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở.

Cũng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Nội đã tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề; cơ bản khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thành ủy, các cấp ủy đã kiểm tra đối với 9.810 lượt tổ chức đảng, 4.309 đảng viên; giám sát 4.786 lượt tổ chức đảng, 3.900 đảng viên; trong đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai 130 đoàn kiểm tra 839 lượt tổ chức đảng và 18 đoàn giám sát 84 tổ chức đảng trực thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 Chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá của Thành ủy. Từ công tác kiểm tra, giám sát, tính đến hết tháng 6/2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét, thi hành kỷ luật 4.143 đảng viên và 59 tổ chức Đảng, qua đó góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, có được những kết quả trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ trong nhiệm kỳ qua, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản của Thành phố để chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng bộ. Đặc biệt, quá trình thực hiện, Hà Nội rất chú trọng công tác tư tưởng, từ tuyên truyền, vận động để tạo đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả đó tạo tiền đề quan trọng để Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác bồi dưỡng cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 được Thành ủy Hà Nội chú trọng.

Công tác bồi dưỡng cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 được Thành ủy Hà Nội chú trọng.

Kết quả ấn tượng về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 là nền tảng để Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là cơ sở để Hà Nội đặt ra mục tiêu tổng quát “Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD….”.

Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ TP Hà Nội đề ra giải pháp trong nhiệm kỳ mới là tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ TP trong sạch, vững mạnh trên tất cả các mặt từ chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức. Thành phó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành ủy trực tiếp, thống nhất chỉ đạo tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương của toàn hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại các quận và thị xã Sơn Tây.

Đảng bộ TP tập trung đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu. Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ; tập trung sửa đổi, hoàn thiện quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu….

 Chiều 11/10, Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành phiên trù bị

Đại hội diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11-13/10/2020) tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Dự Đại hội có 497 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên toàn Đảng bộ.

Theo chương trình, Đại hội tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình Đại hội phiên chính thức, thông qua Quy chế làm việc của Đại hội và phổ biến một số nội dung về bầu cử trong Đảng.

Đại hội nghe trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP và dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.. 

 

Bài và ảnh: Trung Anh

Phản hồi

Các tin khác